Phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Nhìn từ nền tảng hạ tầng - Bài cuối: Động lực của giai đoạn mới

DIỄM LỆ - ALĂNG NGƯỚC 25/03/2022 08:23

Nghị quyết 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được khởi động trên địa bàn tỉnh, là một trong những động lực giúp đổi thay đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn mới, kế thừa và phát huy thành quả đạt được từ các chính sách đã đầu tư.

Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát một cây cầu vượt lũ được kiến nghị đầu tư theo Nghị quyết 88 của huyện Bắc Trà My. Ảnh: D.L
Đoàn công tác của UBND tỉnh khảo sát một cây cầu vượt lũ được kiến nghị đầu tư theo Nghị quyết 88 của huyện Bắc Trà My. Ảnh: D.L

Bức thiết nhu cầu tái định cư

Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, qua rà soát nhu cầu, khái toán kinh phí thực hiện các dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2022 - 2025, địa phương cần hơn 243 tỷ đồng để triển khai các dự án bức thiết hiện nay.

Theo ông Phương, quỹ đất ở Đông Giang để bố trí xen ghép rất hạn chế trong khi nhu cầu tách hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở cao khá lớn (khoảng 284 hộ). Do vậy, người dân mong muốn được bố trí vào khu tái định cư tập trung để ổn định cuộc sống. Nhưng qua đối chiếu khái toán chương trình, việc bố trí vốn xây dựng các khu tái định cư rất thấp (2 tỷ đồng/năm/huyện), không đáp ứng yêu cầu.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, Nghị quyết 88 với miền núi, vùng đồng bào DTTS là chính sách trụ cột, đóng vai trò “xương sống”, nòng cốt quyết định sự phát triển về mọi mặt của vùng miền núi tỉnh trong thời gian đến. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 88 đã bắt đầu được khởi động. Chương trình có 10 dự án thành phần, kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 2.900 tỷ đồng trong toàn tỉnh.

Ngoài ra, theo ông A Vô Tô Phương, mặc dù mục tiêu chương trình chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi khó khăn, nhưng hầu hết dự án, tiểu dự án đều có khoản đối ứng của nhân dân nên quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn…

Bên cạnh bố trí nguồn vốn để đầu tư các khu tái định cư tập trung nhằm đảm bảo thực hiện công tác giãn dân, tỉnh cần cho phép các địa phương lồng ghép nguồn vốn theo Nghị quyết 23 (về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công) và Nghị quyết 88 của Quốc hội để thực hiện hiệu quả sắp xếp dân cư miền núi.

Đồng thời bổ sung vốn cho chương trình giao thông nông thôn theo định mức mỗi xã 2 tỷ đồng/năm; mỗi thôn 300 triệu đồng/năm, giúp địa phương có nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án giao thông nông thôn.

Kỳ vọng vào chặng đường mới từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, các địa phương miền núi đang rà soát tổng lực nhu cầu bức thiết để có cơ sở hoàn thiện mục tiêu phát triển theo các nhóm dự án.

Ông Alăng Lênh - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tây Giang cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, nhu cầu nguồn vốn thực hiện các dự án của địa phương khoảng 411 tỷ đồng. Riêng năm 2022, nhu cầu triển khai dự án khoảng 81 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ phân bổ sắp xếp dân cư, làm đường giao thông, xây dựng hệ thống điện thắp sáng…

“Cũng như các địa phương miền núi khác, Tây Giang đang thiếu quỹ đất bố trí xây dựng nhà ở cho hơn 400 hộ dân mới phát sinh do địa hình phức tạp, đồi dốc lớn. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho hệ thống đường dân sinh, điện lưới khá lớn, trong khi nguồn thu địa phương eo hẹp, các khoản đối ứng sẽ không đảm bảo” - ông Lênh nói.

Đai diện Ban Dân tộc tỉnh cùng các địa phương miền núi khảo sát từng dự án hợp phần của Nghị quyết 88. Ảnh: D.L
Đai diện Ban Dân tộc tỉnh cùng các địa phương miền núi khảo sát từng dự án hợp phần của Nghị quyết 88. Ảnh: D.L

Tại các địa phương miền núi, nhu cầu tái định cư cho nhân dân đều bức thiết. Riêng huyện Phước Sơn kiến nghị chuyển đổi một số nguồn vốn từ các dự án khác sang dự án hỗ trợ nhà ở cho nhân dân để xen ghép hoặc tái định cư.

Còn đối với Nam Giang, ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Huyện sẽ lồng ghép nguồn thực hiện khu tái định cư thôn Công Tờ Rơn 1 tại xã La Dêê là khu tập trung trọng điểm của huyện với quy mô 90 hộ dân, nguồn lực đầu tư cần 36 tỷ đồng. Trong năm nay, huyện kiến nghị đầu tư khu tái định cư thôn Tà Đắc, xã Tà Bhing là 10 tỷ đồng từ nguồn Nghị quyết 88 lồng ghép với nguồn giảm nghèo. Tái định cư rất quan trọng, giúp nhân dân ổn định chỗ ở, phòng tránh thiên tai, ổn định sản xuất để giảm nghèo, phát triển kinh tế”.

Ưu tiên đầu tư vùng khó khăn

Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện quy trình, thủ tục liên quan đến quá trình triển khai Nghị quyết 88; cơ bản hoàn thiện các dự thảo đề án và nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình, sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại Kỳ họp lần thứ 6 dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới.

“Các địa phương miền núi khi thực hiện chương trình này, với nguồn lực trong khả năng có hạn, cần tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực địa phương, nguồn lực trong dân để thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu trên địa bàn miền núi tỉnh. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết 88 đã đề ra” - ông Giản nói.

Trước khi được Trung ương phân bổ nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 88, UBND tỉnh đã có chuyến khảo sát tất cả 6 huyện miền núi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đi kiểm tra một số dự án mà các huyện dự kiến thực hiện, gồm khu tái định cư, khu dân cư xen ghép, tuyến đường trọng điểm, trung tâm y tế.

Qua thực tế kiểm tra ở các huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, cần ưu tiên nhu cầu bức thiết nhất, đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dự án có sự liên kết vùng để tạo được động lực kích thích sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói: “Tỉnh đã dự lường nguồn vốn phân bổ của Trung ương để xác định danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư để chuẩn bị các phần việc cần thiết ngay từ ban đầu.

Việc đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc vừa đầu tư được ở vùng đặc biệt khó khăn, vừa đầu tư ở vùng trung tâm để tạo động lực kết nối, phát triển. Các ngành của tỉnh hướng dẫn các địa phương lồng ghép nguồn vốn theo quy định, đảm bảo hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Giao các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xem xét trên cơ sở mức nguồn ấn định của Trung ương, trước mắt sử dụng nguồn đối ứng của tỉnh để các huyện miền núi hoàn tất thủ tục hồ sơ, khi có nguồn Trung ương phân bổ thì bắt tay thực hiện ngay. Như vậy mới đảm bảo giải ngân được nguồn vốn đầu tư đúng tiến độ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Nhìn từ nền tảng hạ tầng - Bài cuối: Động lực của giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO