Giữ cho mình đừng mặn hơn...

HOÀNG LỢI 07/08/2022 06:08

Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, muối luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Muối được con người đưa vào thức ăn và góp phần hình thành giá trị các nền văn hóa ẩm thực. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tất cả món ăn Đông Tây hầu như đều cần phải có muối mới đậm đà. Muối được dùng như một chất bảo quản để giữ thức ăn được lâu hơn nhờ khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Muối là một hợp chất liên kết giữa natri và clo. Khi hạt muối chạm đến đầu lưỡi, ion natri kích thích các dây thần kinh vị giác và ta cảm thấy mặn. Con người cảm giác được vị mặn trước hết là vì ta cần muối.

Tất cả bộ phận trong cơ thể đều cần muối, trước hết là natri. Giả sử nếu mất đi natri, cơ thể sẽ không thể giữ được nước nữa. Natri là thành phần cấu tạo chủ yếu điện thế màng tế bào. Nói đơn giản, chúng ta ý thức, truyền các xung thần kinh, vận động và điều khiển cơ thể mình là nhờ sự vận động của natri.

Ví dụ khi bạn bị ngộ độc, ói mửa hoặc tiêu chảy liên tục làm muối và nước trong cơ thể bị giảm đột ngột, cơ thể ngay lập tức bủn rủn, chân tay yếu ớt, suy nghĩ không còn tỉnh táo. Lúc này, cần được bổ sung nước và cả muối để không gây tử vong. Nhìn chung, muối và nước ít khi tách rời nhau.

Cơ thể con người thế nào thì vạn vật cũng như vậy. Các nguồn thực phẩm, dẫu là động vật hay thực vật đều có dòng chảy hài hòa và trọn vẹn của muối và nước. Nên khi ta ăn thức ăn, ta đã ăn muối luôn rồi.

Khi ăn các món mặn, nghĩa là có muối trong gia vị nêm, cơ thể lập tức khát và cần uống nước để trung hòa, sau đó thận sẽ làm nhiệm vụ điều tiết và thải lượng nước - muối này ra khỏi cơ thể. Nước và muối được đưa thẳng vào máu làm huyết áp tăng và tạo sức ép khủng khiếp lên thành mạch. Huyết áp cao buộc lòng thận và tim phải xử lý liên tục rất mệt mỏi. Bệnh cũng từ đây mà ra.

Vậy nếu bạn đã quá quen với việc ăn nhiều muối thì nên ăn như thế nào? Xin đưa một số gợi ý dành cho mọi người. Thứ nhất, giảm tối đa lượng muối có thể trong nêm nếm đồ ăn. Bạn sẽ thấy nhạt đi, nhưng đừng lo, chỉ cần tập làm quen với vị này, đầu lưỡi sẽ tăng khả năng cảm nhận, và bạn sẽ thấy đậm đà trở lại dù lượng muối giảm đi đáng kể.

Bạn sẽ cảm nhận vị tươi ngon của đồ ăn hơn thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào muối. Thứ hai, hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn và hạn sử dụng lâu. Về nguyên tắc, muốn đồ ăn có thể bảo quản càng lâu, thì lượng muối phải cao (nếu không thì cũng là các chất bảo quản khác). Dưa chua muối mặn mới để được lâu, cá muối mặn mới để qua năm tháng.

Kim chi, dưa chua hay cá muối còn tăng đáng kể nguy cơ ung thư thực quản và dạ dày. Nên đừng ăn quá nhiều các loại này. Tương tự, xúc xích, gà rán, bánh ngọt, mỳ ăn liền... đều là thứ có nhiều muối, hạn chế dùng. Cuối cùng, nhớ kiểm tra bao bì thực phẩm đóng gói để xem có bao nhiêu natri (sodium – nếu là đồ nhập khẩu) rồi hãy chọn. Bởi có nhiều loại thực phẩm dù không mặn nhưng vẫn rất nhiều muối. Thí dụ, một gói ngũ cốc pha sẵn hay chỉ một nửa thỏi sô cô la cũng có thể chứa nhiều muối hơn cả một gói đậu phộng rang muối.

Cơ thể chúng ta cơ bản đã mặn, việc chúng ta cần làm là giữ cho mình đừng mặn hơn để có sức khỏe tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ cho mình đừng mặn hơn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO