Nghề chươm bổi trên sông Đầm

HOÀNG LIÊN 04/02/2021 13:37

Con sông Đầm qua địa bàn các thôn Vĩnh Bình, Thăng Tân, Xuân Quý... (xã Tam Thăng, Tam Kỳ) là nguồn sống nuôi bao thế hệ bởi nghề chươm bổi, thả lưới, quăng chài...

Nghề chươm trên sông Đầm, xã Tam Thăng đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nghề chươm trên sông Đầm, xã Tam Thăng đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tầm 20 tháng Chạp, dọc sông Đầm qua các thôn Vĩnh Bình, Thăng Tân, Xuân Quý sẽ bắt gặp cảnh đông đúc, tấp nập cư dân vạn chài với ghe thúng gỡ lưới, quăng câu, dở chươm khai thác cá tôm. Cả một năm hành nghề sông nước, với cư dân vạn chài, những mẻ lưới tất niên hứa hẹn đem lại cái tết ấm no cho mọi nhà.

Gia đình bà Lê Thị Châu (thôn Vĩnh Bình) hành nghề thả lưới bắt cá trên sông Đầm đã vài chục năm nay. Bà cho biết, để có cá sông chạy chợ, ai nấy phải thức dậy từ 1 giờ sáng bủa lưới trên sông rồi về nhà, sau đó thức dậy tầm 5 - 6 giờ để đi gỡ lưới. Ngoài nghề lưới, cư dân sông Đầm còn tranh thủ làm chươm bổi để thu hút cá tôm. Gia đình bà Châu thường đặt 5 cái chươm trên sông, mỗi tháng dở chươm một lần, thu về tiền triệu từ việc bán cá tôm.

“Ở sông Đầm, đã có gia đình từng dở chươm được cả 2 tạ cá, còn lại thì ít, lai rai nhưng cũng giúp cư dân có nguồn phụ thu hằng tháng. Nói là phụ chứ thực tế với cư dân sống nghề sông nước, ngày nào cũng có mắm muối, thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông” - bà Châu nói.

Cư dân vạn chài hay canh nước lên nước xuống để làm chươm và nghề chươm cũng phải có kinh nghiệm mới có cá. Chươm bổi là hàng trăm cọc tre hay thân cây dúi, bần cắm thành cụm dưới sông để dụ cá vào. Thời điểm dở chươm, người dân dùng đăng hoặc lưới áp sát, thu hẹp dần để vây bắt. Đây là cách khai thác thủy sản đã có từ lâu đời. Mùa bắt cá chươm thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch và dịp cuối năm. Những ngày làm chươm thường là giữa và cuối tháng theo âm lịch, bởi những ngày này mực nước sông rất cạn. Cá ở chươm rất ngon, chủng loại phong phú, đa dạng.

Cư dân Vĩnh Bình, Thăng Tân, Xuân Quý sống bằng nghề chươm, thả lưới, chài trên sông. Do nguồn lợi thủy sản suy giảm, một phần do ảnh hưởng bởi kiểu khai thác tận diệt, ven sông Đầm chỉ còn chừng vài chục hộ giữ nghề sông nước.

Bà Ung Thị Phượng (thôn Vĩnh Bình) chia sẻ, cuối năm và dịp đầu năm, cư dân hành nghề kéo lưới, dở chươm khá trúng bởi cá được giá, người dân mua phóng sinh, sử dụng dịp tết, giá cao gấp đôi, gấp rưỡi so với ngày thường. Cuối năm, cứ 20 - 23 tháng Chạp, cả làng đồng loạt dở chươm để có mẻ cá tết theo lệ. Ăn tết, cúng đầu năm xong, cư dân mới xuống sông chài lưới, thả lưới, làm chươm.

Chươm sông Đầm là nghề khai thác bền vững, không gây ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản bởi chươm chỉ bắt cá lớn. Mỗi cái chươm thu hoạch ít nhất mỗi tuần một lần, được vài chục ký cá, thời điểm trúng thì cả tạ. Người dân Vĩnh Bình đời này sang đời khác bám trụ với bãi Sậy - sông Đầm. Làng chài Vĩnh Bình còn gần hai mươi hộ bám nghề, dù nghề đánh bắt, bủa lưới chỉ được xem là nghề phụ, song lại mang đến những tháng ngày no cơm, ấm áo.

Sông Đầm êm đềm chảy qua ký ức bao thế hệ. Nghề chươm sông Đầm không chỉ là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cho cư dân bản địa mà còn là nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước, đầm lầy xứ Quảng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghề chươm bổi trên sông Đầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO