Sắp xếp, bố trí dân cư miền núi: Điểm nhìn từ Nam Trà My (bài cuối)

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 24/10/2019 11:07

Sau chặng đường 3 năm triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp, bố trí dân cư cho đồng bào miền núi, huyện Nam Trà My rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết khó khăn từ thực tiễn. 

Huyện Nam Trà My rút ra kinh nghiệm trong việc hạn chế đưa cơ giới vào thực hiện mặt bằng tái định cư sẽ tránh được nguy cơ sạt lở. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Huyện Nam Trà My rút ra kinh nghiệm trong việc hạn chế đưa cơ giới vào thực hiện mặt bằng tái định cư sẽ tránh được nguy cơ sạt lở. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Giải quyết thách thức về mặt bằng

Phải công nhận một điều, bất lợi đầu tiên và lớn nhất đối với Nam Trà My trong việc triển khai sắp xếp, bố trí dân cư cho đồng bào miền núi chính là không gian mặt bằng mới. Với độ cao trung bình 800m so với mực nước biển, địa hình Nam Trà My chủ yếu là đồi núi hiểm trở, việc hình thành nên một mặt bằng dân cư bằng phẳng là rất khó khả thi. Vì thế, đòi hỏi chính quyền địa phương phải linh hoạt bằng những phương án cụ thể và thiết thực, nhằm vừa đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở đất, vừa giải quyết được bài toán an cư theo chủ trương của tỉnh.

Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, trước những khó khăn về mặt bằng dân cư, chính quyền địa phương tham vấn xây dựng các phương án sắp xếp, bố trí dân cư theo hướng “tái thiết làng” vùng cao, hạn chế thấp nhất không gian tự nhiên bị phá vỡ do tác động của các dự án. Thực tế ở Nam Trà My, địa hình bằng phẳng rất khan hiếm, việc sắp xếp lại toàn bộ các điểm dân cư trở nên rất cần thiết, phù hợp với tập quán lâu nay của đồng bào. Trong đó, người dân luôn được xác định là chủ thể trong việc chọn lựa địa điểm tái định cư phù hợp theo nguyện vọng của làng, nhằm phát huy tối đa sức mạnh cộng đồng vào cuộc chỉnh trang không gian sống của đồng bào vùng cao. Đây được xem là bài học kinh nghiệm của Nam Trà My trong công tác bố trí, sắp xếp dân cư theo tinh thần Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. “Theo chủ trương chung của huyện, chúng tôi quy hoạch toàn bộ tuyến đường về các địa bàn dân cư, đồng thời đưa người dân đến sinh sống dọc theo tuyến đường này, vừa tiết kiệm được ngân sách đầu tư của Nhà nước, vừa giải quyết được bài toán khó về mặt bằng dân cư mới, đáp ứng với nhu cầu cấp thiết của đồng bào địa phương” - ông Hải cho biết.

Vợ chồng người Ca Dong ở nóc Loong Póc kể lại câu chuyện “nếp sống cũ” ở làng mới. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Vợ chồng người Ca Dong ở nóc Loong Póc kể lại câu chuyện “nếp sống cũ” ở làng mới. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Phát huy vai trò hoạch định dự án một cách đồng bộ, đến nay Nam Trà My đã cơ bản giải quyết xong câu chuyện thách thức về mặt bằng, giúp ổn định dân cư cho hàng nghìn hộ đồng bào địa phương theo hướng bền vững. Tuy nhiên, khó khăn mới phát sinh đối với các hộ dân theo diện sắp xếp, bố trí dân cư hiện nay chính là việc tìm kiếm vật liệu thay thế để làm nhà. Bởi lâu nay, đồng bào miền núi chủ yếu lấy gỗ rừng để làm vật liệu dựng nhà, ổn định cuộc sống. Nhưng, sau thời gian sử dụng, vật liệu gỗ xuống cấp, khi tháo dỡ di chuyển thì bị hư hỏng nặng không thể tái sử dụng, trong khi hiện nay Chính phủ đang có chủ trương nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác gỗ rừng tự nhiên. Vì thế, UBND huyện Nam Trà My kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí mua vật liệu thay thế vật liệu gỗ để làm nhà với mức 40 triệu đồng/nhà, giúp đồng bào ổn định cuộc sống lâu dài.

Không tác động cơ giới

Năm 2017, huyện Nam Trà My triển khai sắp xếp 15 khu dân cư mới, với tổng nhu cầu kinh phí hơn 36 tỷ đồng; trong đó, thực hiện các chính sách theo cơ chế của tỉnh số tiền hơn 33,6 tỷ đồng, huyện hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng. Năm 2018 huyện sắp xếp 12 khu dân cư và tiếp tục thực hiện 15 khu của kế hoạch năm 2017 với tổng nhu cầu kinh phí hơn 52,8 tỷ đồng; trong đó tỉnh cấp 50 tỷ đồng, cơ chế của huyện hơn 2,4 tỷ đồng. Năm 2019, Nam Trà My có thêm 10 khu dân cư mới, tiếp tục thực hiện 12 khu của năm 2018 với tổng nhu cầu kinh phí hơn 46,7 tỷ đồng; trong đó tỉnh hỗ trợ hơn 45 tỷ đồng, huyện hỗ trợ theo cơ chế 1,2 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, nhân dân trên địa bàn tình nguyện hiến đất đai, hoa màu, ngày công… với tổng kinh phí ước tính bằng 50 - 60% kinh phí Nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, Nam Trà My đang tiếp tục phê duyệt 10 khu dân cư mới trên địa bàn 10 xã để tiếp tục triển khai thực hiện.

Việc thực hiện sắp xếp dân cư không chỉ giúp ổn định chỗ ở mà còn hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bằng các chính sách hỗ trợ, mô hình kinh tế phù hợp; qua đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của huyện. Từ 4.744 hộ nghèo vào đầu năm 2016 (70,89%) Nam Trà My giảm còn 3.326 hộ nghèo vào cuối năm 2018 (còn 45,88%).

Nhận thấy những hiểm họa từ nạn sạt lở đất tại các khu dân cư miền núi, những năm gần đây, bên cạnh tập trung công tác rà soát quy hoạch toàn bộ địa điểm có nguy cơ sạt lở cao, Nam Trà My cũng đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án sắp xếp, bố trí dân cư miền núi. Sau sự cố sạt lở đất kinh hoàng xảy ra với đồng bào Khe Chữ (xã Trà Vân) vào cuối năm 2017, công tác di dời, sắp xếp dân cư càng được khẩn trương thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân.

Ông Hồ Vũ Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh tâm sự, ở các điểm dân cư tại địa phương, đa số mặt bằng nhà ở được hoàn thiện nhờ công sức huy động của cộng đồng làng. Trên mỗi nền đất của từng hộ dân, không có sự can thiệp của phương tiện cơ giới, nhằm giúp kết cấu đất luôn được giữ vững. Điều đó, hoàn toàn phù hợp với tập quán sinh sống lâu đời theo kiến trúc làng của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, đảm bảo các yếu tố tự nhiên vốn có. “Tại các điểm dân cư này, chúng tôi khuyến khích người dân hình thành các khu chăn nuôi riêng biệt, cách xa khu vực dân cư, đồng thời xây dựng hệ thống hàng rào, cổng ngõ chắc chắc nhằm ngăn gia súc quấy phá, phóng uế gây ô nhiễm môi trường sống” - ông Tuấn chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Trần Văn Mẫn cho biết, chủ trương của huyện trong việc sắp xếp, bố trí dân cư miền núi là không khuyến khích tác động cơ giới. Bởi địa hình đất đai ở Nam Trà My chủ yếu là đồi dốc, việc đưa cơ giới vào sẽ làm phá vỡ không gian tự nhiên, khiến nguy cơ sạt lở rất cao. Thay vì đưa cơ giới, chính quyền địa phương đã vận động người dân giúp nhau đổi công đào san lấp đất vừa đủ diện tích theo quy chuẩn phù hợp để dựng nhà, cùng sân vườn và một số hạng mục cần thiết khác. Khi kết cấu đất không bị phá vỡ quá nhiều sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng sạt lở đất, đây được xem như một giải pháp an toàn và hữu hiệu tại các khu định cư miền núi. “Theo định hướng của huyện, bên cạnh ưu tiên chỉnh trang tại chỗ, mỗi khu định cư phải đảm bảo các tiêu chí, bao gồm về nước sinh hoạt, điện thắp sáng, đường nông thôn, nhà vệ sinh… hướng đến hình thành các khu tái định cư kiểu mẫu an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng gắn việc sắp xếp, bố trí dân cư với phát triển sản xuất, trong đó lấy mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng làm kinh tế trọng điểm theo định hướng chung của tỉnh, vừa giữ môi trường rừng tự nhiên, vừa nâng cao hiệu quả giảm nghèo cho đồng bào miền núi” - ông Mẫn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp, bố trí dân cư miền núi: Điểm nhìn từ Nam Trà My (bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO