Nhà có người cách ly

BẢO ANH 06/08/2021 08:34

(QNO) - Khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát ở Đà Nẵng vào năm ngoái, trường đại học nơi con trai tôi theo học cho sinh viên tạm nghỉ học để về nhà tránh dịch. Sau khi báo cáo sự việc và nhận tư vấn, hướng dẫn từ cán bộ y tế phường, gia đình tôi sắp xếp một căn phòng riêng để con thực hiện cách ly y tế tại nhà.

 
Việc thường ngày trong khu cách ly. Ký họa: TĂNG QUANG

1. Mười bốn ngày, mọi thành viên trong gia đình tuân thủ nghiêm quy định cách ly. Và, có nhiều cảm xúc hơn cả là chuyện phục vụ người đang cách ly. Tới bữa, cơm được đem tới cửa phòng cho con, rồi lùi lại, đứng từ một khoảng đủ xa nhìn qua cửa xem con ăn cơm.

Xong bữa nhắn tin hỏi con ăn ngon miệng không, có cần gì thêm không? Mỗi ngày một vài lần lại nhắn tin hay đứng từ xa nói vọng tới, nhắc con lau dọn phòng ở, tự giặt quần áo, ngủ đúng giờ, nhắc con định kỳ đo thân nhiệt, tự lắng nghe chuyển biến sức khỏe của bản thân...

Vì trong nhà có người phải cách ly nên một cách rất tự nhiên, gia đình tôi lại có nhu cầu chuyện trò với các gia đình có hoàn cảnh tương tự. Nói chuyện với nhau, chủ yếu qua điện thoại, ai cũng bảo hơi lo lắng nhưng bù lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều tự dưng trở nên “khuôn phép”, chuẩn mực hơn.

Một số người có người thân đi cách ly tập trung thì lo lắng nhiều hơn, nên ngày nào cũng vài ba lần gọi video. Cái giường, chiếc gối để nằm ngủ; suất ăn ba bữa trong ngày; việc đi đứng nghỉ ngơi trong khu cách ly... đều được quay cận cảnh. Trong điều kiện bình thường, khi chưa có dịch Covid-19, hình như hiếm khi, hiếm có ai quan tâm nhau thường xuyên và chi li đến vậy.

Tranh thủ
Tranh thủ làm việc ở khu cách ly tập trung. Ký họa: TĂNG QUANG

Rồi, trong đợt dịch lần thứ 4 này, gia đình tôi lại có người thân phải cách ly tập trung. Nơi cháu gái của tôi công tác có một trường hợp F0, vậy là những F1 liên quan phải đi cách ly tập trung. Cách ly nhưng vẫn tranh thủ làm việc trên máy tính, thành ra thời gian rảnh không quá nhiều để đâm chán nản hay nghĩ ngợi vu vơ.

Những hình ảnh sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi bên trong khu cách ly được cháu tôi gửi cho gia đình đều đặn mỗi ngày vài ba lần... Thông điệp tích cực gửi cho người thân, có lẽ chỉ cần bấy nhiêu là đủ.

2. Trở lại chuyện năm ngoái, khi con trai tôi cách ly tại nhà. Lúc ấy, đọc báo, xem ti vi, thấy cảnh những người thuộc diện phải cách ly tập trung vào ở tạm trong các trường học, mới thấy những người thuộc diện cách ly tại nhà như con mình là may mắn. Nghĩ vậy nên nhắc con thấy được cách ly tại nhà thì chẳng có gì đáng phàn nàn, để từ đó có thêm động lực tuân thủ cách ly cho trọn 14 ngày.

Sau khi hoàn thành cách ly tại nhà và xét nghiệm âm tính, được ra ngoài sinh hoạt chung với gia đình, con tôi mới bảo, 14 ngày là một khoảng thời gian... quá dài. Trong đó, dài nhất là ngày đầu tiên và ngày cuối cùng.

“Thời gian biểu” của người cách ly. Ký họa: TĂNG QUANG.
“Thời gian biểu” của người cách ly. Ký họa: TĂNG QUANG

Trong 14 ngày đó, bữa nào con cũng... đếm ngày; riêng ngày đầu và ngày cuối, hết đếm giờ lại đếm phút, mong thời gian trôi qua thật nhanh... Nghe con kể, mới hiểu hơn vì sao có nhiều người trước khi rời nhà đi cách ly tập trung, cứ vừa đi vừa ngoái lại vừa khóc. Nhiều người, khi vừa cầm được tờ giấy xác nhận hoàn thành cách ly tập trung là òa lên khóc như chưa bao giờ được khóc.

Cũng may, trong 14 ngày con tôi cách ly tại nhà, mọi việc diễn ra suôn sẻ, an toàn. Để giết thời gian, con tự học thêm ngoại ngữ, chơi đàn và tự làm một số việc mà lúc bình thường luôn có người khác làm thay.

3. Dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn nhiều thứ, buộc con người phải thay đổi, buộc phải biết lựa chọn để thích nghi. Từ những chuyện rất bình thường, nhỏ xíu, như việc con tôi biết tự lau nhà, giặt quần áo. Hay, thay vì ra ngõ chuyện vặt cùng hàng xóm trong lúc chờ cơm tối, những thành viên còn lại trong gia đình tôi tranh thủ đọc sách, dọn dẹp nhà cửa...

Nhiều người khác, trong đó có cháu gái tôi khi đi cách ly tập trung trong đợt dịch thứ 4 này, đã dành thời gian để đọc sách, ngồi thiền, tập thể dục... Đó là những lựa chọn tích cực. Biết đâu, sau khi kết thúc cách ly, những việc đáng khuyến khích ấy sẽ được nhiều người duy trì như một thói quen!

Để giảm thiểu nguy cơ phải mang hành lý, rời xa gia đình, người thân vào ở tạm trong các khu cách ly, điều quan trọng và có ý nghĩa quyết định nhất có lẽ vẫn là thực hành đúng yêu cầu 5K và tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo của chính quyền, của ngành y tế. Nhưng nếu chẳng may rơi vào diện phải đi cách ly, cũng chẳng có gì phải hoang mang. Như một bạn trẻ, trong một caption trên facebook cá nhân, đã nhắn gửi: Cả nhà đừng lo lắng. Chỉ cần biết con đang ở yên trong khu cách ly thì có nghĩa là con đang an toàn và đang góp phần vào sự an toàn của cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà có người cách ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO