Lúng túng với phương tiện thủy thô sơ

NGỌC BÍCH 23/06/2022 06:00

Người dân không tuân thủ quy tắc an toàn giao thông, cùng sự lúng túng của lực lượng chức năng trong quản lý, xử lý vi phạm của người chủ, người lái phương tiện thủy thô sơ khiến nguy cơ tai nạn sông nước luôn rình rập.

Người dân sử dụng ghe thô sơ đi lại trên lòng hồ Khe Tân (Đại Lộc), không mặc phao cứu sinh. Ảnh: C.T
Người dân sử dụng ghe thô sơ đi lại trên lòng hồ Khe Tân (Đại Lộc), không mặc phao cứu sinh. Ảnh: C.T

Phương tiện thủy “4 không”

Gần giữa trưa hè, ông Bríu Nào (xã Dang, Tây Giang) điều khiển ghe thô sơ trên lòng hồ thủy điện A Vương chở người qua lại xã Mà Cooih (Đông Giang) công tác, giảng dạy, học tập, làm nương rẫy.

Nguyên do là tuyến đường bộ độc đạo nơi họ ở bị hư hỏng gây chia cắt, nếu đi vòng thì quá xa, nên buộc lòng sử dụng phương tiện “4 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không phao cứu sinh và người điều khiển không có bằng lái).

Ông Bríu Nào kể: “Con đò tròng trành gặp gió dông nên đã bị lật vài lần, may mà chưa có ai bị hề hấn gì!”. Họ thừa nhận mình đang đánh đu sinh mệnh, song phân trần rằng bản thân không còn sự lựa chọn nào tối ưu hơn.

Tại các lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 (Bắc Trà My), hồ thủy lợi Khe Tân (Đại Lộc) hay hồ thủy lợi Phú Ninh (Phú Ninh, Núi Thành), người dân sử dụng phương tiện tự chế như ghe, vật dụng thô sơ kết thành bè để lên nương rẫy lao động, đánh bắt cá.

Như ở hồ thủy lợi Khe Tân, có hàng chục ghe lớn, nhỏ không có đăng ký, đăng kiểm do nhiều nhóm hộ gia đình chủ yếu trú 2 xã Đại Thạnh và Đại Chánh (Đại Lộc) tự giao ước chở nhau qua rẫy bên kia lòng hồ để chăm sóc, thu hoạch nông, lâm sản khác. Họ đi khá đông người trên ghe song chẳng hề mặc áo phao.

Ông Phạm Dũng (thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh) cho biết mình được thuê đem máy cắt cỏ dọn sạch cây bụi dưới tán rừng keo. Ban đầu, ông có chút lo lắng, nhưng vì miếng cơm manh áo và lo cho con học hành nên đành quen dần di chuyển bằng ghe qua hồ.

Quanh quẩn tại lòng hồ thủy lợi, thủy điện, ghe còn được trưng dụng để chở gỗ keo sau thu hoạch quay về tập kết gần đường bộ, chờ xe tải tới đưa đi tiêu thụ. Thậm chí ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, phần lớn ghe chưa đăng ký, đăng kiểm từng là phương tiện để lâm tặc di chuyển vào rừng và vận chuyển gỗ lậu.

Không chỉ đánh bắt cá, ở các địa phương nằm ven sông Vu Gia, sông Thu Bồn hay sông Trường Giang, người dân còn dùng ghe thô sơ qua lại sản xuất nông nghiệp, vận chuyển nông sản. Sắm ghe treo sẵn dưới chái hiên sau nhà, mục đích của nhiều hộ gia đình là mùa mưa mà lũ lụt tràn về thì thả ra bơi đi bắt dế, vớt củi, thậm chí còn chở con cháu đi chơi với tâm lý chủ quan.

Lúng túng quản lý, xử lý

Hệ thống sông ngòi của Quảng Nam chằng chịt, nối liền miền xuôi và miền ngược. Với diện tích nước mặt lớn, người dân có điều kiện thuận lợi sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy, hải sản trên các sông, lòng hồ cũng như sản xuất nông nghiệp trên các bãi bồi có đất đai màu mỡ.

Tuy nhiên, các sông lại có dòng chảy luôn thay đổi, luân chuyển dòng và bị bồi lắng hoặc xói lở vào mùa mưa lũ gây nguy hiểm cho phương tiện thủy thô sơ. Việc người dân sử dụng chúng thường xuyên trên tuyến sông, lòng hồ để phục vụ nhu cầu dân sinh, kiếm sống hàng ngày tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ước tính phải hơn 5.000 phương tiện thủy thô sơ đang hoạt động theo hình thức này.

Bình thường chưa có chuyện gì xảy ra cho nên người dân luôn chủ quan. Nhưng đến lúc ghe lật chìm, tổn hại về tính mạng con người là rất cao. Hai vụ tai nạn lật ghe vào năm 2020 trên sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Cường (Đại Lộc) và sông Thu Bồn, địa phận xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) khiến 11 người tử vong là minh chứng đau lòng.

Ban An toàn giao thông tỉnh xác nhận, cả 2 ghe bị tai nạn này có công suất nhỏ, không đăng ký, đăng kiểm, chở quá số người, người lái không có giấy phép, tất cả người trên ghe đều không mặc áo phao.

Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn nói, nhìn chung trên địa bàn tỉnh, hầu hết phương tiện thủy thô sơ do người dân tự đóng, không theo quy chuẩn, không thử nghiệm, kiểm định, chủ yếu theo kinh nghiệm vì vậy thường không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Họ cũng chưa ý thức về độ an toàn, nên càng không quan tâm chuyện sử dụng áo phao hoặc dụng cụ nổi. Ngược lại, chính quyền lại thiếu quan tâm kiểm tra, nhắc nhở người dân tuân thủ khi lưu thông trên sông nước.

Ngày 10.5.2021, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý phương tiện thủy nội địa thô sơ có tải trọng toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè hoạt động trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1229/QĐ-UBND).

Quy chế quy định rất cụ thể về điều kiện hoạt động của phương tiện, điều kiện tiêu chuẩn người lái; trang bị cứu sinh, cứu đắm; trách nhiệm của chủ phương tiện, người lái; trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện…

Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng, hoặc thiếu quan tâm thực hiện. Người dân cũng không tự giác khai báo, trong khi số lượng ghe lớn, hoạt động theo mùa nên không dễ kiểm đếm và bắt buộc đăng ký.

Chế tài xử phạt ghe không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh còn quá nhẹ. Đặc biệt, chế tài xử phạt về hành vi không trang bị áo phao, dụng cụ nổi đối với người lái và tham gia giao thông trên phương tiện thủy thô sơ cũng chưa có. Thế nên, tai nạn luôn rình rập đối với người đi trên những loại phương tiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lúng túng với phương tiện thủy thô sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO