Hướng về người nghèo

TÂM ĐAN 21/07/2020 04:32

Song hành với phát triển kinh tế, Hiệp Đức luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ để người nghèo, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Trong nhiệm vụ này, không thể không nhắc đến vai trò và những đóng góp của hệ thống Mặt trận và các hội, đoàn thể.

Năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh thông qua Mặt trận tỉnh, Mặt trận huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 5 hộ nghèo. Ảnh: VINH ANH
Năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh thông qua Mặt trận tỉnh, Mặt trận huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 5 hộ nghèo. Ảnh: VINH ANH

Sau xã Bình Sơn và Hiệp Hòa, năm 2019 Mặt trận huyện Hiệp Đức tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo huyện với đại diện hộ nghèo ở thôn Trà Va của xã Sông Trà. Tại hội nghị này, có 6 hộ nghèo người đồng bào Ca Dong mạnh dạn đăng ký thoát nghèo, sau đó được Mặt trận huyện mời tham gia đoàn tham quan thực tế các mô hình kinh tế tại tỉnh Kon Tum.

Chuyến đi giúp các hộ nghèo được tham khảo một số mô hình làm kinh tế hiệu quả. Từ đó, thay đổi nhận thức trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Như hộ ông Hồ Văn Minh (65 tuổi, ở tổ 2, thôn Trà Va), sau chuyến đi ấy, ông đã cải tạo lại mảnh vườn sau nhà để trồng cây ăn quả và đào ao thả cá.

Ông Minh nói: “Vợ chồng tôi còn sức khỏe, có đất đai, ruộng vườn thì phải cố gắng làm ăn để phấn đấu thoát nghèo. Tôi mong muốn Mặt trận và các cấp chính quyền tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật để tôi phát triển mô hình vườn - ao - chuồng”.

Ông Tạ Hữu Hoành - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Trà Va cho biết, toàn thôn có hơn 90% hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, ý thức người dân trong lao động, sản xuất thay đổi đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn cao (chiếm hơn 50%), do đó đòi hỏi các cấp, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.

“Ý thức lao động của người dân có thay đổi nhưng phương pháp, cách làm là những thứ còn thiếu. Điều này cần sự đồng hành, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, đoàn thể ở các cấp” - ông Hoành nói.

Ông Huỳnh Năm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức cho biết, bên cạnh giúp đỡ trực tiếp, nhiều năm qua Mặt trận đã đóng vai trò cầu nối giúp các cơ quan chức năng của huyện gần hơn với người nghèo qua mô hình “Đối thoại với người nghèo”. Đây là cách để lãnh đạo các cơ quan cấp huyện nắm thực trạng, nguyên nhân nghèo cùng những kiến nghị chính đáng tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tại buổi đối thoại, những hộ mạnh dạn đăng ký thoát nghèo được Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội ở huyện đồng hành, nhận giúp đỡ. Cách làm này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của huyện từ 21,7% (năm 2015) xuống còn 8,42% hiện nay (tương đương giảm hơn 1.400 hộ nghèo).

“Nếu không đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn triển khai những cái người khác chưa làm, chưa có thì hoạt động Mặt trận dễ chung chung, không rõ việc, khó mang lại kết quả cụ thể. Vì thế, trong giúp đỡ hộ nghèo, khi điều kiện nguồn lực huy động còn hạn chế, Mặt trận Hiệp Đức chọn cách tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng, vận động thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại để quyết tâm vươn lên thoát nghèo” - ông Năm chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng về người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO