Gian nan tái thiết vùng cao - Bài cuối: Cơ hội sau thiên tai

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC - HỮU PHÚC 17/12/2020 05:47

Thiên tai đã tàn phá nhiều ngôi làng trên rẻo cao, còn rất lâu mới ổn định đời sống người dân trở lại, song đây là cơ hội để các địa phương trong tỉnh thiết kế lại quy hoạch không gian sống đồng bộ, đảm bảo phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát vị trí được chọn bố trí tái định cư ở xã Trà Leng (Nam Trà My).
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát vị trí được chọn bố trí tái định cư ở xã Trà Leng (Nam Trà My).

Lập làng đảm bảo an toàn

Từ đống đổ nát, hoang tàn sau thiên tai, miền núi mạnh dạn thiết kế lại không gian sống theo hướng bền vững. Đã hình thành các bản làng bắt đầu có sức sống mới. Điển hình như làng Khe Chữ (xã Trà Vân, Nam Trà My). Sau gần 3 năm sinh sống ở làng mới, đời sống của gần 200 hộ đồng bào Ca Dong đã dần ổn định. Những dãy nhà mọc kín khắp mặt bằng định cư mới; trường học, nhà văn hóa cộng đồng cũng được dựng lên khang trang giữa rừng.

Ông Hồ Văn Huyện - Chủ tịch UBND xã Trà Vân nói, tất cả là nhờ việc bố trí mặt bằng mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn của chính quyền địa phương. Từ khi xảy ra sự cố mưa lũ cách đây 3 năm, trung ương, tỉnh, huyện và các cấp ban ngành, đơn vị đều rất quan tâm đến đời sống của người dân Khe Chữ. Đường bê tông được mở về tận làng, trường học, nhà cửa được dựng mới, cuộc sống đủ đầy hơn trước rất nhiều.

“Đợt mưa lũ vừa rồi, Khe Chữ vẫn an toàn. Cả khu tái định cư này chỉ có 2 căn nhà bị ảnh hưởng do sạt trượt đất. Mọi thứ đều như cũ, người dân không còn lo sợ về lở đất nữa” - ông Huyện nói.

Dù vậy, ông Huyện cũng bày tỏ lo lắng cho “số phận” của những nóc nhà hiện vẫn còn định cư trên các sườn núi. Nỗi lo càng thêm trĩu nặng kể từ sau vụ lở đất xảy ra tại nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) trong đợt bão lũ vừa qua khiến 8 người chết, nhiều người bị thương. Để ổn định cuộc sống cho các hộ bị thiệt hại do thiên tai, chính quyền xã huy động lực lượng dựng các nhà tạm, hỗ trợ các điều kiện cần thiết trước khi chờ có mặt bằng định cư mới.

Theo ông Huyện, khó khăn nhất với địa phương lúc này, ngoài nguồn lực đầu tư, là vị trí để làm mặt bằng dân cư mới. Bởi địa hình núi đồi cao, hiểm trở, sông suối dày đặc, việc bố trí mặt bằng an toàn như Khe Chữ là rất khó.

Bài toán quy hoạch tái định cư phải phù hợp với thực tiễn để người dân thích nghi dần với thiên tai, bão lũ. Ảnh: C.N.P
Bài toán quy hoạch tái định cư phải phù hợp với thực tiễn để người dân thích nghi dần với thiên tai, bão lũ. Ảnh: C.N.P

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện nguồn lực đầu tư eo hẹp, với các vùng thiên tai, nếu chưa đủ tiền xây dựng các khu tái định cư, thì Nhà nước nghiên cứu xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản kiên cố, đủ sức chống chịu với sự tàn phá của các loại hình thiên tai. Đây là công trình tiếp nhận sơ tán dân tập trung.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - ông Thái Hoàng Vũ cho rằng, sau thảm họa, miền núi cần tư duy lại quy hoạch không gian phát triển và đòi hỏi các quyết sách về di dân, tái định cư phải thực hiện đồng bộ và kịp thời. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu bố trí sắp xếp, ổn định dân cư các huyện miền núi rất lớn với hơn 8.000 hộ, trong đó hộ cần phải di dời ra khỏi vùng nguy cơ cao bị thiên tai là hơn 1.700 hộ. Nhiệm vụ di dời, sắp xếp dân cư vùng thiên tai cần triển khai chủ động, kịp thời, chứ không để tái diễn tình trạng “nước tới chân mới chạy”.

Ông Đinh Mướk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, Nhà nước phải nghiên cứu làm thế nào để người dân “sống chung” được với thiên tai mà không gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời hạn chế các dự án, công trình tác động lớn vào tự nhiên; các dự án tái định cư xây dựng phải nghiên cứu thật kỹ về địa chất, tránh phá vỡ tính liên kết vốn có của đất tự nhiên.

Thay đổi để thích nghi

Tính lại bài toán quy hoạch

Trong hình dung của người dân và cả chính quyền địa phương ở các thôn, làng vùng thiên tai, nơi họ ở từ hàng chục năm nay chưa bao giờ là “vùng có nguy cơ”. Vậy nên, đến khi lũ quét, sạt lở đất ập xuống với cường độ chưa từng thấy, hầu như toàn bộ tài sản của bà con đều mất dấu, không ai kịp có cơ hội sơ tán, di dời bất cứ đồ đạc gì. Thiệt hại về người rất may đã được giảm thiểu nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tuy nhiên, những gì đã và đang xảy ra thể hiện một nhu cầu cấp bách hơn ở thời điểm hiện tại: quy hoạch sắp xếp dân cư thích ứng và phòng ngừa những rủi ro do thiên tai.

Ông Nguyễn Doãn Tuấn - cán bộ phụ trách Văn phòng UBND xã Phước Thành nói, khu vực dòng Đăk Ba Sao trước đây chỉ là một con suối nhỏ, nhà ở của bà con dọc theo nơi này khá khang trang, từng là một đoạn đường khá đẹp của xã và tất nhiên, không hề nằm trong danh sách những khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão lũ. “Việc tìm vị trí tái định cư, ổn định chỗ ở cho bà con bị mất nhà bây giờ thực sự là một bài toán khó. Quy hoạch được vị trí thích hợp, an toàn, nhưng phải phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào” - ông Tuấn đề xuất.

Mức độ lũ quét và sạt trượt đất đá gây ra thảm họa cho các địa phương miền núi có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố nhiều nơi không thực hiện nghiêm túc quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Trong khi đó, tình trạng nghèo hóa rừng giàu có xu hướng gia tăng ở vùng cao. Một thời các địa phương chạy theo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội bằng cách ồ ạt mở rộng diện tích trồng cây keo nguyên liệu, cây cao su mà mất cân đối với diện tích cây bản địa có chức năng phòng hộ.

Theo Sở NN&PTNT, lâu dài sẽ tiến hành phân vùng trọng điểm rủi ro, thiên tai trong lĩnh vực lâm nghiệp. Xây dựng tiêu chuẩn rừng có khả năng phòng hộ tốt, có sức chống chịu với bão, lũ, mưa lớn. Ưu tiên nâng cao chất lượng rừng thông qua việc bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng; tìm ra giải pháp khôi phục sản xuất lâm nghiệp sau thiên tai.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, Quảng Nam sẽ ưu tiên trồng các cây bản địa có khả năng hình thành rừng theo hướng đa dạng hệ sinh thái, xác định rõ khu vực bắt buộc phải trồng cây bản địa, cây chỉ phục vụ chức năng phòng hộ. Ngoài ra, các địa phương cần xác định cụ thể diện tích rừng có thể chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu thì cần phát triển mạnh cơ chế về lâm sản phụ, đặc biệt cây dược liệu cho giá trị lớn gấp 3 - 4 lần cây lấy gỗ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Trần Văn Mẫn khẳng định, đất bố trí tái định cư tâp trung cho dân vùng thiên tai đã được lựa chọn tại địa bàn xã Trà Leng là tốt nhất thời điểm hiện tại. Làng mới thiết kế có diện tích rộng 7ha, để bố trí cho nóc Ông Đề (thôn 1), làng Tăk Pát (thôn 2) của xã Trà Leng và các ngôi nhà có nguy cơ sạt lở cao, dự kiến di dân gần 100 hộ. Khu tái định cư xây mới có đầy đủ các hạng mục như điện, đường, nhà sinh hoạt văn hóa, nhà ở… Mỗi hộ sẽ được bố trí tối thiểu 240m2 đất (gồm đất ở, vườn). Giá trị xây dựng mỗi ngôi nhà dao động 150 – 200 triệu đồng (Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, tiền ủng hộ của các doanh nghiệp, ngân sách địa phương).

“Vị trí làng mới dự kiến xây khu tái định cư được cho là an toàn, thuận lợi nhất vì nằm gần trung tâm xã Trà Leng. Vào đây sinh sống, đồng bào cũng không bị ảnh hưởng sản xuất đáng kể vì có thể quay về nương rẫy cũ canh tác” - ông Mẫn nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đầu tư vào miền núi phải có trọng tâm, trọng điểm, sắp xếp dân cư, đồng thời với cải thiện sinh kế, phòng chống thiên tai. Về phương án lâu dài, UBND tỉnh sẽ tổ chức một cuộc họp bàn để tính toán cụ thể, chi tiết và toàn diện về đảm bảo dân sinh, hạ tầng khu vực miền núi để thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hiện nay.

Còn TS.Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, hiện tại, các huyện vùng cao như Nam Trà My, Bắc Trà My cần lập những bản đồ cảnh báo về các rủi ro do thiên tai, nhất là nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan tái thiết vùng cao - Bài cuối: Cơ hội sau thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO