Tìm hướng giảm nghèo cho miền núi - Bài 1: Không dễ thoát nghèo bằng chính sách

DIỄM LỆ - ALĂNG NGƯỚC 13/04/2021 09:38

Ngày 27.4.2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02 về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. 5 năm qua, cùng với các cơ chế, chương trình của trung ương, chính sách này đã tác động tích cực, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn so với cả nước (năm 2020 Quảng Nam còn 5,23%, cả nước còn 2,84%). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh “bị kéo” cao bởi khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn còn đến 18,09% số hộ nghèo. Vì vậy, khu vực này cần nguồn lực lớn hơn nữa để thực hiện đạt kết quả mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

BÀI 1: KHÔNG DỄ THOÁT NGHÈO BẰNG CHÍNH SÁCH

Đối với các xã miền núi cao của tỉnh, chính sách từ Nghị quyết 02 là nguồn lực chính để tác động giảm nghèo, nhưng vẫn còn lắm cản trở trên con đường thoát nghèo bền vững ở những xã khó khăn.

Sinh kế xuất phát từ người dân

Trong 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 39,51% (đầu năm 2016 tỷ lệ nghèo là 67,06%, cuối năm 2020 tỷ lệ nghèo là 27,55% tương ứng với còn 216 hộ nghèo) là con số mà xã Trà Nam, huyện Nam Trà My đạt được bằng tất cả nỗ lực. Để có kết quả này, ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch UBND xã Trà Nam khẳng định, sự trợ sức tổng lực từ các chính sách của trung ương, tỉnh và huyện về giảm nghèo là hết sức cần thiết. Nhưng điều quan trọng là nguồn lực từ chính sách đã được lồng ghép hiệu quả, đặc biệt là chính sách hỗ trợ sinh kế xuất phát từ nhân dân nên phát huy tác dụng giảm nghèo.

Ông Phương cho biết, các Nghị quyết 02, 05 của Tỉnh ủy được Huyện ủy triển khai đã đến được với nhân dân. Ngoài các công trình điện đường trường trạm được đầu tư, người dân xã Trà Nam qua nhiều năm đã thay đổi tư duy, tự vươn lên thoát nghèo bằng cách trồng các loại dược liệu, chăn nuôi. Muốn giảm nghèo ở miền núi trước hết phải thay đổi tư duy. Khi người dân tự biết làm ăn mới thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Nhà nước chỉ hỗ trợ, người dân là chủ thể, thế nên việc hỗ trợ sau đầu tư cho người dân như cách làm của huyện đã mang lại hiệu quả tích cực trong giảm nghèo.

Xã Trà Nam đã phân loại hộ nghèo, xác định danh sách hộ được hỗ trợ sinh kế, theo đó người dân tự mua giống về trồng, nuôi, cây con sống thì mới được Nhà nước nghiệm thu hỗ trợ tiền. Từ đó tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của người dân, ý thức tự làm để thoát nghèo.

Miền núi thời gian qua được đầu tư nhiều nhưng vẫn còn khó khăn trong giảm nghèo. Ảnh: L.N
Miền núi thời gian qua được đầu tư nhiều nhưng vẫn còn khó khăn trong giảm nghèo. Ảnh: L.N

Cũng với cách làm trên, ông Phạm Xuân Vân - Chủ tịch UBND xã Ba (Đông Giang) cho hay, đến thời điểm này tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn khoảng hơn 6,7%. Thu nhập thường là bài toán khó ở miền núi, đã được giải quyết bằng nội lực của chính quyền và người dân địa phương. Để khuyến khích người dân nỗ lực phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, bên cạnh công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương còn hỗ trợ kết nối và huy động hiệu quả nguồn lực vốn vay. Các đơn vị như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân được giao nhiệm vụ liên kết hỗ trợ nguồn vốn mở rộng sinh kế, khuyến khích hội viên đăng ký thoát nghèo bền vững.

“Hằng năm, chúng tôi khuyến khích các hộ dân đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. Đây là những hộ có quyết tâm làm ăn, có đất sản xuất, mong muốn được hỗ trợ để thoát nghèo. Bắt đầu từ việc trồng keo, kết hợp chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả, bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã dần thoát khỏi nghèo khó, trở thành điển hình của địa phương. Toàn xã chỉ còn 86 hộ nghèo, chủ yếu là hộ già không còn khả năng lao động, thiếu đất sản xuất” - ông Vân cho biết.

Chưa định hình hướng đi

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hơn 10 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh đã bố trí 385 tỷ đồng cho 9 huyện miền núi thực hiện sắp xếp dân cư. Đến ngày 31.12.2020, có 6.905 hộ tham gia sắp xếp di dời chỗ ở; 42 hộ tham gia thực hiện di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho hộ mới đến, kinh phí thực hiện 349 tỷ đồng, đạt 90,7% kế hoạch giao. Về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã phân bổ 36,8 tỷ đồng để các ngành, địa phương triển khai thực hiện; trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.907 người là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài vài điểm sáng, các địa phương miền núi đang “bí” đường đi trong hỗ trợ nhân dân thoát nghèo. Chưa xác định được đường hướng thoát nghèo trong muôn vàn khó khăn trước mắt khiến câu chuyện thoát nghèo bền vững ở các xã miền núi vẫn rơi vào bế tắc. Như xã Trà Giác (Bắc Trà My) tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm đến 64,08%.

Ông Hồ Ngọc Ân - Chủ tịch UBND xã Trà Giác chia sẻ, địa phương đã thử qua rất nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ cho nhân dân như trồng cây ăn quả, trồng keo, trồng quế,... nhưng người dân sau khi được hỗ trợ, hướng dẫn xong thì không biết cách chăm sóc nên bỏ bê; còn nuôi bò, heo, dê thì bị chết do giá rét, dịch bệnh. Trà Giác bây giờ vẫn loay hoay chưa biết làm cách nào giảm nghèo, nhất là ở thôn 2, thôn 3 có hộ nghèo nhiều.

Ông Ân cho rằng dù các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cũng không biết bán sản phẩm đi đâu vì không có đường đi để thông thương với bên ngoài. Để định hình hướng đi đưa xã Trà Giác thoát khỏi tốp 10 xã nghèo nhất tỉnh, theo ông Ân cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Nhà nước, trước tiên là tuyến đường đi thôn 2, thôn 3 phải được đầu tư, sau đó mới tính kế cho người dân trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện và xuất phát từ nhu cầu.

A Vương là xã vùng thấp của huyện Tây Giang lại có tỷ lệ hộ nghèo đến 57,5%. Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn xã đạt 2,5%, tương ứng 14 hộ.

Theo ông Arâl Ta - Phó Chủ tịch UBND xã A Vương, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở địa phương, ngoài tình trạng thiếu đất sản xuất, do nhiều thanh niên mới tách hộ làm ăn riêng nên địa phương chưa mạnh dạn đưa những trường hợp này ra khỏi hộ nghèo. Điều này vô hình trung tạo tâm lý ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, khiến người nghèo chưa ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, đa số người dân địa phương không có việc làm ổn định khiến thu nhập bấp bênh.

“Nguồn lực của Nhà nước theo các chương trình chủ yếu hỗ trợ cho hạng mục phương tiện sản xuất, cây giống, con vật nuôi. Nhưng cây giống con vật nuôi thì chưa thực sự mang lại hiệu quả thoát nghèo ngay tức thời, và không bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao nên xác định hướng đột phá để thoát nghèo chưa thể tập trung được. Nói đến nhu cầu người dân thì nhiều, nguồn lực hạn chế khó đáp ứng được” - ông Ta nói.

--------------
Bài 2: Tác động từ gốc

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng giảm nghèo cho miền núi - Bài 1: Không dễ thoát nghèo bằng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO