Sắp xếp dân cư ở huyện Phước Sơn: Thiếu đất và hạ tầng thiết yếu

TRẦN HỮU 14/08/2019 15:13

Khi phát triển đời sống xã hội ở miền núi, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đặc biệt lưu tâm đến thực hiện dự án bố trí sắp xếp ổn định nơi ăn chốn ở mới sau khi sơ tán dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, huyện Phước Sơn đang triển khai dự án này chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Vùng đất tái định cư ở thôn 4 xã Phước Hiệp, bố trí đất ở cho dân vùng sạt lở dọc sông Trường.Ảnh: T.H
Vùng đất tái định cư ở thôn 4 xã Phước Hiệp, bố trí đất ở cho dân vùng sạt lở dọc sông Trường.Ảnh: T.H

Thiếu thốn nơi ở mới

Là đối tượng có nhà ở nằm dọc sông Trường thường xuyên bị đe dọa sạt lở đất, gia đình bà Hồ Thị Vân (thôn 4, xã Phước Hiệp) đã được bố trí tái định cư (TĐC) ở thôn 4, sau khi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 hỗ trợ 20 triệu đồng. Tháng 8.2018, gia đình bà xây dựng nhà ở bán kiên cố.

Theo bà Vân, chuyển lên vùng đất mới sinh sống có gần 10 hộ dân, tất cả đều chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ đóng giếng nước sinh hoạt và tiền điện. “Điện chiếu sáng gia đình đang sử dụng là xin bắt nhờ từ nhà của làng cũ, chứ Nhà nước chưa đầu tư đường dây điện trực tiếp kéo về cho dân TĐC. Nguồn nước hiện cũng không đủ phục vụ sinh hoạt hàng ngày” – bà Vân nói.

Vùng sạt lở đất nghiêm trọng tại địa bàn xã Phước Hiệp tập trung ở các hộ dân sống dọc sông Trường. Các đợt lũ quét mấy năm trước đã làm sụp đổ hàng chục ngôi nhà, xóa sổ nhiều diện tích đất của người dân. Năm ngoái, 13 hộ dân ở thôn 4 cũ của xã Phước Hiệp đồng loạt sơ tán sau khi sông Trường bị sạt lở nặng. Hiện vẫn còn dấu vết của hiện trạng nền đất, tường nhà cũ đổ sụp hoang tàn sau thảm họa thiên tai.

Từng chứng kiến dòng sông Trường đánh sập nhà cửa người dân, ông Hồ Văn Lai (thôn 1, xã Phước Hiệp) cho biết, người dân bất an mỗi khi xảy ra lũ quét, lũ ống. Bờ kè sông Trường bây giờ đã xây dựng kiên cố, người dân địa phương bớt lo hơn, nhưng nếu Nhà nước có đủ nguồn kinh phí thì lâu dài nên sơ tán toàn bộ dân sống dọc sông Trường theo các chương trình, dự án di dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn – ông Nguyễn Quảng cho hay, nhiều nơi địa phương tìm được quỹ đất ở thì lại xa nơi sản xuất, đồng bào chật vật tìm kế sinh nhai; trong khi đó ở vùng cao việc đầu tư san lấp mặt bằng bố trí TĐC tập trung tốn một nguồn lực không nhỏ. Nhiều khu TĐC chưa có hệ thống điện thắp sáng, đường giao thông nội bộ, còn người dân thì chưa nhận được khoản hỗ trợ đất sản xuất.

Nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của UBND huyện Phước Sơn, tính đến ngày 31.12.2018, địa phương nghiệm thu được 422 hộ thuộc 11 xã. Trong đó bố trí theo hình thức xen ghép 319 hộ, tập trung 103 hộ. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ sắp xếp dân cư gần 18 tỷ đồng.

Nghị quyết 12, ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ cho chính quyền các địa phương miền núi sắp xếp dân cư ổn định nhưng có thời điểm năm 2018, hạng mục hỗ trợ đất ở nhiều xã của huyện Phước Sơn không giải ngân được do không có quỹ đất. Theo quy định, diện tích đất ở bố trí cho mỗi hộ tối thiểu 200m2, nhưng ở các xã như Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc phần lớn không đủ diện tích đất bố trí.

Về vướng mắc triển khai Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Quảng cho rằng, thiếu mặt bằng đất ở, vùng núi cao có độ dốc lớn, địa chất – địa hình phức tạp… là các nguyên nhân gây cản trở tiến độ sắp xếp dân cư. Bên cạnh đó, phong tục tập quán sinh sống của đồng bào cũng ảnh hưởng đến quy hoạch bố trí, như vùng đất có chôn người chết, nơi sét đánh, đất ở cũ… thì không làm nhà ở.

Năm 2018 chính quyền địa phương hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để bố trí sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh tại khu dân cư thôn Lao Mưng (xã Phước Xuân) là 17 hộ; thôn 2 (xã Phước Hòa) 21 hộ; thôn Trà Văn B (xã Phước Kim) 27 hộ với kinh phí thực hiện 678 triệu đồng. Trong năm 2019, theo kế hoạch, Phước Sơn sắp xếp 342 hộ (gồm 257 hộ xen ghép; 85 hộ ổn định tại chỗ). Trong đó, 58 đối tượng di dời do ảnh hưởng thiên tai; 199 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn bức xúc về chỗ ở; 85 hộ chỉnh trang tại chỗ do chia sẻ đất ở.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 7.2019, địa phương này chỉ mới nghiệm thu giải ngân gần 600 triệu đồng/10 tỷ đồng cho 55 hộ trên địa bàn huyện (Phước Công 7 hộ, Phước Lộc 12 hộ, Phước Thành 25 hộ, Phước Chánh 11 hộ). Ông Quảng thông tin thêm, đa số đối tượng sơ tán là hộ nghèo, nhà ở đã hư hỏng, không có gỗ làm nhà mới khi di dời. Thêm vào đó, việc khảo sát, chọn đối tượng còn sai sót, phải điều chỉnh nhiều lần nên tiến độ thực hiện kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp dân cư ở huyện Phước Sơn: Thiếu đất và hạ tầng thiết yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO