Khảo sát xây cầu treo chống lũ cho đồng bào miền núi (clip)

ALĂNG NGƯỚC 22/10/2020 20:05

(QNO) - Từ nhu cầu bức thiết của đồng bào địa phương, huyện Tây Giang đang tiến hành khảo sát để xây dựng những chiếc cầu treo vượt lũ tại các điểm nguy cơ hiểm họa do lũ. Đồng thời tiếp tục khẩn trương rà soát, triển khai khắc phục, sửa chữa và nâng cấp các điểm cầu treo, cầu tạm dân sinh tại các khu dân cư trên địa bàn huyện.

Người dân dùng dây đu qua dòng sông về nhà. Ảnh: B.N
Người dân dùng dây đu qua dòng sông về nhà. Ảnh: B.N

Khẩn cấp làm cầu

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ nhu cầu bức thiết của người dân địa phương, đặc biệt là khu dân cư Bh'loóc (xã Bha Lêê) nhiều ngày qua người dân đu dây vượt lũ, chính quyền địa phương đang tổ chức khảo sát vị trí, khẩn cấp làm cầu chống lũ. (Báo Quảng Nam đã thông tin)

Phương án này đã được lãnh đạo huyện thống nhất, xem xét trích từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ Tây Giang thời gian vừa qua. Đây cũng là hướng chỉ đạo của tỉnh nhằm khẩn trương làm cầu cho bà con đi lại, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Qua khảo sát, bước đầu địa phương dự kiến sẽ dựng cầu treo bắc qua sông A Vương nối điểm thôn Bh'loóc với bên ngoài. Dự án này nếu khả thi sẽ được triển khai trong vài ngày tới, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, nhất là thời điểm mưa lũ như hiện nay.

Clip người dân ở thôn Bh'loóc (xã Bha Lêê) mạo hiểm qua sông bằng cách đu dây.

"Chúng tôi đã lập dự toán kinh phí, theo đó để làm cầu treo tại Bh'loóc phải mất khoảng 3 tỷ đồng do địa hình sông khá rộng. Số tiền này sẽ được trích từ nguồn hỗ trợ 12 tỷ đồng của TP.Đà Nẵng cho Tây Giang sau cơn bão số 5 vừa rồi. Sau khi cây cầu được hoàn thiện người dân sẽ hạn chế được những rủi ro, bất trắc do thiên tai, bão lũ" - ông Linh cho biết thêm.

Cũng theo ông Linh, sau thời gian kiểm tra, khảo sát, trên địa bàn huyện có khoảng chục cây cầu bị hư hỏng cần được khắc phục, nâng cấp sửa chữa hoặc làm mới. Chủ yếu là ở các điểm dân cư, nơi có dòng sông, suối chia cách. Những ngày qua, để đảm bảo việc đi lại của người dân, địa phương đã huy động lực lượng dựng nhưng chiếc cầu tạm vượt lũ. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, cầu tạm làm xong chỉ vài ngày lại bị cuốn trôi, hư hỏng.

Nhiều thực phẩm được mua về, cũng được di chuyển bằng “cáp treo” qua sông A Vương. Ảnh: B.N
Nhiều thực phẩm được mua về, cũng được di chuyển bằng “cáp treo” qua sông A Vương. Ảnh: B.N

Giám sát, không để người dân vượt lũ

Mưa lớn những ngày qua, khiến hàng chục cây cầu treo trên địa bàn huyện Tây Giang bị cuốn trôi, hư hỏng nghiêm trọng. Không còn đường nào khác để ra ngoài mua lương thực, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm, dùng dây cáp buộc chặt vào thân cây nối 2 bờ sông, rồi dùng dây đu vượt lũ. 

Như thôn Bh'loóc, sau gần một tháng bị cô lập kể từ cơn bão số 5 vừa qua, hơn 50 hộ dân với khoảng 200 người Cơ Tu không thể ra ngoài do cầu treo đã bị lũ cuốn trôi. Để đi lại, người dân kéo đoạn dây cáp dài khoảng 50m qua sông, dùng cành cây, khung sắt làm ròng rọc. Mỗi người qua sông phải có sự giúp sức của những người khác đứng ở hai bên bờ đẩy và kéo. 

ông Pơloong Liên - Chủ tịch UBND xã Bha Lêê cho biết, sự việc người dân đu dây vượt lũ sau đó được chính quyền địa phương báo cáo lên huyện. Đồng thời đề xuất huyện sớm có phương án xây dựng lại cầu treo, nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân, hạn chế những rủi ro đáng tiếc.

Từ kinh phí hỗ trợ của TP.Đà Nẵng và các mạnh thường quân, tới đây, Tây Giang sẽ cho xây dựng cầu treo tại các điểm thôn. Lúc đó, những hình ảnh như thế này hy vọng sẽ không còn xuất hiện. Ảnh: B.N
Từ kinh phí hỗ trợ của TP.Đà Nẵng và các mạnh thường quân, tới đây, Tây Giang sẽ cho xây dựng cầu treo tại các điểm thôn. Lúc đó, những hình ảnh như thế này hy vọng sẽ không còn xuất hiện. Ảnh: B.N

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Lê Hoàng Linh, ngay sau cơn bão số 5, tại các điểm ngầm tràn, cầu bị hư hỏng, địa phương đã triển khai cắm biển báo nguy hiểm. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên qua lại và huy động lực lượng làm cầu tạm. Tuy nhiên, dô nhu cầu cấp thiết về lương thực nên người dân vẫn bất chấp vượt lũ.

"Mỗi lần nhận được thông tin, chúng tôi cho kiểm tra và chấn chỉnh ngay. Để đảm bảo an toàn, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo các xã cắt cử cán bộ túc trực, giám sát không để bà con tự ý qua sông mạo hiểm, nhất là việc đu dây vượt lũ. Trước mắt, sẽ vận động người dân làm bè, có dây cáp buộc chặt giúp di chuyển tạm thời khi cần thiết" - ông Linh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khảo sát xây cầu treo chống lũ cho đồng bào miền núi (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO