Tết sau cơn lũ dữ

ALĂNG NGƯỚC 13/02/2021 04:48

(Xuân Tân Sửu) - Vượt qua những khó khăn sau bão lũ, đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã bắt đầu cuộc sống mới. Những ngày cuối năm, nhiều người tất bật với kế mưu sinh để có thể sắm sửa, đón một cái tết ấm cúng, đủ đầy.

Phụ nữ Tây Giang dệt thổ cẩm, chuẩn bị cho hội tết chung của làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phụ nữ Tây Giang dệt thổ cẩm, chuẩn bị cho hội tết chung của làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Tết mà, phải vui chứ!”

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, ngoài triển khai hỗ trợ nhà ở cho 279 hộ bị thiệt hại nặng do thiên tai vừa qua, địa phương đang san ủi mặt bằng, bố trí dân cư tại 2 điểm thôn Voòng (xã Tr’hy) và Ganil (A Xan). Ngoài ra, hỗ trợ 15 tấn lúa giống phục vụ sản xuất vụ đông xuân cùng 1,5 tấn bắp, rau màu cho vụ đông và cải tạo nhiều diện tích ruộng bị vùi lấp...

Tết đã sát bên hiên nhà. Tranh thủ sau đợt xuống giống mùa rẫy mới, ông Abing Trái (người dân thôn Ahu, xã A Tiêng) chăm chỉ ngồi vót từng sợi mây rừng, gấp rút thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện chiếc gùi bán cho khách. Mỗi chiếc gùi, ông bán với giá khoảng 800 nghìn đồng.

Kể từ sau đợt lũ xảy ra vào cuối tháng 10.2020, ông Trái đan tất thảy 4 chiếc gùi để bán, góp thêm chút tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ông Trái nói, căn nhà bếp bị hư hại sau cơn lũ đã được dựng lên từ kinh phí hỗ trợ của chính quyền địa phương và công sức đóng góp của bà con hàng xóm. Vì thế, cuộc sống gia đình ông đã tạm ổn định. Nhiều thứ cũng được dọn dẹp, sửa sang đâu vào đấy.

Phía trước căn nhà của những hộ dân ở Ahu, từng luống rau cũng bắt đầu lên xanh, góp thêm cho hương vị ngày tết. “Mấy ngày nay, vợ chồng tôi cùng dân làng đẩy nhanh tiến độ triển khai vụ mùa mới. Bà con giúp nhau đổi công cải tạo một số cánh đồng lúa nước đã bị vùi lấp và hỗ trợ lúa giống để gieo hạt. Như mọi năm, ngày tết, cả dân làng đều tổ chức ăn chung theo phong tục truyền thống. Năm nay, dù điều kiện khó hơn trước nhưng tết chung vẫn sẽ diễn ra để bà con được vui” - ông Trái chia sẻ.

Chừng như, tết mang đến rất nhiều niềm mong cho bà con miền núi. Vì thế, dù khó khăn đến mấy họ vẫn chờ đợi khoảnh khắc giao mùa, để cùng cầu may, chúc phúc. “Tết mà, phải vui chứ!”, câu nói của ông Trái trong lần gặp mới đây như xua tan không gian rét buốt ở miền rừng.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, để đảm bảo điều kiện hỗ trợ người dân đón tết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả mưa lũ. Bên cạnh huy động lực lượng tổ chức di dời nhà cửa, sơ tán người dân đến vị trí an toàn, chính quyền địa phương còn bố trí nhà ở tạm và kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ dân bị ảnh hưởng. Tây Giang cũng tập trung khắc phục hệ thống đường sá, cầu cống và tăng gia sản xuất, đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp bà con đón một cái tết yên vui, an toàn. 

Chờ cuộc sống mới

Gian khó đang dần vơi. Nhiều hộ dân ở Tây Giang đã bắt đầu cuộc sống mới. Nhiều căn nhà được sửa sang, xây mới với sự giúp sức của chính quyền và cộng đồng, xã hội. Chỉ còn vài ngày nữa là hoàn thiện căn nhà, vợ chồng Bh’nướch Dăm (ở thôn Cr’toonh, xã A Vương) nói, thực sự không nghĩ năm nay sẽ đón tết trong căn nhà mới. Bởi, sau cơn lũ dữ vừa qua, căn nhà của gia đình đã bị sụp đổ hoàn toàn. Nơi cũ nằm trong vùng xung yếu nên không thể tiếp tục ở nữa. May mắn với vợ chồng Bh’nướch Dăm, khu vực đất được chọn làm nhà mới, cách đây vài năm được chính quyền địa phương bố trí trên mặt bằng tái định cư của làng. Vì thế, gia đình anh Dăm được giải quyết đất ở nhanh chóng.

Sau mưa lũ, người dân ở Tây Giang tu sửa lại nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sau mưa lũ, người dân ở Tây Giang tu sửa lại nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chị Pơloong Thị Nguyệt (vợ Bh’nướch Dăm) kể, hồi vận chuyển sườn nhà để dựng mới, cũng nhờ bà con trong làng đến giúp. Rồi cũng chính họ nhiều ngày hỗ trợ công cán thực hiện việc ban đất, tạo mặt bằng như bây giờ. “Nếu không có dân làng, tết năm nay, chắc phải ở tạm nhà cũ” - chị Nguyệt chỉ tay về phía ngôi nhà đang sắp sửa hoàn thành của gia đình, nói trong niềm vui.

Toàn bộ kinh phí xây nhà được vợ chồng vay mượn từ hàng xóm, cộng với số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. Nhiều ngày qua, vợ chồng chị Nguyệt tranh thủ bốc vác keo thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống, cũng như dành chút ít cho việc sắm sửa tết.

Ông Bh’nướch Mốp - Trưởng thôn Cr’toonh cho hay, đợt mưa lũ vừa qua có 8 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng nặng, nhiều tài sản trôi sông. Trong đó, có 3 hộ nhà cửa bị sập đổ hoàn toàn. Sau lũ, người dân bắt tay vào việc “tái thiết”, dọn dẹp nhà cửa, phục hồi các mô hình kinh tế bị hư hại. Nhiều gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng nặng, ngoài hỗ trợ về tinh thần, bà con còn giúp từng lon gạo, chia sẻ từng bộ áo quần, cùng nhau vượt qua gian khó.

“Mọi năm đến tết, những hộ khó khăn đều được bà con góp gạo và nhường các suất quà hỗ trợ tết từ nhà hảo tâm để giúp họ có điều kiện đón năm mới” - ông Mốp nói.

Nhìn trên từng mái nhà vùng cao, hương tết đã bắt đầu thơm mùi khói. Trên giàn bếp, những con sóc, con chuột đã được chuẩn bị, chờ đón khách ghé thăm.

Ấm tình xuân biên giới

Trung tá Hoàng Thanh Hà - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang) cho biết, thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ công sức giúp đồng bào 2 xã Ch’Ơm và Ga Ry khắc phục hậu quả mưa lũ, đơn vị còn thực hiện nhiều hoạt động khôi phục sản xuất, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, tạo điều kiện để người dân đón tết cổ truyền. Theo đó, bằng nguồn kết nối từ các nhà hảo tâm, Đồn Biên phòng Ga Ry đã hỗ trợ 20 tấn gạo, kịp thời phân phát cho người dân ổn định cuộc sống trong những ngày giáp hạt. Đồng thời huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, góp công xây dựng cổng chào tại thôn Pứt (xã Ga Ry) và triển khai lắp đặt điện năng lượng mặt trời từ Đồn Biên phòng đến UBND xã Ga Ry, giúp địa phương thắp sáng đường quê, vừa tạo điều kiện để bà con vui xuân đón tết, vừa giảm thiểu tai nạn giao thông, kiểm soát tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới.

“Ngoài ra, dịp tết năm nay, lần đầu tiên chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” được tổ chức tại biên giới Tây Giang, giúp bà con có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và đón một cái tết vui tươi, ấm áp sau đợt dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ hoành hành vừa qua” - Trung tá Hoàng Thanh Hà cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tết sau cơn lũ dữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO