Khi đàn ông thừa ra!

HỒ TRUNG TÚ 26/01/2023 07:21

(Xuân Quý Mão) - Từ ngàn năm nay, để tồn tại được, các cộng đồng dân tộc miền núi ở dọc dãy Trường Sơn đã dần phân công công việc là phụ nữ lo chuyện lương thực và củi lửa, bếp núc, còn đàn ông thì lo chuyện săn bắt thú rừng, tìm thực phẩm, chủ yếu là tìm nguồn đạm.

Lâu lắm rồi các em chưa biết đến mùi thịt. Ảnh chụp ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.
Lâu lắm rồi các em chưa biết đến mùi thịt. Ảnh chụp ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.

Qua việc đi tìm nguồn đạm, săn bắt thú rừng, người đàn ông chứng tỏ được sức mạnh và sự khôn ngoan của mình. Đó là trách nhiệm của đàn ông và cũng là vinh dự, là vị trí, là uy tín của họ đối với gia đình, với cộng đồng. Nhưng kể từ ngày định canh định cư thì mọi chuyện đã khác.

Vai trò của đàn ông ngày xưa

Trước đây, rẫy lúa sau vài năm, đất bạc màu là người ta cần tìm những vạt rẫy mới. Lúc này thì những ngôi nhà lợp lá cũng bắt đầu hư hỏng, môi trường sống cũng nhiễm bẩn. Sân bản, rồi gầm sàn lầy ra bởi heo ủi, gà bới cùng phân và chất thải. Các con suối quanh bản cạn cá. Thú rừng cũng tránh xa chỗ con người ở nên việc đặt bẫy khó khăn hơn...

Điển hình một căn nhà định canh định cư từ những năm 1990. Gỗ xẻ nhà nước làm cho và sau 30 năm đã thành thế này.
Điển hình một căn nhà định canh định cư từ những năm 1990. Gỗ xẻ nhà nước làm cho và sau 30 năm đã thành thế này.

Bỏ bản cũ, cả bản, cả làng dọn đến nơi ở mới và mọi chuyện lại tinh tươm, sạch sẽ như mới. Rẫy lại được mùa, suối lại đầy cá, những cánh rừng quanh bản cũng nhiều thú để săn bắt. Những ngôi nhà và sân bản, dưới gầm sàn đều sạch sẽ, trẻ con lăn lê không sợ nhiễm bẩn như nơi ở cũ.

Trong cái vòng du canh du cư ấy, thực ra đó là luân canh luân cư vì sau chừng hơn mười năm là họ sẽ trở lại nơi ở cũ, vạt rẫy cũ, vì vậy bảo rằng người miền núi du canh du cư phá rừng là một nhận thức không đúng mà nhà văn Nguyên Ngọc đã có lần nói.

Trở lại với cái vòng luân canh luân cư đó, ta dễ hiểu vai trò của người đàn ông quan trọng thế nào. Ngoài việc tìm cái thịt về cho cả bản, họ còn có nhiệm vụ phát rẫy rồi làm nhà. Đó quả thật là những chuyện nặng nhọc.

Những ngôi nhà sàn, rồi nhà rông, gươl lưu giữ toàn bộ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc cần rất nhiều đến bàn tay vừa khỏe mạnh vừa thông minh tài hoa của người đàn ông. Người đàn ông luôn có chỗ để khẳng định vai trò của mình và cũng không bao giờ thiếu việc để làm.

“Bó gối” ở tái định cư

Kể từ ngày định cư, cuộc sống đảo lộn hết. Trong khi phụ nữ vẫn giữ nguyên công việc được phân công thì người đàn ông như thừa ra. Định cư rồi, nhà không phải làm mới mỗi 2 - 3 năm. Định canh rồi, rẫy không phải phát. Việc đi tìm cái thịt, chất đạm thì cũng không thể bởi suối cạn cá. Các con thú cũng chạy xa vào rừng sâu.

Một ao cá ở làng Aur Tây Giang. Ảnh: H.T.T
Một ao cá ở làng Aur Tây Giang. Ảnh: H.T.T

Người đàn ông như thừa ra. Họ ở nhà giữ con cho vợ lên rẫy. Đến các bản người miền núi từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Kon Tum, Đắk Lắk, ta đều thấy hình ảnh người đàn ông ở nhà địu con cho vợ lên rẫy. Người siêng năng thì vừa địu con vừa chẻ mây, đan gùi đan rổ.

Người lười thì đi ra đi vào rồi dăm ba ông gặp nhau, rồi lôi rượu ra uống. Họ không biết làm gì trong khi sức lực và uy tín vẫn buộc anh ta phải khẳng định mình. Rượu thường giúp con người ta tự tin hơn vào những lúc như thế này. Và cứ thế, không ai bảo ai, rượu như cho các ông cảm giác mình còn là đàn ông, còn là nhân vật quan trọng trong gia đình. Họ say triền miên hết trận này đến trận khác.

Dĩ nhiên, trong các vùng dân cư gần thị trấn, chợ búa hoặc gần các đường ô tô thì sự mua bán, trao đổi các sản vật rừng như mây, măng đã tạo công việc cho người đàn ông và đồng tiền họ đem về cũng có chợ để mua cái thịt về cho vợ con. Thế nhưng ở các bản xa xôi thì câu chuyện định canh định cư đặt ra đã lâu nhưng đến nay cuộc sống của người dân miền núi vẫn nhếch nhác, nghèo khó.

Nhưng rừng không hề và chưa bao giờ để những người con của rừng thiếu thốn. Vấn đề hình như nằm ngay ở chỗ nhận thức về đời sống của người miền núi. Một nếp sống ngàn năm, nay buộc phải thay đổi trong một sớm một chiều đâu phải dễ!

Định canh định cư đã được hiểu một cách thô sơ rằng phải làm nhà kiên cố ở một chỗ, không di dời nữa; và định canh là bớt làm lúa rẫy chuyển qua làm lúa nước. Những báo cáo về định canh định cư cũng dừng lại ở hai chỉ tiêu ấy và những bức ảnh về các thung lũng ruộng bậc thang được xem là những thành công no ấm đến với đồng bào miền núi.

Tìm cái thịt từ đâu?

Không ai nghĩ người miền núi rồi ăn gì với gạo nấu ra cơm được gặt từ những cánh đồng bậc thang ấy! Họ thiếu đạm. Không phải vô cớ mà ngay ở Tây Bắc nước ta, nơi có những cánh đồng bậc thang lâu đời và tuyệt đẹp nhưng bữa ăn của trẻ vẫn không có thịt.

Không phải vô cớ mà nhà báo Trần Đăng Tuấn phải làm chương trình bữa cơm có thịt cho trẻ em miền cao Tây Bắc sau khi nhìn thấy bữa cơm của các em một trường nội trú. Trẻ em ở các bản, làng ở Phước Sơn, Trà My cũng cần lắm chương trình cơm có thịt này.

Một bản ở huyện Hiên xưa, thời chưa định canh định cư. Ảnh tư liệu của H.T.T
Một bản ở huyện Hiên xưa, thời chưa định canh định cư. Ảnh tư liệu của H.T.T

Tại sao người miền núi, từ tận Tây Bắc xa xôi cho đến Đắk Nông cuối dãy Trường Sơn nơi nào cũng thiếu cái thịt, thiếu nguồn đạm là một câu hỏi lớn tầm cỡ quốc gia trước sau cũng phải trả lời cho được.

Có thể đồng bào không quen chăn nuôi lớn, nguồn đạm đủ cho 365 ngày; có thể ngoài chuyện làm ra hạt gạo đủ ăn, không bị đói đồng bào không biết làm gì ra tiền để có thể mua thịt cá từ các thương lái...

Có dịp lên các xã thuộc huyện Tây Giang, các bản làng của người Cơ Tu ở giáp biên giới với Lào như làng Aur chẳng hạn, thấy gần như mỗi nhà có một ao cá, chúng tôi như vỡ ra vấn đề.

Ao cá không chỉ cung cấp cái đạm rất rẻ tiền mà còn giúp cho cả bản sạch sẽ, tinh tươm hơn. Cá trắm cỏ, cá mè, cá rô phi rất dễ nuôi, chỉ cần cám và lá sắn thế là chúng lớn. Giá mà các chương trình định canh định cư từ những năm 80 của thế kỷ trước biết nghĩ đến chuyện cái ao cá cho mỗi hộ thì có lẽ bây giờ bộ mặt miền núi đã khác nhiều lắm rồi.

Trẻ nhỏ người già cần lắm nguồn đạm cung cấp hằng ngày, heo gà của họ nuôi không thể giải quyết rốt ráo chuyện này. Lâu nay nói đến cứu đói cho người miền núi là người ta nghĩ ngay đến gạo, đến mì tôm, đến sữa mà không hay rằng chính chất đạm mới là điều cần nhất với họ. Có tí thịt tí cá thì nồi canh cà súp sắn, không cần đến cháo gạo, ăn cũng ngon và bổ.

Nhìn trẻ con làng Aur câu cá lên nướng ăn chơi, trông đứa nào cũng hồng hào lanh lợi, khỏe mạnh chúng tôi biết người Cơ Tu ở đây đã đi đúng hướng. Định cạnh làm lúa nước thì đồng bào miền núi khắp Quảng Nam đã làm được, nhưng nguồn đạm cho đồng bào thì hình như Aur là “mô hình điểm” cần tham khảo để nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi đàn ông thừa ra!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO