Quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư ở Nam Trà My: Tạo cơ hội thoát nghèo

ALĂNG NGƯỚC 12/09/2019 11:39

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam, đời sống của đồng bào huyện Nam Trà My đã có bước chuyển rõ nét, nhất là trong ổn định về nhà ở, gắn với công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05, Nam Trà My xây dựng nhiều khu tái định cư mới an toàn cho đồng bào địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05, Nam Trà My xây dựng nhiều khu tái định cư mới an toàn cho đồng bào địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, những năm qua, bên cạnh lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa, điểm nhấn là Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, việc bố trí, sắp xếp dân cư cho đồng bào địa phương còn mang nhiều dấu ấn từ Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Nhờ vậy, đã có hàng nghìn hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng được di dời khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở, giúp ổn cuộc sống lâu dài tại các khu định cư mới.

Giải pháp tránh sạt lở

Những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, huyện Nam Trà My còn tập trung nguồn lực xây dựng các khu tái định cư đảm bảo ổn định cuộc sống cho đồng bào địa phương. Theo đó, cùng với đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, người dân có vai trò chủ thể trong việc thực hiện sắp xếp ổn định dân cư mới trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo mọi quyền lợi về chính sách an cư. Ông Châu Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Trà Mai (Nam Trà My) cho hay, từ việc lồng ghép các chính sách theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đã giúp địa phương xóa dần các điểm đen về sạt lở, hình thành nên các khu tái định cư an toàn trên mặt bằng rộng lớn.

Như nóc Long Bok (thôn 3, xã Trà Mai), trước đây hàng chục hộ dân đều nằm trong diện bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở núi. Do điều kiện kinh tế của địa phương khó khăn nên suốt nhiều năm, người dân luôn sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ trước nguy cơ “họa núi đè”. Tháng 4.2019, từ nguồn ngân sách phân bổ của địa phương, xã Trà Mai đã tiến hành di dời và bố trí 50 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao ở nóc Long Bok về nơi ở mới an toàn. Đến thời điểm này, qua khảo sát, các hộ dân Long Bok cơ bản đã ổn định tâm lý, cùng giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. “Ngoài nóc Long Bok, từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã triển khai di dời, bố trí 2 điểm tái định cư mới cho người dân địa phương, kịp thời ngăn ngừa rủi ro từ nguy cơ sạt lở đất” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Không chỉ ở Trà Mai, nhiều năm nay, công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được triển khai ở nhiều thôn, nóc của các xã Trà Don, Trà Leng, Trà Cang… Qua đó góp phần hoàn thiện công tác di dời, đưa các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn.

Ổn định cuộc sống

Đề xuất hỗ trợ kinh phí thay thế vật liệu gỗ làm nhà

Liên quan đến những khó khăn trong việc tìm kiếm vật liệu để làm nhà cho người dân theo diện sắp xếp, bố trí dân cư, UBND huyện Nam Trà My kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí mua vật liệu thay thế vật liệu gỗ để làm nhà với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà. Bởi lâu nay, đồng bào miền núi chủ yếu lấy gỗ rừng để làm vật liệu dựng nhà, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, vật liệu gỗ xuống cấp, khi tháo dỡ di chuyển thì bị hư hỏng nặng không thể tái sử dụng được, trong khi hiện nay Chính phủ đang có chủ trương nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác gỗ trong rừng tự nhiên.

Theo số liệu báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My về kết quả 3 năm (2017 - 2019) triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, đến nay, địa phương đã tổ chức di dời, bố trí cho hơn 1.422 hộ ổn định về nhà ở tại 26 điểm tái định cư. Trong đó, có 1.052 hộ theo diện bố trí tập trung và 370 hộ xen ghép, chủ yếu là các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Để người dân ổn định cuộc sống nơi ở mới, ngoài trực tiếp đầu tư xây dựng các hạng mục về nước sinh hoạt, điện thắp sáng, chính quyền địa phương còn tập trung hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ cách làm này, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm 8,93%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70,89% (năm 2016) xuống còn 45,88% vào cuối năm 2018.

Ông Hồ Quang Bửu cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, với nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần rút ngắn tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Đến nay, bên cạnh tập trung đầu tư, nâng cấp vườn ươm giống cây dược liệu và lâm nghiệp tại thôn 3 (xã Trà Nam) để cung cấp giống cây trồng cho người dân, địa phương còn lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ hơn 69 ha/570 hộ trồng sa nhân tím và đảng sâm; đồng thời mở rộng 428ha/390 hộ trồng cây quế Trà My, hỗ trợ 570 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững. “Riêng về sâm Ngọc Linh, từ Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025, đã hỗ trợ hơn 11.500 cây sâm giống đạt chất lượng. Ngoài ra, từ phương án phát triển sản xuất cũng đã hỗ trợ gần 12.000 cây và nhân dân tự trồng khoảng 100.000 - 120.000 cây” - ông Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư ở Nam Trà My: Tạo cơ hội thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO