Nụ cười trong gươl

ALĂNG NGƯỚC 24/03/2020 14:17

Mỗi cuộc họp ở gươl, người ta bắt đầu nói nhiều hơn về những đổi thay ở vùng đất mới. Khi đường sá ngày càng rộng mở, những sản vật của vùng, tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại rất độc đáo, trở thành thứ đặc sản không thể thiếu trong hành trình phát triển du lịch vùng cao.

Du khách khám phá trải nghiệm văn hóa vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Du khách khám phá trải nghiệm văn hóa vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chuyện ở làng

Hôm nọ, tôi ghé làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang). Từ cổng làng, đã nghe réo rắt tiếng đàn abel phát ra từ gươl. Cô gái Cơ Tu - Đinh Thị Thìn nói hôm nay làng lại đón khách. Sau thời gian kết nối, hình thành các tour tracking (du lịch mạo hiểm), Thìn trở thành “cầu nối” cho những trải nghiệm của du khách với dân làng.

Thìn nói, một chuyến tham quan của du khách, ngoài những cuộc lội bộ xuyên núi để khám phá, còn là một đêm nghỉ chân trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và thưởng thức các món ẩm thực, xem chương trình biểu diễn trống chiêng, dân ca - dân vũ truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

“Du khách thích thú điều đó và họ sẵn sàng trả phí cho những lần trải nghiệm của mình. Làm du lịch phải biết tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và độc đáo, thu hút được sự quan tâm của du khách” - Thìn chia sẻ.

Người vùng cao làm du lịch theo cách riêng của họ. Món ăn, nhiều khi là những gì bình thường nhất, chế biến đơn sơ nhất, vậy mà khách lại ưa. Gươl cũng không ngoại lệ. Ngoài cuộc họp riêng của làng, nơi này còn đón thêm những vị khách bằng câu hát lý, câu hát dân ca và cả “vũ điệu dâng trời” đầy quyến rũ, mê hoặc.

Tôi nhớ đến câu chuyện của một người bạn đi cùng tôi trong chuyến “tracking” vào cánh rừng pơmu, rằng làm du lịch ở vùng cao, càng đơn giản và thực tế, càng thu hút được sự quan tâm, trải nghiệm của du khách. Bằng cách đó, bạn tôi giữ được chân những vị khách ở lại lâu hơn với đồng bào, với núi rừng Trường Sơn.

Gươl lại đông chỉ sau vài phút phát ra thông báo về cuộc họp làng. Sau tết, lần thứ 3 người ta đến gươl để bàn việc quan trọng. Trưởng thôn của Ta Lang (xã Bha Lêê, huyện Tây Giang) - Alăng Sen nói, ngày mai làng lại đón khách. Họ đặt theo tour lớn nên phải chuẩn bị trước. Kể từ khi làng Ta Lang chính thức khai trương đón khách du lịch, công việc tập hợp dân làng đã thành lệ chung. Người ta góp với nhau bằng những gì nhà mình có, từ rượu cần, cá suối, cơm lam, ớt hiểm… Trai gái trong làng, ngoài chuyện làm nương rẫy, nay có thêm công việc mới đón khách. Họ phân công từ tham gia đội hậu cần chuyên chế biến các món ẩm thực; đội trống chiêng chuyên biểu diễn tâng tung, da dá; đội mời rượu; cho đến nhóm người phục vụ bố trí nơi ngủ nghỉ, tham gia trò chơi trải nghiệm cho du khách. Chẳng mấy chốc, dân làng Ta Lang trở thành những người làm du lịch khá chuyên nghiệp.

“Từ khi làm du lịch, nhận thức và cả kiến thức của người dân đối với công việc, với du khách đều được nâng lên rõ rệt. Làm du lịch là phải chấp nhận chuyện phục vụ, nhưng đổi lại, cũng từ công việc đó mà dân làng có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống và quảng bá, gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà lâu nay bị mai một” - anh Sen nói.

Hướng mở từ sản vật rừng

Miền núi bây giờ đã đổi dần cách nghĩ trong tư duy phát triển kinh tế, làm du lịch. Không còn bỏ phí những sản phẩm tự nhiên, giá trị văn hóa vốn được xem lợi thế và tiềm năng, ở các huyện phía tây như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, chính quyền địa phương đã nhiều lần ngồi lại để tìm ra hướng đi mới cho liên kết vùng. Tùy theo đặc ân của tự nhiên với từng vùng đất mà họ phân ra thành các chuỗi giá trị lớn từ sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; sản vật kinh tế cây dược liệu hay thu hút đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Vấn đề cuối cùng, từ cách làm đó, sẽ tạo nên những giá trị kinh tế thực sự cho chính người dân địa phương.

Tôi lên Nam Trà My đúng dịp đồng bào Xê Đăng tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh. Giữa đông đúc kẻ hỏi, người mua, lại thấy những gương mặt cũ. Là Hồ Thị Mười, Hồ Văn Dang, Nguyễn Văn Lượng… mang sâm đến để chào khách và bán theo đơn đặt hàng. Từ sâm và những thảo mộc ở rừng, họ trở nên giàu có. Tư duy cũng khác xưa.

Như Hồ Thị Mười, cô gái Ca Dong sống ở dưới chân núi Ngọc Linh, sau nhiều năm lặn lội về tận các nóc để thu mua hàng nông sản và dược liệu, nay đã phát triển thành cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếng ở huyện, nhiều sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh. Từ thành công của mình, Mười đang ấp ủ mở rộng dự án kinh doanh, đưa người dân địa phương cùng tham gia, tạo sự cộng hưởng đa chiều, giúp nhiều người cùng hưởng lợi từ sản vật địa phương vốn rất nhiều ở rẫy, ở rừng.

“Làm kinh tế, nhưng đồng thời cũng phải gắn với phát triển du lịch. Phải biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương miền núi thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách. Đó mới là hướng khai thác kinh tế hiệu quả và bền vững”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lần nào ngồi họp với lãnh đạo các huyện miền núi cũng đều nhấn mạnh như vậy, rồi trực tiếp gợi mở những ý tưởng gắn việc đầu tư kinh tế với phát triển du lịch.

Và thực tế, ở một số địa phương như Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, từ mô hình nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện; khu trồng sâm Ngọc Linh, vườn cây dược liệu dưới tán rừng; hay cả khu vườn trồng rau công nghệ cao, quần thể rừng nguyên sinh pơmu, đỗ quyên… cũng đã manh nha trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Thậm chí, nếu hoàn thành mục tiêu trồng rừng gỗ lớn thì dự báo rừng cũng sẽ trở thành điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong tương lai gần.

Chưa nói đến chuyện được - mất trong phát triển du lịch, trong câu chuyện làm kinh tế. Nhưng thấy rõ ở cộng đồng miền núi là đã có dần những bước chuyển mới. Ý thức làm giàu bằng sản vật địa phương cũng là cơ sở để đồng bào gìn giữ những “vốn quý” để tiếp tục… làm giàu. Và không thể khác hơn, là đầu tư mở rộng kinh tế gắn với thu hút du lịch, là bảo tồn giá trị văn hóa để tạo không gian khám phá cho du khách. Nhưng nói gì thì nói, chuyện làm giàu cũng phải cân nhắc cách làm phù hợp, tránh vì lợi ích kinh tế mà phá hỏng tài sản vô giá về văn hóa, con người và sinh thái vùng núi.

Tôi đi dọc miền quê núi, nơi nào cũng thấy những điểm bán nông sản của đồng bào mình. Chợt vui. Vì sau bao năm mở rộng giao thương, thứ cảm giác xấu hổ khi mang từng buồng chuối, từng bó rau đến chợ đã không còn xuất hiện trong tâm tưởng của đồng bào. Nghèo khó, dù chưa thể hết, nhưng bà con đã bắt đầu chú tâm đến việc dựng nhà, chăm lo việc học tập của con cái; sắm sửa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Ngày hội làng, trong gươl, đã lấp lánh nụ cười non cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nụ cười trong gươl
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO