Thương nhớ cánh đồng

TÂY BÌNH 23/01/2022 06:49

Còn nhớ, ngày 27.10.2015, tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản, Tổ chức Định cư con người Liệp hiệp quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) đã trao tặng giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015” cho TP.Tam Kỳ. 

Phố thành sông trong mùa mưa.Ảnh: T.B
Phố thành sông trong mùa mưa.Ảnh: T.B

Giải thưởng này được thành lập vào năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên hiệp quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Định cư châu Á, Tổ chức Thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm Nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka (Nhật Bản), mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á. Có 9 thành phố của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và vùng Đông Nam Á nhận giải thưởng danh giá này.

Đến nay, trải qua 6 năm phát triển, đô thị Tam Kỳ đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Hệ thống giao thông được khớp nối và đang dần hoàn thiện. Nhiều khu dân cư hiện đại mọc lên. Những ai ngang qua khu phố ven sông không khỏi trầm trồ. Bởi ở đó, phố bày biện ra một lát cắt sang trọng. Hệ thống công viên, cây xanh cũng đã góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị này.

Từ phía cầu Nguyễn Văn Trỗi có thể bao quát một phần phố thị mở về phía bắc. Khu vực này trước đây là ruộng đồng thẳng cánh cò bay với dòng Bàn Thạch vắt ngang duyên dáng. Nay phố soi bóng sông mà nhớ bóng chim ngày cũ. Rồi vài năm trở lại đây, thời tiết thất thường, phố thành sông sau mấy bận mưa dữ liên miên.

Dân phố thị có nơi nhấp nhổm với thông tin hồ Phú Ninh xả lũ. Kiểu gì nước cũng vào nhà sau một đêm thức giấc. Câu chuyện chống ngập cho đô thị được xới lên. Mới đây nhất, vào cuối tháng 11.2021, UBND tỉnh phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận” đã nhận diện đô thị bất lợi trong thoát lũ.

Theo các chuyên gia, xét về yếu tố tự nhiên, hướng thoát lũ của sông Trường Giang, Bàn Thạch rất bất lợi do địa hình thu và thoát nước lưu vực sông có hình lòng chảo thấp dần theo hướng Bắc - Nam. Còn theo các nhà chức trách, hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ, các dự án mọc lên cũng là rào cản gây ngập lụt Tam Kỳ.

Giải pháp “trị thủy” cho phố là bài toán không hề dễ dàng. Mới thấy, đạt được danh hiệu đã khó, làm sao để phát triển bền vững cần tầm nhìn và chiến lược dài hơi. Phố đã vươn tỏa đến ruộng đồng. Chừng như tiếng thở dài của cụ Tú Xương trong “Sông Lấp” vọng đâu đây:

“Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương nhớ cánh đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO