Khi phụ nữ không cam chịu đói nghèo

TẤN SỸ 08/03/2022 05:35

Tại các huyện miền núi, gần đây xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ có sức lan tỏa trong cộng đồng cư dân địa phương.

Chị Blúp Yến nuôi heo đen hiệu quả và giúp đỡ chị em trong làng cùng phát triển kinh tế. Ảnh: TẤN SỸ
Chị Blúp Yến nuôi heo đen hiệu quả và giúp đỡ chị em trong làng cùng phát triển kinh tế. Ảnh: TẤN SỸ

Những năm trước, chị Blúp Yến (dân tộc Tà Riềng, ở xã La Dêê, huyện Nam Giang) bươn chải đủ nghề nhưng cứ mãi nghèo. Năm 2009, chị mạnh dạn vay 90 triệu đồng qua kênh ngân hàng chính sách để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Hiện nay, mô hình trang trại vườn - ao - chuồng - rừng của chị Yến có hơn 80 con heo đen và đàn bò, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn trồng keo, rau sạch, nấu rượu, mở tiệm máy xay xát gạo phục vụ người dân địa phương.

“Giờ ti vi, báo, rồi mạng xã hội, internet đã phổ biến, mình học kinh nghiệm trên đó, rồi hướng dẫn lại cho các chị em khác. Trong làng, mình có hỗ trợ heo giống, để 12 chị tự làm kinh tế ở nhà, bây giờ họ cũng đã thoát nghèo rồi” - chị Yến chia sẻ.

Bà Hiên Nướm - Chủ tịch Hội LHPN xã La Dêê cho biết, chị Yến là một trong hơn 30 điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương. Điểm đáng quý ở các phụ nữ Tà Riềng nơi đây là không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn chia sẻ cách làm ăn cho nhiều phụ nữ nghèo khó; tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào “Phụ nữ thôn cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo”.

 

Bà A Rất Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Giang cho biết, hàng năm, mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 2 hội viên về phát triển kinh tế. Hội đã xây dựng hơn 100 tổ góp vốn quay vòng, câu lạc bộ phụ nữ phát triển kinh tế, tổ tiết kiệm tín dụng..., giúp chị em cải thiện thu nhập. Năm 2021, Nam Giang có 304 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu tỉnh giao là 260 hộ. Trong đó, có đến hơn 75% số hộ thoát nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Không riêng Nam Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, đến nay hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ, đã giúp gần 54.000 hộ vay với tổng dư nợ 2.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Hàng nghìn phụ nữ nghèo ở các huyện miền núi được hỗ trợ con giống, phân bón, được tập huấn, giới thiệu việc làm.

“Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh, chúng tôi đã đầu tư nhiều chương trình, dự án để người dân thoát nghèo, bước đầu có kết quả đáng khích lệ. Năm 2022 này, tiếp tục vận động phụ nữ miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và huy động các nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”- bà Liên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi phụ nữ không cam chịu đói nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO