Phát huy thiết chế văn hóa

VÂN LY 03/06/2020 10:38

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các thiết chế văn hóa cơ sở như trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT) cấp xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn ở nhiều địa phương đã được đầu tư xây dựng.

Cổng chào làng chài Cù Lao Chàm (TP.Hội An). Ảnh: V.L
Cổng chào làng chài Cù Lao Chàm (TP.Hội An). Ảnh: V.L

Nhiều kết quả

Năm 2010, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư số 12 Quy định mẫu về tổ chức hoạt động và tiêu chí của trung tâm VH-TT cấp xã. Các xã đạt chuẩn NTM cần phải xây dựng trung tâm VH-TT hoặc cải thiện cơ sở có sẵn đáp ứng theo quy định, gồm có hội trường đa năng và cụm các công trình thể dục thể thao.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 195 trung tâm VH-TT xã có ban chủ nhiệm, 155/241 trung tâm có cơ sở vật chất theo quy định; ở cấp thôn, 1.240 thôn, khối phố có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 1.127 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 90,8%). Về lĩnh vực thể dục thể thao, toàn tỉnh có 182 sân bóng đá 11 người, trong đó 112 sân đạt chuẩn, 47 bể bơi, hồ bơi xây dựng và lắp ghép; 286 CLB thể dục thể thao hoạt động thường xuyên.

Từ khi có các trung tâm VH-TT cấp xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn, các địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; công tác tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân được đẩy mạnh.

Tại Đại Lộc, tính đến cuối năm 2019 có 18/18 xã đã xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp trung tâm văn hóa xã, trang bị hoàn chỉnh các phương tiện máy móc phục vụ công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở.

Về nhà văn hóa - khu thể thao thôn, có 160/160 thôn đã xây dựng thiết chế văn hóa, trong đó có 103 thiết chế đạt chuẩn. Tổng nguồn kinh phí đầu tư là 35 tỷ đồng. Từ khi các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng, hoàn thiện, ở Đại Lộc cũng đã thành lập được 46 câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển, 115 CLB dưỡng sinh, 238 CLB văn nghệ thể thao…

Ông Phan Vân Trình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh Truyền hình huyện Đại Lộc, cho hay: “Phải thường xuyên kiện toàn bộ máy các trung tâm VH-TT cấp xã, phát huy tính tích cực các CLB bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… Từ đó, người dân có thể lựa chọn những môn thể thao nào mà mình yêu thích để tham gia”.

Nâng cao đời sống tinh thần

Bên cạnh những kết quả đạt được, ở nhiều nơi các thiết chế văn hóa cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn, hoạt động không thật hiệu quả, trong khi nguồn đầu tư xây dựng khá lớn. Ở nhiều địa phương, các trung tâm, các nhà văn hóa chủ yếu là để hội họp; chưa tạo được phong trào sâu rộng, thường xuyên. Nhiều địa phương còn gặp khó trong việc quy hoạch quỹ đất và huy động kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; kinh phí cho hoạt động văn hóa không được phân bổ đúng định mức quy định, việc bố trí cán bộ, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm và tổ chức các nội dung về học tập cộng đồng còn nhiều vướng mắc…

Sự ra đời các nhà văn hóa - khu thể thao thôn, các trung tâm VH-TT cấp xã đã đưa chất lượng hoạt động của các lĩnh vực này có bước phát triển. Ông Nguyễn Hồng Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), cho biết các thiết chế văn hóa ở địa phương được xây dựng khá hoàn thiện. Trung tâm VH-TT cấp xã gồm các hạng mục hội trường, phòng truyền thanh, thư viện, phòng hành chính với kinh phí đầu tư gần 2,8 tỷ đồng; 7/7 thôn có nhà văn hóa thôn và 7 sân bóng chuyền, cầu lông, 2 sân bóng đá.

“Về các hoạt động, xã cũng đã thành lập được các CLB đàn và hát bả trạo, dân ca bài chòi, CLB Võ thuật, CLB Dưỡng sinh, CLB Đua thuyền. Qua đó làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời góp phần tích cực quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương” - ông Nguyễn Hồng Lực nói.

Để tổ chức tốt các hoạt động trên lĩnh vực này nhiều nơi đã làm tốt công tác xã hội hóa, trong đó có xã Cẩm Thanh (TP.Hội An). Ông Bùi Minh Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, cho biết từ năm 2015 đến nay, ngoài nguồn kinh phí 240 triệu đồng từ ngân sách xã, các thôn ở Cẩm Thanh đã huy động dân đóng góp thêm 100 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa thôn. Mỗi đêm văn nghệ, giải thể thao hàng năm ở mỗi thôn trung bình cũng thu được 20 triệu đồng, từ đó có thêm nguồn kinh phí để trang trải các hoạt động...

Các trung tâm VH-TT cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao cấp thôn đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân địa phương. Qua việc duy trì hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở này, có nhiều bài học bổ ích đã được các địa phương đúc kết. Theo ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường (Đại Lộc), để các thiết chế văn hóa cơ sở phát huy tốt trước hết các cấp ủy Đảng chính quyền xã, thôn phải có sự quan tâm chỉ đạo thích đáng, phải có nhiều cách để tạo nguồn kinh phí hoạt động. Đặc biệt là yếu tố con người - cán bộ văn hóa phải có năng lực chuyên môn, năng động và phải nhiệt tình công tác.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát huy thiết chế văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO