Nâng cao vị thế cho người khuyết tật: Hành trình không đơn độc

CÔNG TÚ - DIỄM LỆ - HOÀNG LINH - KHẢI KHIÊM 18/04/2022 20:34

Sau hơn 10 năm thực thi Luật Người khuyết tật, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật nâng cao vị thế, hòa nhập cộng đồng, đã có nhiều đổi khác trong cái nhìn của xã hội đối với người khuyết tật. Bản thân người khuyết tật cũng đã tự tin vươn lên, hòa nhập với cộng đồng xã hội, nỗ lực khẳng định vị thế của bản thân.Nhưng đâu đó vẫn còn sự phân biệt trong ứng xử với người khuyết tật, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho họ được tiếp cận với các dịch vụ xã hội hay các công trình công cộng.

Nhờ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, người khuyết tật đã có thể nâng cao vị thế, hòa nhập cộng đồng. Trong ảnh: Nhà chờ đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật sau khi được cải tạo, ở trước Bệnh viện Minh Thiện. Ảnh: T.L
Nhờ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, người khuyết tật đã có thể nâng cao vị thế, hòa nhập cộng đồng. Trong ảnh: Nhà chờ đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật sau khi được cải tạo, ở trước Bệnh viện Minh Thiện. Ảnh: T.L

VƯƠN LÊN TRONG CUỘC SỐNG

Bên cạnh sự trợ giúp của xã hội, nhiều người khuyết tật đã có ý chí vươn lên, sống có ích cho mình, cho đời, trở thành nguồn cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ. 

Nghị lực

Quảng Nam hiện có 2 cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật;  239/239 cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức giáo dục hòa nhập, 500 giáo viên đã tham gia giảng dạy cho trẻ khuyết tật theo phương thức hòa nhập. Từ năm 2011 - 2021, bình quân mỗi năm học có 1.480 học sinh khuyết tật  - chủ yếu khuyết tật vận động, trí tuệ, khiếm thính, thị lực hạn chế tham gia học tập.

Anh Nguyễn Yên (thôn Mỹ An, xã Đại Quang, Đại Lộc) sau khi rời quân ngũ vào TP.Hồ Chí Minh học nghề, đi làm. Nhưng một vụ tai nạn giao thông đã khiến chân anh bị thương nặng và vĩnh viễn không thể đi lại như bình thường.

Trở về quê nhà, Yên thành người khuyết tật (NKT), anh chán nản khi thành gánh nặng cho gia đình. Gia đình, bạn bè, và những người lớn tuổi cũng là NKT ở địa phương đã thường xuyên động viên, giúp đỡ anh Yên. Anh đã được tạo điều kiện gặp mặt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với người đồng cảnh ngộ.

Anh Yên cho biết: “Tham gia những cuộc gặp NKT, có nhiều người bị khuyết tật nặng hơn tôi mà vẫn tự tin sống vui vẻ, hòa nhập với cuộc đồng, nỗ lực lao động để không phải phụ thuộc vào ai. Được sự động viên, tôi mạnh dạn mở một xưởng mộc để nuôi sống bản thân, lo cho gia đình”.

Anh Nguyễn Yên với cơ sở mộc do anh gầy dựng từ sự trợ giúp của các cấp hội người khuyết tật. Ảnh: T.L
Anh Nguyễn Yên với cơ sở mộc do anh gầy dựng từ sự trợ giúp của các cấp hội người khuyết tật. Ảnh: T.L

Cơ sở mộc Minh Yên của anh Yên chuyên đóng bàn, ghế, tủ văn phòng, được người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị tin tưởng sử dụng. Xưởng mộc giải quyết việc làm cho một NKT khác với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Qua kênh vay vốn của Hội NKT Quảng Nam, năm 2021, cơ sở đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 90 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Quầy hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị Bé (thôn La Tháp Đông, Duy Hòa, Duy Xuyên) thường xuyên có khách hàng ra vào. Bằng nghị lực của bản thân, bà Bé nuôi sống cả gia đình nhờ vào quán tạp hóa này. Bà bị khuyết tật cả 2 chân do đụng phải bom mìn sau chiến tranh, nhưng đã lạc quan vượt qua mặc cảm về thân thể. 

Chị Nguyễn Thị Bé tự tin vượt lên số phận để sống tốt hơn cho mình và cho xã hội. Ảnh: T.L
Chị Nguyễn Thị Bé tự tin vượt lên số phận để sống tốt hơn cho mình và cho xã hội. Ảnh: T.L

Làm mẹ đơn thân, ngoài nuôi con, bà còn phụng dưỡng mẹ già chu đáo và nuôi đứa cháu ăn học đến nơi đến chốn. Bà Bé còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội NKT huyện Duy Xuyên, dạy cho nhiều NKT nghề làm vàng mã.

Bà cùng nhiều chị em khác thay phiên nhau vào bệnh viện chăm sóc khi có NKT ốm đau cần chữa trị. Với uy tín của mình, bà được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ khuyết tật huyện Duy Xuyên (ra mắt ngày 21.3.2022).

Sự đồng hành 

Từ khi có Luật NKT, NKT đã được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội và chính sách nhà nước hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch Hội Người mù - khuyết tật huyện Duy Xuyên, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật đến từng NKT giúp họ tự tin hơn rằng họ được bảo vệ bởi quy định của pháp luật.

Ông Định cho biết: “Từ các nguồn hỗ trợ, hội trao vốn sinh kế, vốn quay vòng lãi suất thấp cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống. Nhiều lớp dạy nghề đã triển khai, tạo cơ hội NKT có việc làm ổn định. Hội còn phối hợp thực hiện nhiều dự án việc làm và tăng cường vị thế cho NKT… giúp họ tiếp cận dịch vụ xã hội, hòa nhập và vươn lên”.

Trong giáo dục, học sinh khuyết tật được hòa nhập và hưởng chính sách hỗ trợ. Ảnh: T.L
Trong giáo dục, học sinh khuyết tật được hòa nhập và hưởng chính sách hỗ trợ. Ảnh: T.L

Tuy vậy, theo ông Định, để thực hiện đúng như quy định của Luật NKT, các văn bản dưới luật, ngành chức năng cần khảo sát lại, nắm chắc số lượng NKT, từ đây hoạch định chính sách trợ giúp sát với thực tế. Để NKT hòa nhập tốt hơn, họ cần được học nghề, có sinh kế mới không thành gánh nặng của gia đình, xã hội. 

Tháng 1.2021, Hội NKT thị xã Điện Bàn sáp nhập vào Hội Chữ thập đỏ thị xã Điện Bàn. Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Điện Bàn, hội đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, tổ chức các đêm văn nghệ gây quỹ để có nguồn lực giúp đỡ NKT làm nhà ở, cấp phát công cụ trợ giúp gồm xe lăn, xe lắc, chân, tay giả, nạn, nẹp…

Sinh kế được trao tay, nhiều NKT có phương tiện đi lại, có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh. Ông Quang kiến nghị: “Nhiều NKT có nguyện vọng muốn vay vốn phát triển kinh tế phù hợp sức khỏe, nên cần có kênh vốn vay hỗ trợ NKT thông qua các cấp hội NKT”.

GÓC NHÌN TỪ MỘT DỰ ÁN

Kể từ khi Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đến với Quảng Nam vào năm 2019, cách tiếp cận người khuyết tật (NKT) có sự đổi khác. Làm sao để NKT có sinh kế và sinh hoạt thuận tiện là câu chuyện cần bàn để hỗ trợ họ hòa nhập.

Nhà chờ xe buýt sau khi được cải tạo đảm bảo an toàn cho người khuyết tật. Ảnh: T.L
Nhà chờ xe buýt sau khi được cải tạo đảm bảo an toàn cho người khuyết tật. Ảnh: T.L

Những khiếm khuyết

ACDC bắt đầu bằng việc nghiên cứu mức độ tiếp cận dành cho NKT ở các công trình công cộng, giao thông, công sở, trường học... Theo quy định, trong giao thông, phải đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng. Nhưng với nhiều công trình giao thông, công cộng hiện nay,  sự tiếp cận của đối tượng yếu thế như NKT bị bỏ quên.

Năm 2019, ACDC cùng với các chuyên gia Viện Quy hoạch và phát triển đô thị (Bộ GTVT) thực hiện khảo sát tại 29 công trình gồm trụ sở cơ quan, UBND phường, y tế, văn hóa, thể thao, trường học, thương mại, nhà ga, bến xe. Chỉ Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, Nhà ga đường sắt Tam Kỳ, Bảo tàng tỉnh là có chú ý đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT. Gần 100% khu vệ sinh đều chưa tính đến nhu cầu sử dụng của NKT.

Tổng chiều dài đường bộ tỉnh quản lý hơn 5.276km, trong đó có hơn 631km là đường đô thị, tuy nhiên lối lên xuống vỉa hè cho NKT còn hạn chế. Kết quả khảo sát còn cho thấy trong tổng số 19 bến xe khách của tỉnh, chỉ có Bến xe khách Tam Kỳ đạt cấp 2, đáp ứng một số hạng mục tiếp cận cho NKT, còn lại 18/19 bến xe chưa đáp ứng cho NKT tiếp cận. Phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện có 12 tuyến với 105 xe, nhưng chưa có xe buýt nào NKT có thể tiếp cận.

Bà Trần Thanh Ý - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và phát triển đô thị nhận định: “Các công trình được khảo sát ở Tam Kỳ chỉ đạt ở mức tiếp cận không hoàn toàn hoặc không tiếp cận. Các công trình như trường học, bệnh viện, khu văn hóa, thể thao có bố trí một số đường dốc, tay vịn tại lối vào có bậc.

Tuy nhiên các thông số kỹ thuật đều chưa phù hợp với quy định, như đường dẫn có độ dốc quá lớn, cửa ra vào có gờ bậc, bộ phận tiếp dân bố trí bàn ghế có độ cao không phù hợp... Các thông tin trợ giúp cho NKT như biển báo, biển chỉ dẫn, các tấm lát có cảm giác, chữ nổi đều không được lắp đặt”.

Chuyển biến

ACDC đã khuyến nghị và cùng vào cuộc trong vấn đề thúc đẩy các công trình công cộng tại Tam Kỳ có điều chỉnh để NKT tiếp cận thuận tiện. Mục tiêu đầu tiên là tăng cường và thúc đẩy thực thi chính sách về tiếp cận công trình xây dựng và giao thông cho NKT, ACDC đã mời chuyên gia từ Bộ GTVT tập huấn các quy chuẩn tiêu chuẩn trong lĩnh vực giao thông và xây dựng.

Thí điểm áp dụng “Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát và hướng dẫn kỹ năng trợ giúp NKT, thí điểm nhà chờ xe buýt, cải tạo đường dốc tại trụ sở xã, cải tạo công trình vệ sinh tại Làng Hòa Bình… đảm bảo tiếp cận cho NKT.

Những tuyến đường có xây dựng vỉa hè đã được hạ thấp bó vỉa để người đi xe lăn lên xuống; lát gạch chỉ đường cho người khiếm thị; một số tuyến đường ở Hội An và Tam Kỳ đã được cải tạo vỉa hè tạo thuận lợi cho NKT tiếp cận.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng ACDC chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy trong quan niệm chung của xã hội, vẫn còn có sự phân biệt đối xử đối với NKT. Về hòa nhập của NKT, nhiều người thường cho rằng chỉ cần hỗ trợ họ về mặt vật chất là đủ. Nhưng không phải, cần phải cho họ “cần câu” và hướng dẫn họ cách “câu cá”, tạo hướng tiếp cận để họ có thể “đi câu” và “câu được cá”.

Rất nhiều NKT khi được tạo điều kiện tiếp cận sinh kế, họ đã tự lo được cho bản thân, thậm chí lo cho gia đình, tham gia hoạt động xã hội rất hiệu quả. Điều họ cần là được hòa nhập, được tiếp cận từ những cái đơn giản nhất thì mới thành sinh kế và tự vươn lên. Những gì mà ACDC đã thực hiện, hy vọng địa phương sẽ tiếp tục có sự khảo sát cải tạo, nhân rộng. Với những công trình mới, không được bỏ quên NKT khi thiết kế, thi công”.

CẢI THIỆN VỀ Y TẾ, GIAO THÔNG

Việc đảm bảo cho người khuyết tật (NKT) tiếp cận các tiện ích cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục cải thiện.

Các cửa ra vào nhà vệ sinh có gờ chưa đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật vẫn còn phổ biến. Ảnh: T.L
Các cửa ra vào nhà vệ sinh có gờ chưa đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật vẫn còn phổ biến. Ảnh: T.L

Tiếp cận trong y tế

Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) từ năm 2015 được Sở Y tế giao là đơn vị đầu mối phối hợp cùng tổ chức IC triển khai dự án “Nâng cao khả năng tiếp cận các dụng cụ trợ giúp có chất lượng cho NKT vận động, từ đó tạo điều kiện cho NKT tốt hơn trong cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng”.

Bác sĩ Phan Minh Đức - trưởng khoa cho biết, tính đến hết tháng 9.2021, dự án đã lần lượt triển khai tới Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Hội An và Tam Kỳ với hơn 4.000 NKT thụ hưởng.

Theo đó, sau khi khám sàng lọc, NKT được đoàn khám chỉ định dụng cụ trợ giúp, được dự án cung cấp và hướng dẫn sử dụng tại trạm y tế. Trường hợp NKT không thể đến trạm y tế, dự án thực hiện trao dụng cụ và hướng dẫn sử dụng tại nhà. Dự án cũng thực hiện theo dõi sử dụng dụng cụ sau 1 tháng, sau 6 tháng kể từ khi NKT tiếp nhận.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giữa tháng 8.2021, tổ chức IC đã có sáng kiến khám trực tuyến cho NKT để xác định nhu cầu về dụng cụ trợ giúp và theo dõi định kỳ sau khi tiếp nhận, đưa Quảng Nam trở thành tỉnh đầu tiên áp dụng cách thức này. Hoạt động khám lại trực tuyến đã được triển khai tại 7 địa phương cho 465 NKT. Trong thời gian tới, hình thức khám trực tuyến sẽ tiếp tục được áp dụng và mở rộng.

Trong các bệnh viên công lập và tư nhân, NKT đã được tạo thuận lợi, ưu tiên khi khám chữa bệnh. Các bệnh viện đều có đầu tư khoa phục hồi chức năng, giúp NKT được phục hồi, trị liệu tốt hơn.

Bác sĩ được hỗ trợ đào tạo về phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu tham gia khóa đào tạo ngắn hạn, làm quen từng dạng tật để có cách điều trị phù hợp. Sự vào cuộc của các hội, các tổ chức đã hỗ trợ NKT xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, nạn, nẹp, khung đứng, phục hồi chức năng cho hơn 1.000 NKT, hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho 500 trẻ em... với giá trị hơn 115 tỷ đồng. 

Cải thiện về giao thông

Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GT-VT, sở đã xác định rõ trách nhiệm, luôn tạo điều kiện thuận lợi để NKT được tiếp cận và tham gia giao thông thuận tiện, an toàn; tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Ông Thanh cho biết: “Sở đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường bộ và đường thủy nội địa xây dựng phương án miễn, giảm giá vé cho NKT; quán triệt lái xe, nhân viên hướng dẫn NKT sử dụng chỗ ngồi ưu tiên, hỗ trợ lên, xuống phương tiện và sắp xếp hành lý; có lộ trình thực hiện đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ NKT như xe buýt sàn thấp, các công cụ hỗ trợ lên, xuống…

Các bến xe khách phải bố trí chỗ ngồi, khu vực ưu tiên mua vé tại quầy vé cho NKT; khi nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng phải ưu tiên làm nhà vệ sinh, phòng chờ, đường dẫn để lên, xuống phương tiện dành cho NKT sử dụng”.

Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật NKT cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải QNABUS, việc đưa vào thí điểm 2 tuyến buýt mẫu gồm Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, Tam Kỳ - Hội An - Điện Ngọc đã đảm bảo tiếp cận cho NKT. Xe buýt được lắp đặt hệ thống rao trạm dừng và màn hình hiển thị thông tin lộ trình điểm dừng, tuân thủ quy định về hỗ trợ NKT.

Nhờ thiết bị này, người khiếm thính nhìn màn hình sẽ nắm bắt những thông tin về nội quy xe buýt, giá vé, lịch trình xe chạy… Với người khiếm thị, họ sẽ nghe loa rao vị trí xe chuẩn bị dừng để biết mình đã đi đến đâu, hoặc chủ động chuẩn bị xuống xe nếu gần tới điểm cần xuống.

Công ty còn thực hiện miễn, giảm giá vé từ 50 - 100% tùy theo đối tượng NKT; phát hành miễn phí 153 thẻ đi xe buýt thông minh cho NKT. Sở GTVT sẽ nhân rộng mô hình tuyến buýt mẫu ra 3 tuyến gồm Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Bắc Trà My và Tam Kỳ - Đại Lộc; cải tạo một số nhà chờ xe buýt đảm bảo NKT tiếp cận, sử dụng.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thanh thừa nhận, hoạt động trợ giúp NKT trong lĩnh vực giao thông vận tải còn nhiều khó khăn. Như trên đường bộ, phần lớn quy mô của các đơn vị kinh doanh vận tải khách còn nhỏ lẻ, chi phí đầu tư phương tiện có công cụ hỗ trợ cho NKT cao hơn so với phương tiện thông thường mà mức độ sử dụng thấp, do vậy doanh nghiệp chưa thực hiện.

Việc xây dựng hoặc cải tạo hạ tầng giao thông để NKT dễ dàng tiếp cận chưa đồng bộ; chưa xây dựng được các tuyến phố, khu vực đường dành riêng cho đối tượng này. Điểm dừng, nhà chờ xe buýt, vỉa hè chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo cho NKT sử dụng.

Vận tải buýt được xã hội hóa 100%, nguồn lực của các đơn vị còn hạn chế, nên kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé không cao. Công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho NKT cũng chưa triển khai được.

Thực tế tình trạng khuyết tật của người theo học rất đa dạng, không thể dùng chung một mẫu xe. Để đào tạo NKT, đơn vị đào tạo phải mua loại xe riêng hoặc hoán cải một số chức năng, bộ phận kỹ thuật của xe và phải qua đăng kiểm mới được đưa ra giảng dạy. Chi phí đầu tư hạ tầng, phương tiện và nhân lực dành riêng đào tạo cho lái xe NKT khá lớn. Đây là thách thức đáng kể với các trung tâm đào tạo lái xe.

KHOẢNG CHÊNH GIỮA CHÍNH SÁCH VÀ THỰC TẾ

Kể từ năm 2011, Luật Người khuyết tật (NKT) 2010 đã có những văn bản hướng dẫn thực thi. Tất cả chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc làm và dạy nghề... khi thực hiện đều không được bỏ quên NKT. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khoảng chênh.

Người khuyết tật cần được tạo điều kiện để tiếp cận, hòa nhập cộng đồng. Ảnh: T.L
Người khuyết tật cần được tạo điều kiện để tiếp cận, hòa nhập cộng đồng. Ảnh: T.L

Theo Sở LĐ-TB&XH, ngay sau khi Luật NKT có hiệu lực, từ cấp xã, 241 hội đồng xác định mức độ khuyết tật được thành lập và hỗ trợ NKT hiệu quả. Các chính sách dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT đều được thực hiện đảm bảo hàng tháng theo các quy định của Trung ương và tỉnh. Bà Đoàn Thị Hoài Nhi - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Triển khai Luật NKT, nhận thức của xã hội về NKT đã có sự đổi khác. Họ bị khuyết tật nhưng họ có thể vươn lên trong cuộc sống tùy theo mức độ khuyết tật, chứ không phải là người bên lề cuộc sống. Cách trợ giúp NKT cũng khác, họ cần hỗ trợ để tiếp cận được với dịch vụ xã hội, công trình công cộng như hỗ trợ phương tiện đi lại, phục hồi chức năng, từ đó có thể duy trì và phát triển sinh kế, lo được cho bản thân và gia đình, không thành gánh nặng của xã hội”.

NKT đã được tạo điều kiện tham gia giáo dục hòa nhập, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, tham gia các hoạt động gặp mặt, giao lưu, giải trí, tiếp cận vốn vay ưu đãi... Trong giáo dục, học sinh khuyết tật được hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa, được thụ hưởng các chính sách, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, miễn học phí, tuyển thẳng vào trung học phổ thông.

Tuy vậy, việc thi hành Luật NKT ở Quảng Nam vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn trong hỗ trợ đối với NKT. Một số NKT có thể vươn lên, nhưng vẫn còn nhiều NKT chưa tự tin, không dám hòa nhập bởi mặc cảm. Và trong xã hội vẫn còn nhiều người có cái nhìn phân biệt, thiếu công bằng với NKT. Trong đào tạo nghề, NKT tham gia học nghề rất thấp vì gia cảnh khó khăn, mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nên khó tổ chức dạy của cơ sở đào tạo. Khi nhiều doanh nghiệp vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu thì giải quyết việc làm cho NKT là điều rất khó khăn. Đối với hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, NKT tham gia cũng rất thấp. 

Bà Đoàn Thị Hoài Nhi chia sẻ: “Sự nhìn nhận của xã hội dành cho NKT nhiều nơi vẫn còn có sự kỳ thị, tạo thêm mặc cảm tự ti cho NKT, dù Luật NKT đã được tuyên truyền. Việc thực hiện các quy chuẩn về xây dựng và giao thông công cộng chưa có nhiều sự thay đổi, điều chỉnh về hành lang, lối đi dành riêng cho NKT nên họ khó tiếp cận. Việc tuyển dụng NKT vào các đơn vị, cơ quan hành chính vẫn còn khó khăn thì với doanh nghiệp càng khó”.

CẦN SỰ TIẾP SỨC MẠNH HƠN

Để người khuyết tật (NKT) có thể hòa nhập, tiếp cận với cuộc sống, cần bản lĩnh của mỗi người cũng như sự hỗ trợ của xã hội, của chính sách.

Chị Nguyễn Hoàng Linh mong muốn người khuyết tật được hỗ trợ tốt hơn trong học nghề, tạo việc làm. Ảnh: T.L
Chị Nguyễn Hoàng Linh mong muốn người khuyết tật được hỗ trợ tốt hơn trong học nghề, tạo việc làm. Ảnh: T.L

Cần sự đồng hành

Là một NKT đặc biệt nặng, chị Nguyễn Hoàng Linh (sinh 1980, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) luôn khát khao vượt lên chính mình để hòa nhập. Chị quyết tâm học nghề may, do một tổ chức phi chính phủ phối hợp với Hội NKT huyện Đại Lộc đào tạo. Học xong, chị không thể đi làm ở nơi nào được, nên gom góp mua máy móc và bắt đầu công việc mình yêu thích.

Qua gần 8 năm, Linh gầy dựng cho mình cơ ngơi kha khá, cơ sở may của chị giải quyết việc làm cho 5 NKT. Với mong muốn trao “cần câu”, chị dạy nghề may miễn phí cho nhiều NKT.

Chị Linh tâm sự: “Chúng tôi bằng nghị lực và sự trợ giúp của Hội NKT, tự vươn lên là chính. Nếu chán nản sẽ hỏng việc. Tôi mong sẽ có nhiều tổ chức, đơn vị giúp NKT học nghề, để họ sống được bằng nghề đã học, phù hợp với tình trạng sức khỏe. NKT cũng rất cần sự hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm, tự tin hơn khi tham gia hoạt động sản xuất”. 

Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết, công tác NKT đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các cấp, ngành triển khai thực hiện. Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 16, UBND tỉnh có Kế hoạch 7704/KH-UBND về trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030.

Cùng với đó, các sở, ban ngành, hội đoàn thể, các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. NKT có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, việc làm, giao thông, được cho vay vốn, được tham gia các mô hình kinh tế - xã hội, và sống tự lập, hòa nhập cộng đồng.

Thông qua việc phối hợp các ngành, các tổ chức phi chính phủ, Hội NKT tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế cho NKT… Thông qua sinh hoạt, NKT có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về đầu tư phát triển kinh tế, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Ông Dũng kiến nghị: “Công tác NKT gặp không ít khó khăn khi thiếu con người quản lý, lập kế hoạch, huy động nguồn lực. Mạng lưới Hội NKT cấp huyện chưa rộng khắp, trong lúc NKT có nhu cầu tham gia sinh hoạt, giao lưu học hỏi, tư vấn pháp luật.

Số lượng cán bộ hội lớn tuổi chiếm phần lớn, trong lúc muốn huy động lớp trẻ vào tham gia phải có định suất cho họ, trả một phần tiền lương… Vậy nên, nhân sự cho hoạt động của hội nhiệm kỳ 2022 - 2027 sẽ nan giải.

Bên cạnh khắc phục các tồn tại, các địa phương khi đưa ra chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cần lồng ghép các hoạt động, công trình cho NKT tiếp cận, thụ hưởng”.

Sẽ tiếp tục trợ sức

Ngoài các chế độ hỗ trợ cho NKT theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, HĐND tỉnh đã có các Nghị quyết 49, 02 tiếp tục hỗ trợ NKT sống trong hộ nghèo nâng cao mức sống lên 1,5 lần so với Nghị định 136. Nguồn ngân sách tỉnh chi trả hoàn toàn, với kinh phí hơn hơn 27 tỷ đồng cho 8.936 NKT được thụ hưởng chính sách.

Theo đánh giá của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), chính sách hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng, đề xuất của nhân dân và chính quyền địa phương, cơ sở, góp phần cải thiện thu nhập hàng tháng, tạo điều kiện sống tốt hơn và động lực vươn lên cho NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc hộ nghèo.

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) cho biết: “Bên cạnh tính nhân văn, chính sách còn phù hợp với xu hướng tiếp cận nghèo đa chiều mới và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh; góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công bằng xã hội. Nhóm thụ hưởng chính sách là những người yếu thế, trong đó có NKT là nhóm còn nhiều thiệt thòi trong tiếp cận, thụ hưởng chính sách nên đã giúp họ có thêm nghị lực vươn lên”. 

Trong Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa X (dự kiến diễn ra vào ngày 21.4 này), chính sách hỗ trợ nhóm người yếu thế, NKT sẽ tiếp tục được bàn bạc, nhằm tìm kiếm thêm giải pháp tạo động lực cho NKT và những đối tượng yếu thế khác có thêm điều kiện vượt lên hoàn cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao vị thế cho người khuyết tật: Hành trình không đơn độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO