Tất bật làng nghề dịp tết

KHÁNH LINH 17/01/2020 12:31

Những ngày này, dạo quanh một số làng nghề Điện Bàn, đến đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng tất bật. Dường như tất cả đang chạy đua với thời gian khi tết đang đền gần.

Các làng nghề ở Điện Bàn tất bật ngày cuối năm. Ảnh: K.L
Các làng nghề ở Điện Bàn tất bật ngày cuối năm. Ảnh: K.L

1. Hơn tháng nay, bà Trần Thị Thuận, khối phố Hà Quảng Gia, phường Điện Dương suốt ngày cứ lui cui bên mấy chum mắm của mình. Từ đầu tháng Chạp, điện thoại từ khắp nơi đã tới tấp gọi về đặt hàng. Bình quân mỗi ngày cơ cở bà Thuận xuất ra thị trường hơn 100 lít nước mắm loại 1, với mức giá bán sỉ 50 - 60 nghìn đồng/lít.

“Từ ngày cơ sở nước mắm của tôi được đăng ký sản phẩm OCOP, lượng hàng tiêu thụ tăng đột biến, nếu so với năm ngoái năm nay cơ sở tôi bán gần gấp đôi. Riêng tháng Chạp này tăng đột biến, mắm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu” - bà Thuận nói.

Trong nhà bà Thuận lúc nào cũng có hơn 50 chum muối cá. Sản phẩm mắm bà Thuận không chỉ nổi tiếng ở Điện Bàn mà còn được khách hàng các vùng lân cận như Hội An, Đà Nẵng… biết đến bởi độ thơm ngon, mặn mòi.

Làng nước mắm Hà Quảng, Điện Dương nổi tiếng hàng trăm năm qua, tuy nay đã được tách ra thành 4 thôn gồm Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây, Hà Quảng Bắc và Hà Quảng Gia, số hộ làm mắm cũng không còn nhiều như trước nhưng nước mắm làng nghề không vì thế mai một.

Những ngày này, ngang qua làng nghe trong không khí dậy thơm mùi của mắm. Không chỉ nước mắm, năm nay các mặt hàng như mắm cái, mắm ruốc cũng được khách hàng đặt mua nhiều.

Ông Phùng Tấn Sang (ở khối Hà Quảng Gia) cho biết, mắm Hà Quảng ngon do được làm duy nhất từ cá cơm than nhỏ, không chất phụ gia nên có màu đỏ thẫm dịu và thơm ngon.

2. Được xem là mảnh đất “trăm nghề”, xã Điện Phương không chỉ nổi tiếng với mỳ Quảng Phú Chiêm hay các làng nghề Đông Khương, mà còn được biết đế với “thương hiệu” bánh tráng đặc trưng. Hiện toàn xã có khoảng 130 hộ làm nghề, chủ yếu tập trung tại các thôn Triêm Đông.

Tranh thủ những ngày nắng cuối tháng Chạp, cả làng mang bánh tráng ra phơi. Bà Nguyễn Thị Tuyết (ở thôn Triêm Đông 2) cho hay, so với mọi năm, lượng bánh tráng năm nay bán tăng gấp đôi, gấp ba, khách hàng cũng phong phú hơn.

“Từ tháng 8 tôi đã có khách đặt bánh rồi, qua tháng Chạp thì không dám nhận nữa vì làm không kịp. Tùy yêu cầu, chất lượng bánh mà giá bán có thể dao động từ 30 - 50 nghìn đồng” - bà Tuyết nói.

Theo các cụ cao niên, nghề bánh tráng Phú Triêm xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từ vài năm trước, bánh tráng Điện Phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu sản phẩm độc quyền.

Đặc biệt, từ 2 năm nay Câu lạc bộ Bánh tráng Điện Phương với 23 thành viên đã được thành lập nhằm tương trợ giúp nhau cùng phát triển, qua đó giúp sản phẩm làng nghề được nhiều người biết đến hơn.

Bà Lương Thị Thương (ở thôn Triêm Đông 2) chia sẻ, dù hiện tại làng có thêm nhiều loại bánh tráng mới như bánh vuông, bánh tráng trắng… nhưng bánh tráng Triêm Đông vẫn khẳng định được thương hiệu nên không bao giờ sợ ế hàng.

Khác với các hộ làm nghề trong làng, lò bánh bà Thương chủ yếu làm bánh tráng nhúng đỏ (gạo lứt), bánh làm ra không đủ bán, phần khách hàng đặt nhiều, phần không có người làm do bánh chủ yếu làm thủ công nên bà Thương nhận hàng rất dè dặt.

Với giá bán trung bình một trăm bánh khoảng 60 nghìn đồng, dù không phải nhiều nhưng ở vùng quê như Triêm Đông số tiền trên cũng hứa hẹn mang đến cho bà Thương và những hộ làm nghề trong làng một cái tết đầm ấm sum vầy sau một năm tất tả làm nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tất bật làng nghề dịp tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO