Gian nan tái thiết vùng cao - Bài 1: Sống tạm

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC - HỮU PHÚC 14/12/2020 06:34

Bời bời nỗi lo, sau khi thiên tai quét qua vùng núi Quảng Nam với cường độ tàn phá chưa từng thấy. Những hỗ trợ kịp thời trong và ngay sau thảm họa, đã phần nào giúp bà con Trà My, Tây Giang, Phước Sơn… qua cơn khó ngặt. Chuyện “tái thiết” tiếp nối như một quy luật, nhưng đối diện với không ít thách thức về nguồn lực, sinh kế, khôi phục hạ tầng, ổn định chỗ ở… Quá nhiều thử thách đặt ra cho miền núi, ngay lúc này.

Vùng cao sau cơn lũ dữ. Ảnh: C.N.P
Vùng cao sau cơn lũ dữ. Ảnh: C.N.P

Trở lại “vùng thiên tai”, những mái nhà tạm mọc lên, học sinh ra lớp trở lại, bà con cũng bắt đầu nhặt nhạnh từ đống đổ nát, dỡ dựng một mái ấm khác cho chính mình.

Về làng

Con suối nhỏ ngày thường bỗng hóa thành cơn lũ lịch sử trong bão số 9, xé đôi làng Trà Văn A (xã Phước Kim, Phước Sơn), xóa sổ 26 căn nhà, đẩy hơn một trăm nhân khẩu không còn chỗ ở phải chen chúc nhau vào nhà làng.

Ông Hồ Văn Man - người dân thôn Trà Văn A nói, nhiều tuần sau lũ, nhà làng vẫn là nơi trú tạm cho rất nhiều hộ dân, khi lũ đã cuốn sạch sẽ nhà cửa, tài sản; số khác thì chia nhau vào ở nhà bà con trong làng.

“Mấy ngày đầu lo lắm, vì không còn một thứ gì cả, kể cả áo quần, gạo. Bà con đùm bọc nhau, nhà nào may mắn lũ không tràn tới thì giúp nhà khác. Rồi xã cũng hỗ trợ, nhiều đoàn từ thiện vào cho quà, từ gạo, thức ăn đến quần áo, chăn màn. Bà con giờ không lo đói nữa, chỉ lo lắng về việc phải làm lại nhà khác để ở. Chúng tôi không còn bất cứ tài sản gì, ruộng rẫy cũng tan nát hết rồi, chỉ còn cách trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước, của các nhà hảo tâm” - ông Man nói.

Sau lũ, một doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đã tìm đến phối hợp với UBND xã khảo sát, hỗ trợ bà con làm 15 căn nhà kiên cố trên phần đất vốn là sân sinh hoạt chung phía trước nhà làng. Những hộ còn lại, chính quyền địa phương cũng đang tìm cách để hỗ trợ dựng nhà tạm. Hơi ấm trở lại với làng Trà Văn A. Lũ trẻ đã được ra lớp. Những ngày qua, chính quyền sát cánh với bà con, kịp thời kiến nghị để hỗ trợ ngay những nhu cầu cấp thiết, đảm bảo cuộc sống đồng bào, có thể an tâm về cái ăn ít nhất trong vài tháng tới.

Rất nhiều nhà tạm được dựng để bước đầu làm nơi tránh trú cho người dân mất nhà.Ảnh: C.N.P
Rất nhiều nhà tạm được dựng để bước đầu làm nơi tránh trú cho người dân mất nhà.Ảnh: C.N.P

Chúng tôi trở lại làng Tăk Pát (thôn 2, xã Trà Leng, Nam Trà My) sau hơn 1 tháng cơn lũ dữ cuốn trôi hàng chục ngôi nhà xuống dòng sông Xoan. Không để người dân nào rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, ngay sau thiên tai, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và người dân gấp rút dựng nhà tạm.

Gia đình ông Hồ Văn Dương (làng Tăk Pát) đã mượn đất của bà con ở làng để dựng tạm lều tôn làm chỗ tá túc qua ngày. Hộ ông Dương gồm 8 nhân khẩu, 3 thế hệ chen chúc nhau trong ngôi nhà tạm quá chật chội và thiếu thốn mọi thứ. Ông ngán ngẩm: “Nhà ở tạm thấp lè tè, gặp những đêm trời mưa to, dông gió, mái tôn kêu to ầm ào cả người lớn trẻ nhỏ khó ngủ lắm. Bây chừ nhà cửa, tài sản đã trôi sông hết, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào cán bộ địa phương giúp đỡ”.

Tăk Pát tựa lưng vào núi, phía trước là con sông Xoan đợt lũ dữ vừa qua đã ngoạm hết phần đất ở của làng. Vì vậy, vị trí dựng nhà tạm được chọn cách xa điểm sạt lở hơn 100m. Đây là phần đất được bà con chia sẻ cho các hộ dân có nhà cửa trôi sông dựng tạm. UBND huyện Nam Trà My cho biết, địa điểm dựng làng mới nằm giáp ranh xã Trà Leng và Trà Dơn. Đây là chỗ tái định cư lâu dài cho các hộ dân mất nhà trong vụ sạt lở ở nóc Ông Đề (thôn 1), cũng như nhiều hộ dân ở nóc Tăk Pát (thôn 2, xã Trà Leng) nhà cửa bị lũ cuốn trôi trong cơn bão số 9 và số 10 vừa qua.

Gượng dậy đợi ngày mai

Mong qua nhanh ngày sống tạm

Những túp lều tạm dựng lên bằng tre, gỗ, lợp mái tôn và ít bạt ny lon. Giữa thung sâu núi rừng, nhiều người đã gạt bỏ nỗi ám ảnh của quá khứ kinh hoàng để gượng dậy, đợi ngày mai sẽ được sinh sống trong ngôi nhà tươm tất hơn. Điểm trường nóc Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) là nơi trú tạm của hàng chục người dân mất nhà cửa, người thân. Cả gia đình hơn chục người của già làng Hồ Văn Đề tá túc tạm ở điểm trường này. Tám người là con cháu của ông Đề đã trở thành nạn nhân của trận lở đất kinh hoàng mà đến nay chỉ mới tìm thấy thi thể 3 người.

Chiều cuối đông, đôi mắt ông Đề u sầu, nhìn xa xăm về phía núi, phía ngôi nhà cũ, làng cũ đã bị đất núi san vùi. “Không còn gì để mất nữa, dân làng chỉ cầu mong những ngày sống tạm sẽ trôi qua thật nhanh, chờ ngày mai về làng mới sống yên ổn hơn” - ông Đề mong mỏi.

Ngược qua xã A Xan (huyện Tây Giang), ông Tơ Ngôl Thiếu - Chủ tịch UBND xã cho hay, sau thời gian trú tránh tại trụ sở ủy ban xã, trạm y tế và nhà người thân, bà con địa phương đã trở lại làng, giúp nhau dựng tạm những căn nhà mới. Cuộc “tái thiết” diễn ra khẩn trương, chỉ sau thời gian ngắn, hàng chục căn nhà đã được dựng tạm, cùng nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi, ruộng vườn sản xuất được phục hồi, giúp bước đầu ổn định đời sống cho bà con biên giới.

“Mỗi người một việc, nhiều ngày qua, bà con giúp nhau cùng chính quyền địa phương chung sức dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống mới tạm thời sau mưa lũ. Tinh thần đoàn kết luôn được phát huy cao độ, trở thành điểm tựa vững chắc trong cộng đồng vùng cao” - ông Thiếu chia sẻ.

Tại xã Phước Thành (Phước Sơn) có 49 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn, cộng thêm 55 căn nhà khác hư hỏng một phần, không thể làm nơi ở do mất an toàn, như vậy hơn 100 gia đình ở xã này phải sống tạm. Trong những ngày bị cô lập, địa điểm họ ở có thể là nhà của bà con, trạm y tế, ủy ban xã…, nói chung là những nơi có thể ở đều được chính quyền huy động để cho dân tránh trú. Sau bão, dựng nhà tạm trở thành ưu tiên hàng đầu.

Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành nói, xã đã khẩn trương dựng 27 căn nhà tạm cho dân, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ và người dân tiếp nhận lương thực, thực phẩm, đảm bảo cho nhân dân không bị thiếu đói, rét do mưa bão. Số hộ còn lại được bố trí ở tạm tại trạm y tế xã, nhà người thân… trong thời gian tìm kiếm mặt bằng, tính toán câu chuyện an cư lâu dài.

Còn ở xã Phước Lộc, căn nhà tạm nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã vẫn được sử dụng từ hơn một tháng nay. Chính quyền vẫn chưa thể bỏ đi “nhà chung” cho hơn 50 người của thôn 3 (thôn 5A cũ), do khu vực này luôn nằm trong diện nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở, trong khi bài toán tái định cư chưa thể triển khai trong điều kiện thời tiết còn diễn biến phức tạp. Ông Hồ Văn Lưng (thôn 1, xã Phước Lộc) cho hay, căn nhà đã bị xóa sổ sau bão số 9, thật may cả gia đình đã có chỗ trú.

“Dù ở tạm nhưng cũng ổn hơn những ngày trước, phải che chắn bằng chiếu, bằng mền, kê ván làm chỗ ngủ. Cái ăn cũng đỡ lo, giờ gạo, cá khô, mì tôm cấp về nhiều. Chỉ có thiếu nước sạch, chúng tôi phải dùng chung nguồn nước từ hệ thống ống dẫn còn sót lại sau bão. Mong mưa bão qua đi để bà con chúng tôi được về, tìm nơi dựng lại nhà ở” - ông Lưng bộc bạch.

Cuối đông, những ngôi làng thiên tai Tăk Pát, Ông Đề, Trà Văn A… mà chúng tôi trở lại đã bắt đầu trở lạnh, màn đêm cũng đến nhanh hơn. Cuộc sống ở các căn nhà tạm thiếu thốn đủ bề, nhưng người dân vẫn kiên cường vượt qua.

---------------------------------
Bài 2: Lơ lửng...hai nỗi lo

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan tái thiết vùng cao - Bài 1: Sống tạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO