Những tấm lòng không biên giới

VĂN TRƯỜNG 12/08/2019 15:07

Tấm chân tình từ BỉTheo chân các anh chị công tác ở Hội Nạn nhân chất độc da cam Hội An, chúng tôi đến thăm gia đình anh Tạ Ngọc Dậu, sinh 1982 tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà.

Hiện anh Dậu sống cùng vợ, 2 con nhỏ và người mẹ tuổi đã 70 trong ngôi nhà khá khang trang, bên vườn quật xanh tốt. Câu chuyện với gia đình anh bắt đầu từ ngôi nhà mang tên “Mái ấm da cam số 1”, do Chi hội Nạn nhân da cam quốc tế Hội An, Việt Nam tại Bỉ tặng, xây dựng hoàn thành tháng 5.2017. Mẹ anh Dậu, bà Ngụy Thị Lầu chia sẻ, hồi trước cuộc sống gia đình vất vả lắm, mùa mưa lũ cứ lo nơm nớp... Từ khi được hỗ trợ làm nhà, rồi vốn vay nuôi bò, chừ nhân lên được bốn con, cùng với chăm sóc vườn quật mấy sào quanh nhà cũng coi đủ sống.

Đại diện Chi hội Nạn nhân da cam quốc tế Hội An, Việt Nam tại Vương quốc Bỉ trao tiền hỗ trợ làm nhà cho nạn nhân da cam Hội An. Ảnh: V.V.T
Đại diện Chi hội Nạn nhân da cam quốc tế Hội An, Việt Nam tại Vương quốc Bỉ trao tiền hỗ trợ làm nhà cho nạn nhân da cam Hội An. Ảnh: V.V.T

Anh Dậu nhiễm chất độc da cam diện thế hệ thứ hai do di chứng từ cả cha và mẹ. Ba mẹ anh Dậu tham gia kháng chiến, bà Lầu là du kích xã Cẩm Hà. Ba anh Dậu bị chất độc da cam hành hạ thường xuyên đau ốm và đã mất cách đây 10 năm. Là người bị nhiễm chất độc da cam nhưng anh Dậu có vợ và sinh được hai con, một trai, một gái đang học bậc tiểu học rất ngoan, vợ làm thêm buồng phòng khách sạn để kiếm thêm ít nhiều thu nhập phụ giúp gia đình.

Bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam TP.Hội An cho biết, anh Dậu sinh ra học đến lớp 5 phải nghỉ do đau ốm, trí não không bình thường, tóc rụng hết… Cuộc sống lâm hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ là cán bộ kháng chiến cũng bệnh tật triền miên, nên mấy chục năm không làm nổi căn nhà kiên cố để ở. Cách đây hai năm, nhờ nguồn hỗ trợ của vợ chồng một du khách quốc tịch Bỉ (đại diện Chi hội Nạn nhân da cam quốc tế Hội An, Việt Nam tại Bỉ) trợ giúp số tiền 35 triệu đồng, anh Dậu mới có điều kiện sửa sang lại ngôi nhà như bây giờ. Chí thú làm ăn, cộng thêm nguồn hỗ trợ từ Quỹ Nạn nhân da cam thành phố, cuộc sống gia đình anh Dậu giờ đã ổn định.

Trong câu chuyện của mình anh Dậu luôn nhắc đến tấm chân tình của vợ chồng người Bỉ. Bởi không chỉ hỗ trợ kinh phí, mà khi làm nhà, họ vẫn thường lui tới hỏi han, giúp đỡ thêm những chi phí lặt vặt phát sinh. Không chỉ gia đình anh Dậu, một số trường hợp nạn nhân da cam gặp khó khăn về nhà ở cũng đang được vợ chồng này giúp đỡ. Bà Võ Thị Hóa cho biết, mỗi năm vợ chồng người Bỉ này đến Hội An vài ba tháng rồi về nước vận động nguồn quỹ để sang giúp đỡ, khoản kinh phí mấy năm lại đây đã hơn 1 tỷ đồng. Với nạn nhân da cam đây là nguồn hỗ trợ quý giá. Điều đặc biệt, họ luôn trực tiếp đến tận nơi, nắm bắt từng hoàn cảnh, chuyển tiền rồi đề xuất phương án giúp đỡ. Và như vậy sắp tới đây sẽ có thêm nhiều ngôi nhà mang nghĩa tình không biên giới.

Hội viên danh dự đến từ Mỹ

Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.Hội An hiện có 1.021 hội viên; ngoài ra còn có 8 tình nguyện viên, 2 hội viên người nước ngoài (Thụy Điển, Hoa Kỳ) và 1 tổ chức Hội Nạn nhân da cam quốc tế Hội An tại Bỉ. Theo số liệu điều tra, toàn thành phố có 1.443 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhưng chỉ có 192 người được hưởng chế độ nạn nhân.

Ngoài vợ chồng người Bỉ nói trên, tại Hội An còn có vợ chồng một cựu quân nhân người Mỹ là ông Brup (vợ tên Elen người Canađa) từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Brup cũng là nạn nhân da cam, và điều đặc biệt, ông là thành viên danh dự của Hội Nạn nhân da cam Hội An. Bằng nguồn vận động, thời gian qua ông Brup đã giúp nạn nhân da cam TP.Hội An gần 300 triệu đồng. Cơ duyên để cựu binh người Mỹ này đến với tổ chức Hội Nạn nhân da cam Hội An là khi ông tình cờ nhận ra Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam TP.Hội An - Võ Thị Hóa, nguyên là một du kích quân Việt Cộng nổi tiếng kiên cường của đất rừng dừa Bảy Mẫu, Cẩm Thanh anh hùng, sau khi xem những thước phim tư liệu về chiến tranh. Câu chuyện về nữ du kích Võ Thị Hóa cũng đã được mang sang nước Mỹ qua những trang hồi ký của Brup trong một cuốn sách xuất bản bằng tiếng Anh.

Cựu chiến binh Brup trong những chuyến làm từ thiện giúp đỡ nạn nhân da cam ở Hội An đã có lần chia sẻ với bà Hóa câu chuyện ở nước ông, mà báo chí cũng từng đưa tin. Đó là đầu năm 1978, Paul Reutershan - cựu phi công lái trực thăng trong chiến tranh Việt Nam đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia và đưa ra tuyên bố khiến cả nước Mỹ sửng sốt: “Tôi đã chết ở Việt Nam nhưng lại không biết rằng mình đã chết”. Paul Reutershan cho biết gần như ngày nào cũng bay qua những đám mây hóa chất được phun bởi những chiếc máy bay C-123. Tuy nhiên, ông lại được quân đội trấn an rằng các hóa chất có khả năng xóa sổ những cánh rừng bạt ngàn sẽ không đe dọa sức khỏe của con người và động vật. Đến khi quay trở về Mỹ, ông mới được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư. Cuối năm 1978, khi mới 28 tuổi, Reutershan qua đời vì ung thư. Reutershan là người  đứng ra thành lập tổ chức Nạn nhân da cam quốc tế (OAVI) để đấu tranh đòi quyền lợi cho những người bị phơi nhiễm hóa chất độc da cam...

Bà Hóa chia sẻ, tuy Hội An mới có một cựu chiến binh Mỹ trở lại làm việc mà lương tâm mách bảo, nhưng bà tin rồi đây không chỉ Hội An mà cả nước sẽ đón nhiều hơn những người cựu binh từ nước Mỹ sẽ còn trở lại, việc làm và tiếng nói của họ sẽ còn tiếp tục vang lên trên các diễn đàn đấu tranh vì nạn nhân da cam và hòa bình khắp thế giới với nhiều cách khác nhau, mà giúp đỡ nạn nhân da cam cũng là một cách.  Những việc làm ấy sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin về một ngày công lý được thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những tấm lòng không biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO