Hiệp Đức nỗ lực giảm nghèo bền vững

MAI NHI - TÂM ĐAN 24/01/2022 05:50

Tuần qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và công tác chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hiệp Đức (30.4.1972 - 30.4.2022).

Thời gian tới, Hiệp Đức cần tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Đ.N
Thời gian tới, Hiệp Đức cần tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Đ.N

Kinh tế chuyển biến tích cực

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 và thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng năm 2021 các lĩnh vực kinh tế của địa phương vẫn chuyển biến tích cực.

Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 13.600 tấn. Người dân tiếp tục đầu tư trồng mới 1.129ha rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm kinh tế lâm nghiệp.

Với nhiều cơ chế hỗ trợ, kinh tế vườn - trang trại có bước phát triển mạnh mẽ; lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng dần hồi phục và phát triển theo phương thức sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh.

“Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng thống kê cho thấy, năm 2021 giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện đạt gần 523 tỷ đồng, tăng 1,06% so với năm 2020” - ông Nam nói.

Ông Nam cho biết thêm, Hiệp Đức có 11 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 125,51ha; trong đó có 8 cụm đã được lấp đầy từ 50% trở lên. Thời gian qua, nhờ nỗ lực thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và tập trung hỗ trợ khôi phục, phát triển nhiều ngành nghề nên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của huyện có bước phát triển khá.

Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của Hiệp Đức đạt 535,1 tỷ đồng. Trong đó, riêng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 252,8 tỷ đồng, tăng 2,91% so với năm 2020.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 532,8 tỷ đồng, vượt 49,6% kế hoạch tỉnh giao và vượt 47,9% chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra; trong đó thu phát sinh kinh tế 53,5 tỷ đồng, vượt 38,1% kế hoạch tỉnh giao và vượt 25% chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra. Đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của Hiệp Đức còn 7,39%, giảm 1,44% so với năm 2020.

Ghi nhận những thành quả Hiệp Đức đạt được, song Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, quy mô kinh tế của huyện còn khá nhỏ nên nguồn thu ngân sách thấp. Đặc biệt, mặc dù là địa phương thuộc khu vực trung du - miền núi thấp nhưng Hiệp Đức có 3 xã gồm Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại các xã này, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao.

“Thời gian tới, tôi đề nghị huyện phải tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng lấy công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp làm mục tiêu phấn đấu. Nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép hiệu quả các kênh vốn hỗ trợ nhân dân, nhất là ở những vùng khó khăn để có điều kiện đầu tư phát triển mạnh sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao nguồn thu nhập, nhanh chóng cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Cần lưu ý, quy hoạch xây dựng 3 đô thị gồm Tân Bình, Việt An, Sông Trà cần phải có tầm nhìn xa hơn, sâu hơn. Trước mắt, Hiệp Đức nên ưu tiên nguồn lực thực hiện hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại 5 cho thị trấn Tân Bình. Cùng với đó, quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch...” - ông Dũng nhấn mạnh.

Đầu tư những công trình trọng điểm

Liên quan đến việc chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Hiệp Đức (30.4.1972 - 30.4.2022), ông Nguyễn Văn Nam cho biết, lễ kỷ niệm dự kiến diễn ra vào 28.4.2022. Huyện đã xây dựng 2 phương án, nếu kiểm soát được dịch Covid-19, sẽ tổ chức lễ mít tinh tại sân vận động huyện với số lượng tham dự khoảng 650 người.

Nhiều lao động nông thôn ở Hiệp Đức có việc làm ổn định tại các cơ sở may công nghiệp. Ảnh: Đ.N
Nhiều lao động nông thôn ở Hiệp Đức có việc làm ổn định tại các cơ sở may công nghiệp. Ảnh: Đ.N

Trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, sẽ tổ chức tại nhà văn hóa huyện với khoảng 250 người. “Nhân sự kiện này, địa phương sẽ khởi công xây dựng 2 công trình trọng điểm, gồm: cầu Tân Bình, đường tránh quốc lộ 14E qua nội thị Tân Bình với tổng kinh phí đầu tư 280 tỷ đồng và đường bao từ ngã 3 Già Ban thuộc thị trấn Tân Bình đến trung tâm xã Quế Lưu với tổng nguồn vốn 46 tỷ đồng” - ông Nam nói.

Dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương, Hiệp Đức còn dự kiến tổ chức khá nhiều hoạt động như: phối hợp với Đoàn ca múa nhạc Quân khu 5 biểu diễn chương trình nghệ thuật trong lễ mít tinh; tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao mùa xuân kết hợp các nội dung thi đấu Đại hội TD-TT huyện lần thứ IX; hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và những sản phẩm OCOP; gặp mặt đại diện các đơn vị đã từng chiến đấu, công tác trong những năm tháng chiến đấu giải phóng Hiệp Đức; thăm và tặng quà các gia đình trụ bám trên địa bàn...

Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, dịp lễ này huyện sẽ nỗ lực huy động nhiều nguồn lực, phấn đấu xây dựng thêm 22 nhà tình nghĩa cho những gia đình có công cách mạng trên địa bàn 11 xã, thị trấn với mức kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 120 triệu đồng/nhà.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, việc tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Hiệp Đức mang ý nghĩa rất quan trọng. Đây là sự kiện nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, bất khuất; ghi nhận công lao to lớn của các chiến sĩ, đồng bào đã không ngại hy sinh, gian khổ, chiến đấu ngoan cường trên chiến trường Hiệp Đức và giành thắng lợi vẻ vang vào ngày 30.4.1972, góp phần cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử. Đặc biệt, qua đây sẽ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

“Ngay từ bây giờ, tôi đề nghị Hiệp Đức phải tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương. Các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện này phải xác định cụ thể quy mô từng phần việc, phải có nhiều phương án để đảm bảo phù hợp với diễn biến dịch Covid-19.

Huyện phải thường xuyên phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh giải quyết vướng mắc phát sinh để sớm hoàn tất những hồ sơ, thủ tục, thiết kế bản vẽ thi công, đấu thầu, đo đạc, giải thửa, bồi thường, giải phóng mặt bằng... đảm bảo khởi công xây dựng 2 công trình trọng điểm là cầu Tân Bình, đường tránh quốc lộ 14E qua nội thị Tân Bình và đường bao từ ngã 3 Già Ban thuộc thị trấn Tân Bình đến trung tâm xã Quế Lưu đúng vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Hiệp Đức” - ông Dũng nói.

Hiệp Đức kết nạp thêm 36 đảng viên

Thời gian qua, Hiệp Đức đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên, trong đó đáng ghi nhận là Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025. Theo thống kê, trong năm 2021 Hiệp Đức kết nạp thêm 36 đảng viên (vượt 2,86% chỉ tiêu tỉnh giao), nâng tổng số đảng viên trên toàn huyện lên 1.945 đồng chí.

Qua kết quả đánh giá và phân loại, năm 2021 Hiệp Đức có 5/42 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 11,9%), 32/42 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 76,2%), 5/42 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 11,9%), không có tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ cải thiện nhà ở

UBND huyện Hiệp Đức cho biết, năm 2021, việc thực hiện chính sách người có công và bảo đảm an sinh xã hội được ngành liên quan, chính quyền các địa phương của huyện triển khai nghiêm túc, đúng đối tượng. Trong đó, thực hiện Nghị quyết 11 và Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải thiện nhà ở, năm qua Hiệp Đức hỗ trợ xây dựng 229 ngôi nhà cho người có công cách mạng với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng. Tiếp nhận nguồn hỗ trợ của tỉnh và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 111 ngôi nhà cho các trường hợp khó khăn, bị thiệt hại nặng do thiên tai với số tiền hơn 4,9 tỷ đồng.

Năm 2021, Hiệp Đức xảy ra 7 vụ cháy rừng

Mặc dù chủ động triển khai nhiều biện pháp nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân bất cẩn trong việc xử lý thực bì nên năm 2021 trên địa bàn Hiệp Đức xảy ra 7 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại hơn 33,2ha. Các vụ cháy rừng xảy ra tại 4 xã gồm Hiệp Hòa, Phước Trà, Phước Gia, Quế Lưu. Trong số diện tích rừng bị thiệt hại nêu trên, có gần 7,8ha cây rừng tự nhiên, hơn 8,6ha rừng trồng và xấp xỉ 16,8ha lau lách.

Nhờ tăng cường tuần tra kiểm soát, trong năm 2021 các lực lượng liên quan của huyện Hiệp Đức lập biên bản 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 8 vụ so với năm 2020). Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách 25 triệu đồng; xử lý bán tang vật tịch thu với số tiền 165,6 triệu đồng; khởi tố 2 vụ hủy hoại rừng với diện tích bị thiệt hại 48.895m2.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức nỗ lực giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO