Lớp học đặc biệt

HỒNG ANH 19/11/2019 13:16

Đã tròn năm, Đồn Biên phòng Bình Minh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Minh (Thăng Bình) duy trì lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Đến lớp, các em không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn được thầy giáo mang quân hàm xanh truyền đạt những kỹ năng để hòa nhập với cộng đồng.

Thượng úy Lê Văn Chính và hội viên phụ nữ xã Bình Minh hướng dẫn học viên viết chữ ở lớp học tình thương. Ảnh: HỒNG ANH
Thượng úy Lê Văn Chính và hội viên phụ nữ xã Bình Minh hướng dẫn học viên viết chữ ở lớp học tình thương. Ảnh: HỒNG ANH

1. Câu chuyện được bắt đầu từ việc những lần đi địa bàn, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Minh thấy có những trẻ em khuyết tật ở nhà tha thẩn một mình hoặc phải theo cha mẹ đi kiếm sống. Hầu hết những trẻ em này đều thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên thiếu sự quan tâm và thất học. Có những trường hợp rất đáng thương, như Trần Nguyễn Văn Thành, SN 2005, ở thôn Tân An. Mẹ sinh ra em trong cảnh đơn thân. Đáng thương hơn là Thành bị động kinh, không gửi được cho ai nên hằng ngày mẹ phải bế ra cảng cá Tân An xin cá để sống qua ngày. Cứ thế, cuộc sống của hai mẹ con phụ thuộc vào lòng trắc ẩn của mọi người và mức hỗ trợ từ chính sách dành cho người khuyết tật. Ở thôn Hà Bình là trường hợp của Trần Thị Hoa, SN 2008. Hoa có 3 anh em, trong đó anh đầu bị khuyết tật, còn Hoa mắc bệnh đao; bố mẹ không có việc làm ổn định.

Nhận được báo cáo của Đội Vận động quần chúng, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Bình Minh đã họp bàn và quyết định mở lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật để các em được học chữ và trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cơ bản, đồng thời giúp các em bớt thiệt thòi, tự tin hơn trong cuộc sống.

2. Tháng 11.2018, lớp học đi vào hoạt động với 8 học viên ở các lứa tuổi khác nhau, việc đứng lớp do cán bộ Đồn Biên phòng Bình Minh đảm nhiệm. Việc dạy học cho người khuyết tật đã khó, càng trở ngại hơn đối với thầy giáo không chuyên. Thượng úy Lê Văn Chính - Đội phó Đội Vận động quần chúng, phụ trách lớp học cho biết: “Tuổi của học viên trong lớp không đồng đều, ít thì 10 tuổi, nhiều lên đến 30 tuổi. Khó khăn lớn nhất trong thời gian đầu mở lớp là học viên rất nghịch, ham chơi và chậm hiểu. Đòi hỏi người đứng lớp phải luôn kiên trì, tận tâm, tận tụy mới duy trì được lớp học”.

Đã có lần, khi Thượng úy Lê Văn Chính đang giảng bài, dưới lớp có học sinh phát bệnh, lên cơn động kinh. Cũng may, trong đơn vị có cán bộ quân y nên tiến hành sơ cứu. Từ đó, dù có bận việc gì, quân y của đơn vị cũng phải “trực” ở đồn trong thời gian học viên lên lớp.

Chứng kiến tiết học của lớp học tình thương ở Đồn Biên phòng Bình Minh, chúng tôi mới hiểu được nỗi vất vả của người dạy. Do lâu nay, không được tiếp cận với con chữ nên học viên rất lóng ngóng, việc phát âm còn chưa rõ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tiếp thu rất nhanh, chỉ hơn một tháng tham gia lớp học đã nắm và đọc được bảng chữ cái. Mặc dù là lớp học tình thương nhưng được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất và có thời gian biểu cụ thể. Việc đến lớp không chỉ là để “thầy giáo” Biên phòng dạy từng con chữ hay các phép tính mà học viên còn được hướng dẫn các kỹ năng sống như sinh hoạt tập thể, hát múa các bài nhạc thiếu nhi, trang bị những kiến thức cơ bản trong cuộc sống hằng ngày. Bởi vậy, dù chỉ có 8 người học, nhưng lớp vẫn duy trì 2 giáo viên phụ trách, ngoài Thượng úy Lê Văn Chính còn có một hội viên phụ nữ xã Bình Minh.

3. Có con theo học lớp của Đồn Biên phòng Bình Minh, ông Nguyễn Quang Điểu chia sẻ: “Trước đây con trai tôi luôn tự ti vì không được như các bạn. Gia cảnh nghèo khó nên cháu cũng không có điều kiện tới lớp. Từ ngày Bộ đội Biên phòng mở lớp dạy học các cháu khuyết tật, con tôi đã thay đổi. Được đến lớp học, tâm lý của cháu thoải mái hơn nhờ được tiếp xúc với bạn bè. Những điều các chú bộ đội mang lại cho các cháu cũng như gia đình không gì có thể sánh được”. Những lời tâm sự chứa chan cảm xúc và lòng biết ơn của một người cha có con bị khuyết tật phần nào cho chúng tôi hiểu được những giá trị nhân văn mà lớp học này mang lại cho những người vốn đã thiệt thòi. “Trong khi chờ đợi một kết quả tốt đẹp hơn ở tương lai đối với các cháu thì việc biết đọc, biết viết, biết dạ thưa khi đi học về cũng đã là một sự thành công lớn mà lớp học tình thương mang lại” - ông Nguyễn Quang Điểu nói.

Để đảm bảo duy trì lớp học được thường xuyên, Đồn Biên phòng Bình Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện về vật chất lẫn tinh thần. Với nhiều người, số tiền dùng mua đồ dùng học tập không đáng là bao, nhưng với những gia đình phải chạy ăn từng bữa, lại phải nuôi con bị khuyết tật thì đó là vấn đề không nhỏ. Đồn Biên phòng Bình Minh cũng vận động, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị xây dựng “Hũ gạo tình thương”, tiết kiệm mỗi tháng 300 nghìn đồng để hỗ trợ lớp học. Ngoài việc phân công cán bộ đứng lớp giảng dạy mỗi tuần 3 buổi, đơn vị còn cử cán bộ tổ chức đưa đón trường hợp không có người đưa đến lớp... Cứ như thế, lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Bình Minh được duy trì bằng tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm của những người lính mang quân hàm xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lớp học đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO