Khu tưởng niệm liệt sĩ Hóc Thượng: "Địa chỉ đỏ" giữa lòng dân

HOÀNG LIÊN - THU PHƯƠNG 20/01/2021 08:02

Giai đoạn 2019 - 2020, công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Hóc Thượng (thôn Trung Nam, Quế Trung, Nông Sơn) được hình thành, đầu năm 2021, từ nguồn xã hội hóa, công trình nhà bia tưởng niệm được nâng cấp, hoàn thiện. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm Hóc Thượng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm Hóc Thượng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Trang sử hào hùng

Những năm 1964, 1965, các xã vùng tây của huyện Quế Sơn, nay là huyện Nông Sơn, Mỹ - ngụy dựa vào các điểm cao đưa quân chiếm đóng, xây dựng trận địa cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước. Chúng dồn dân lập ấp chiến lược, dựng lên bọn tề ngụy, ác ôn quản thúc nhân dân các xã, đàn áp những người hoạt động kháng chiến và phong trào cách mạng.

Đầu tháng 10.1966, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2, Quân khu 5 giao cho Trung đoàn 31 phối hợp với lực lượng địa phương đánh cụm cứ điểm Trung Phước. Đây là cụm cứ điểm được quân địch xây dựng kiên cố, có hầm hào, công sự bố trí trận địa liên hoàn vững chắc. Trận đánh diễn ra 4 ngày, từ đêm 17 đến 20.10.1966. Trung đoàn đã hiệp đồng nổ súng, tiến công đồng loạt vào cụm cứ điểm, hình thành thế bao vây, chia cắt, thọc sâu tạo thế bất ngờ. Đến 4 giờ sáng 18.10, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa.

Từ ngày 18 - 20.10.1966, với tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu liên tục, bằng nhiều cách đánh: vận động tiến công kết hợp chốt giữ, truy kích địch, ta đã đánh 8 trận, tiêu diệt gọn Đại đội 708 và Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 51, tiêu hao nặng 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 51, bắn cháy 9 máy bay, thu và phá hủy nhiều vũ khí trang bị quân sự.

Về phía ta, thương vong gần 500 cán bộ, chiến sĩ, được đưa về trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn 31 lúc bấy giờ để phẫu thuật. Trong đó có 242 đồng chí đã anh dũng hy sinh, được an táng tại nơi này, đến nay mới tìm được 140 liệt sĩ khắc ghi trên bia tưởng niệm, còn lại Ban liên lạc Trung đoàn 31 đang tiếp tục sưu tầm hồ sơ.

Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau còn hằn dấu vết. Nhiều liệt sĩ Trung đoàn 31 đã nằm lại mãi mãi chiến trường xưa. Ông Trương Thành Tá, một cựu binh của huyện Nông Sơn chia sẻ, ông từng tham gia bộ đội huyện Quế Sơn, sau đi lên Công Trường 1, bị bắt năm 1968, ở tù Phú Quốc 6 năm 7 tháng. Về sau, ông Tá lập gia đình, từng giữ chức bí thư chi bộ ở địa phương.

“Từ đầu khe ra tới đây, phải có hơn 100 đồng chí hy sinh nhưng chỉ tìm được một số liệt sĩ đưa về nghĩa trang, còn lại mất dấu vết. Sau ngày nước nhà thống nhất, được cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương hỗ trợ tìm kiếm, đưa các anh về các nghĩa trang liệt sĩ để hương khói. Nhiều phần mộ chưa rõ họ tên, nhiều đồng chí còn nằm lại trong lòng đất hay còn nằm lại giữa lòng hồ Trung Lộc mênh mông” - ông Tá xúc động nói.

Nặng sâu nghĩa tình

Ban liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 31 đã lặn lội đi tìm lại nơi đồng đội mình yên nghỉ, phối hợp cùng cán bộ, hội viên Hội CCB huyện Nông Sơn, Hội CCB xã Quế Trung tích cực kêu gọi vận động, đặt nền móng đầu tiên xây dựng nhà bia tưởng niệm để có nơi hương khói cho đồng đội.

Bà Nguyễn Thị Bích, một cựu binh huyện Nông Sơn đau đáu nỗi niềm tưởng nhớ đồng đội, bởi đa số là các chiến sĩ. Họ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường ở tuổi đời còn rất trẻ. Bà Bích đã có những chuyến đi thầm lặng, lặn lội khắp nơi vận động nguồn lực để xây dựng khu nhà bia tưởng niệm liệt sĩ khe Hóc Thượng và năm 2020, tiếp tục nâng cấp công trình với giá trị nhiều tỷ đồng. 

Cuối năm 2019, công trình nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 31 hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã khánh thành, đáp ứng nguyện vọng của các cựu binh, thân nhân liệt sĩ, chính quyền và nhân dân. Năm 2020, công trình một lần nữa được nâng cấp với nhiều hạng mục: 4 bia tưởng niệm, vườn hoa, cây cảnh trên khuôn viên có tổng diện tích 1.000m2, tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng.

Khu tưởng niệm tọa lạc giữa núi rừng hùng vĩ, có khu nhà bia tưởng niệm chung, các bia đá khắc tên, quê quán của từng liệt sĩ, hệ thống mái che và bàn ghế đá, khuôn viên cây xanh mát mẻ, có cả mô hình “bếp Hoàng Cầm”, bức phù điêu tái hiện không gian chiến đấu, đồi hoa cây cảnh. Bà Bích và các cựu binh cũng tích cực đứng ra vận động nguồn lực xã hội hóa xây dựng đoạn đường dẫn vào khu nhà bia, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, tưởng niệm.  

Ông Đỗ Ngọc Xướng - CCB Trung đoàn 31 tâm sự: “Tâm niệm của chúng tôi là làm thế nào xây dựng được một nơi mà anh em chúng tôi có thể thuận lợi đến thắp hương cho đồng chí, đồng đội và niềm mơ ước đó đã trở thành hiện thực”. Còn ông Hồ Văn Thư (xã Ninh Phước) chia sẻ: “Từ ngày có nhà tưởng niệm, bà con phấn khởi, thường xuyên thăm viếng, dâng hương. Thôn cũng phấn đấu xây dựng cuộc sống, đưa thôn trở thành thôn văn hóa của huyện” - ông Thư nói.

Anh Trần Văn Đoàn - Phó Bí thư Huyện Đoàn Nông Sơn chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng tôi rất vinh dự, tự hào về chiến công hiển hách của cha anh. Công trình là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Xin tri ân những hy sinh mất mát của cha ông đi trước, chúng tôi nguyện phấn đấu tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của cha anh trong xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu tưởng niệm liệt sĩ Hóc Thượng: "Địa chỉ đỏ" giữa lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO