Hổ tướng ở làng Tây Sơn

LÊ VĂN CHƯƠNG 21/01/2022 08:52

Trời đã xế chiều, nhưng tôi vẫn chưa tìm được điểm nhấn “độc, lạ” nào từ võ sư Mười Hoàng, ngoài những mảng ký ức đứt nối về thời huy hoàng dạy võ Bình Định. Cho đến khi đêm xuống và dưới ánh đèn đỏ quạch soi khoảnh sân nhỏ, tôi mới dâng niềm cảm xúc khi thấy ông bước chân trần và tung những đòn thế mau lẹ, biến ảo như một hổ tướng xung trận trong tiếng trống Tây Sơn dập dồn.

Võ sư Mười Hoàng có thần thái như một hổ tướng Tây Sơn. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Võ sư Mười Hoàng có thần thái như một hổ tướng Tây Sơn. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Vào làng võ

Nhìn cuốn sách cũ viết bằng chữ Nho đặt trên bàn thờ tổ, huấn luyện viên cao cấp Phan Minh Hải, cháu ngoại của đại võ sư Phan Thọ (Chưởng môn đời thứ 3), người võ sư trẻ nhưng nói về võ thuật với niềm say mê.

Xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thỉnh thoảng đón đoàn du khách đến tham quan võ đường Phan Thọ. Phan Minh Hải là con cháu trong nhà, từ lúc nhỏ đã nhìn ông nội dạy võ, nên võ thuật ngấm vào cậu, khiến cậu có thể nói về võ cả ngày, nói rất hay, trôi chảy và thu hút.

Huấn luyện viên trẻ này cho biết, tỉnh Bình Định có đầu tư cho gia đình 1 ít tiền xây dựng sân tập võ để võ đường trông khang trang hơn. Tuy nhiên trong mắt tôi, với một người tầm cỡ như đại võ sư Phan Thọ thì những gì con cháu ông đang thừa hưởng là rất nghèo nàn, trừ kiến thức võ học.

Năm 2014, đại võ sư Phan Thọ trước khi qua đời đã nhắn lại cho võ sư Mười Hoàng lưu giữ một số bí kíp võ thuật Tây Sơn cùng với lời trăn trối cuối cùng: “Anh Bốn dặn là em giữ mấy đường đó, tới khi cuối đời thì tìm học trò truyền lại, đệ tử nào tin tưởng thì mới nói”.

Trên bàn thờ tổ vẽ một cây gia phả trên hình 2 con rồng vờn mây. Có 2 người được xem là ông tổ của phái võ này là Nguyễn An, còn gọi là Cai Bảy và Diệp Trà Phát, còn gọi là Tàu Sáu; sau đó phải tới 3 thế hệ tiếp nối mới tới đại võ sư Phan Thọ.

Vị trí trong cây gia phả, võ sư Phan Thọ được đặt ở vùng xương sống của cây gia phả đã cho thấy, ảnh hưởng của ông như vầng thái dương trong môn phái.

Theo sự chỉ dẫn của các môn đệ, tôi quyết định đi vào xóm 1, xã Bình Nghi để tìm võ sư Lê Công Hoàng (Mười Hoàng), người mà tôi từng được nghe các võ sĩ ở Hà Nội và Nghệ An kể rằng, có lối đánh mau lẹ, biến ảo như gió, là đệ tử chân truyền được Phan Thọ xem như ruột thịt.

Ngôi nhà của võ sư Mười Hoàng nằm trong một hẻm sâu. Tôi không gọi gia chủ mà đứng lẳng lặng quan sát nơi từng đào tạo ra rất nhiều võ sĩ ở miền Bắc vào Bình Định học võ.

Thời võ sư Phan Thọ còn sống, các võ sĩ từ miền Bắc làm một cuộc hành hiệp vào Bình Định và xin ở lại thọ giáo thầy Phan Thọ, thường là vài tháng đến vài năm. Thầy Phan Thọ nhìn thật lâu học trò rồi nói “nếu muốn học thêm môn đối kháng thì qua xóm bên, gặp thầy Mười Hoàng chỉ giáo thêm”.

Học trò của Mười Hoàng tập võ dưới ánh đèn, trên khoảng sân đất trước nhà. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Học trò của Mười Hoàng tập võ dưới ánh đèn, trên khoảng sân đất trước nhà. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Võ thuật trên thế giới có những điểm tương đồng, nhưng mỗi môn phái cũng có những nét riêng, cộng với việc môn phái đó chú trọng để rèn cho các võ sĩ chuyên về bộ gì. Đại võ sư Phan Thọ qua đời năm 2014, thọ 88 tuổi, nhưng tên tuổi thì vẫn vang bóng. Vì sao trước đó chưa lâu, người ta vẫn thấy hình ảnh ông được phát sóng truyền hình và võ sư vẫn giữ phong thái của một lão tướng?

Đó là vì môn phái của ông không thiên về đòn chân, mà người võ sĩ luôn uyển chuyển từ tấn, hông, vai, chỏ, khi võ sĩ ra đòn thì cả thân hình giống như một vòi rồng, sức cuốn cộng với sự dồn lực từ các bộ phận cơ thể và “nổ tung” ra những đòn thế rất khó đoán. Và trong một tích tắc, khi đối phương chưa kịp phản ứng thì người võ sĩ đã áp sát, xoay người, đảo tấn, liên tiếp tung ra các chỏ lật, chỏ cắm.

Võ sư Mười Hoàng rót nước trà, chậm rãi nhắc lại câu nói có liên quan đến số phận của nghề võ, cuộc đời chìm nổi của những ông thầy xác định cả đời chỉ võ mà thôi: “Hồi xưa người ta nói là giàu thì học võ, khó thì học văn, hồi đó là nhà giàu thì bỏ tiền, mời thầy về nhà dạy võ cho con, nếu không có tiền thì không thể học võ được, còn bây giờ thời thế đã thay đổi”.

Nghề võ đang buồn so với trước đây. Vì vậy, tôi cố nán lại trong ngôi nhà của thầy Mười Hoàng, mời thầy đi ăn trưa cùng với đồ đệ là võ sư Lê Văn Mười, nhưng xem ra, tôi vẫn chưa tìm được nhiều câu chuyện từ lão võ sư có giọng nói thâm trầm và ánh nhìn lặng lẽ cho đến khi màn đêm phủ xuống làng võ Bình Nghi.

Dưới ánh đèn đêm

Võ sư Mười Hoàng chao vai như đang né đòn của đối phương, người hơi hạ thấp, thế đứng đinh tấn, sau đó chuyển rất nhanh về thế chảo mã tấn, thân hình ông chao giống như đang đối diện với thỏi nam châm cùng dấu, nên đảo nhẹ, sau đó lướt tới thật nhanh kèm theo “cơn lốc” chỏ, thần thái toát ra vẻ dũng mãnh như hổ xám.

Dưới ánh đèn đêm, trông võ sư Mười Hoàng khác hẳn với buổi sáng và buổi chiều hôm đó, ông hoạt bát hẳn lên và liên tục chia sẻ với học trò về những đòn thế của võ Tây Sơn.

Võ sư Mười Hoàng năm nay 73 tuổi, ông học võ từ năm 19 tuổi. Có lẽ, từ khi học võ, cho tới lúc làm thầy, lúc ông huấn luyện cho học trò thường là vào khoảng thời gian bóng đem phủ xuống làng quê.

Thời trước, sân dạy võ được thắp đuốc tỏa khói mù mịt, thời gian sau này là những chùm đèn đỏ quạch treo trên cây xoài. Ban ngày ông hiền lành như một lão nông, giọng nói chậm rãi, nhưng đêm xuống ông như người nhập tâm, thi triển lại các đòn thế đã được học; đi nhiều bài quyền, trong đó có bài quyền Ba chân hổ.

Mười Hoàng nhận học trò, nhưng cũng ngồi nhìn thật lâu vào tướng mạo để xác định cách dạy. Trông: nghĩ sao cho tỏ; Nghe: nghe sao cho suốt… Mười Hoàng có khả năng xem tướng mạo để chọn học trò.

Ông chỉ lướt qua khuôn mặt, nghe giọng nói, dáng đi thì có thể phỏng đoán ra được phần lớn tính cách của người đó. Mười Hoàng cho rằng, “nếu học trò có tướng mạo đức độ thì mình truyền dạy kỹ; còn học trò có tính hơn thua, thiếu kiên nhẫn thì mình cũng vẫn dạy nhưng mà dạy theo cách khác”.

Dạy võ là nghề rước cái nghèo cho mình. Bởi phần lớn những đồ đệ từ miền Bắc vào Bình Định và xin thọ giáo thầy đều là những thanh niên nghèo. Mười Hoàng đắn đo khi hỏi hoàn cảnh, sau đó chỉ về xóm lò gạch và nói, cứ vô đó làm kiếm tiền công như những anh em khác, tối về thì bắt đầu dạy võ; thầy nghèo không tính tiền thầy, chỉ tính tiền ăn hàng tháng.

Những đồ đệ kiên trì ở lại thọ giáo sau này đều thành công. Mười Hoàng đã đào tạo hàng ngàn võ sĩ, trong đó có 15 võ sĩ thi đấu cấp quốc gia, các võ sĩ nổi tiếng như Lê Anh Tuấn ở đơn vị quân đội, Trần Văn Đông, Trương Văn Phúc ở Liên đoàn Võ thuật tỉnh Nghệ An.

Cả cuộc đời thâu nạp đệ tử, đào tạo chủ yếu vào ban đêm. Vì vậy khi ở tuổi xế bóng, Mười Hoàng giống như một con người nhập tâm. Ban ngày, ông lẳng lặng mộc mạc như một nông dân quê mùa. Nhưng đêm xuống, khi đôi chân trần dẫm trên mặt đất, ánh mắt đối diện với những ngọn đèn đỏ, bao xốc và thân hình nhễ nhại mồ hôi.

Mười Hoàng kể lại: “Thời trước, học trò tới đặt lễ xong, thầy bắt ra ruộng khô đứng trung bình tấn nửa tháng; thỉnh thoảng thầy đi qua đạp nhẹ thử một cái mà ngã lăn quay thì sẽ nói, chưa được đâu, tấn không vững”. Mười Hoàng bảo rằng, dạy võ phải nghiêm như vậy đó, nên anh nào qua được thì mới thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hổ tướng ở làng Tây Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO