Tìm hướng giảm nghèo cho miền núi - Bài cuối: Xây dựng chính sách từ thực tiễn

DIỄM LỆ - ALĂNG NGƯỚC 15/04/2021 10:12

Hướng đến mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87% vào năm 2025 là một thử thách lớn đối với Quảng Nam. Con số này đạt hay không chủ yếu phụ thuộc vào khu vực miền núi. 

Người dân được sống tập trung, có đất sản xuất với nguồn thu nhập ổn định mới giải được bài toán thoát nghèo. Ảnh: L.N
Người dân được sống tập trung, có đất sản xuất với nguồn thu nhập ổn định mới giải được bài toán thoát nghèo. Ảnh: L.N

Nhận diện khó khăn

Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Nghị quyết 02 được cụ thể hóa trong thực tiễn đã tích hợp với sự thay đổi về chuẩn nghèo, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2016 - 2020 huy động, bố trí hơn 12.370 tỷ đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.737 tỷ đồng (ngân sách tỉnh đối ứng 158 tỷ đồng).

Nghị quyết 02 đã tác động mạnh mẽ đến việc giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm hơn một nửa (từ 12,9% xuống còn 5,23%), giảm được 7,67% (29.449 hộ), bình quân giảm 1,53%/năm (5.890 hộ). Toàn tỉnh giảm được 11 xã nghèo đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hiện nay còn 8 xã, trong đó 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm 18 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (xã 135), hiện nay còn 66 xã.

Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao so với cả nước; tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số thì quá cao (18,09%). Ở khu vực này, tính riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (12.416/22.368 hộ).

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định: “Qua thực tiễn triển khai chính sách ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, còn xảy ra tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới, số lượng xã nghèo, huyện nghèo còn nhiều. Một số nơi ở miền núi cao, người dân chưa được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản do thiếu điện, chưa phủ sóng truyền hình, mạng internet. Đây là những khó khăn, thách thức lớn của tỉnh trong thực hiện giải pháp giảm nghèo bền vững thời gian đến. Kết quả giảm nghèo không đồng đều giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng”.

Đối với các mô hình sinh kế giảm nghèo, Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, một số địa phương chỉ tập trung vào nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm nhiều đến các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Điều này thể hiện rõ nét ở việc trì trệ trong khảo sát, xây dựng dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nội dung thực hiện chưa đa dạng, chưa mạnh dạn phân cấp cho địa phương. Quy trình tổ chức thực hiện dự án phức tạp, qua nhiều khâu, công đoạn và nhiều cơ quan thẩm định, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và hiệu quả thực hiện dự án.

Chính sách cần sát với thực tiễn

Chuẩn nghèo về thu nhập tăng gấp 2 lần

Trong giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn nghèo về thu nhập tăng gấp 2 lần, đối với khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị tăng từ 900 nghìn đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng; tăng thêm 1 dịch vụ và 2 chỉ số đo lường (tăng từ 5 dịch vụ xã hội cơ bản/10 chỉ số đo lường lên 6 dịch vụ xã hội cơ bản/12 chỉ số đo lường). Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 2,87% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 1,83%), khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 10%; các phường, thị trấn ở các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 3 - 4%/năm; tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm trên 3%/năm. Đây là thử thách vô cùng lớn và sẽ cần nhiều giải pháp, nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh chuẩn nghèo tăng lên gấp đôi so với giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, bên cạnh triển khai hợp lý và hiệu quả các cơ chế đặc thù cho miền núi, cần đẩy mạnh khuyến khích người dân thoát nghèo bằng chính lợi thế sẵn có của vùng. Chủ trương kép này vừa giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, vừa nhận thức đúng giá trị sản phẩm do chính họ làm ra.

Theo ông Hường, những năm qua chính sách ưu tiên cho miền núi không phải ít, thậm chí rất nhiều, từ những chương trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, cải thiện đời sống, cho đến hỗ trợ sản xuất, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững... Tuy nhiên, qua rà soát đánh giá, nhiều hạng mục đầu tư chưa phát huy được hiệu quả, có nơi việc triển khai dự án chỉ giữa chừng.

“Bên cạnh điều kiện khó khăn đặc thù của miền núi, việc chậm trễ nguồn vốn, đầu tư chưa đồng bộ, cũng như năng lực cán bộ địa phương hạn chế… khiến việc thực hiện các chính sách chưa phát huy hiệu quả. Từ đó, dẫn đến công tác giảm nghèo ở miền núi còn nhiều bất cập, chưa đồng đều và đáp ứng mục tiêu đề ra” - ông Hường nói.

Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, miền núi có những thách thức cần phải được “hóa giải” để mở ra cơ hội phát triển mới. Trong đó, ngoài tập trung tìm cách đánh thức tiềm năng, đón đầu lợi thế và tạo liên kết làm động lực vùng, cần huy động nguồn lực đầu tư một cách đồng bộ, biến thách thức trở thành cơ hội phát triển.

Những năm qua, Đông Giang đón đầu cơ hội bằng các dự án động lực, trong đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang và lập hồ sơ báo cáo xây dựng các dự án trọng yếu khác phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, địa phương cũng hình thành một số vùng sản xuất tập trung rộng hàng nghìn héc ta về keo nguyên liệu, chuối mốc, mây rừng, chè dây Razéh, ớt Ariêu…, được kỳ vọng trở thành lời giải hữu hiệu cho bài toán giảm nghèo.

“Để làm được điều đó, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân cũng phải nỗ lực cùng chính quyền thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư. Bởi chính sự quyết tâm từ phía người dân, cộng với trợ lực phù hợp, sẽ là chìa khóa mở hướng để người dân đi đến điểm đích cuối cùng là giảm nghèo bền vững” - ông Tùng chia sẻ.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đặng Tấn Giản cho rằng, cùng với thực tiễn hóa quá trình đầu tư phù hợp truyền thống canh tác của người dân miền núi, cần thiết xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực đầu tư phát triển và giảm nghèo. Đây chính là “đội quân” tại chỗ có khả năng nhìn nhận thực tế, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như giúp chính quyền trong việc khảo sát nhu cầu, rà soát chính xác về công tác giảm nghèo tại địa phương. Từ đó, tham mưu chính quyền, lãnh đạo địa phương hỗ trợ kịp thời những vấn đề cấp thiết, tránh lãng phí nguồn lực như trước đây.

Ông Đỗ Tài cho rằng cần có cơ chế ưu đãi vượt trội để kéo doanh nghiệp lên miền núi, góp phần trực tiếp cho giảm nghèo. Ảnh: D.L
Ông Đỗ Tài cho rằng cần có cơ chế ưu đãi vượt trội để kéo doanh nghiệp lên miền núi, góp phần trực tiếp cho giảm nghèo. Ảnh: D.L

Cần những quyết sách quyết liệt hơn

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (khóa XXII) được tổ chức vào hôm qua 14.4, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Các ý kiến đều cho rằng nếu không có những quyết sách quyết liệt hơn, rất khó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo miền núi xuống còn khoảng 10% vào cuối năm 2025.

Tại phiên thảo luận tổ, ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng giai đoạn mới cần những cơ chế ưu đãi vượt trội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ông Tài nói: “Cơ chế ưu đãi vượt trội để kéo doanh nghiệp đến miền núi vẫn chưa được ban hành. Cơ chế ưu đãi cực kỳ quan trọng giúp miền núi thoát nghèo. Miền núi sản xuất hàng hóa ra không biết bán đi đâu. Đường đi khó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm không có, thì lấy gì đời sống nhân dân phát triển. Đối với việc giao khoán bảo vệ rừng cần thiết có một quyết sách mạnh mẽ hơn, cần nâng mức hỗ trợ cho nhân dân để họ nhận chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn. Nếu áp tiêu chí thu nhập giai đoạn mới, tại Đông Giang tỷ lệ hộ nghèo sẽ vượt lên trên 40%, thế nên chỉ tiêu đưa ra đối với khu vực miền núi vào cuối năm 2025 còn khoảng 10% là vô cùng khó khăn, không dễ gì đạt được nếu không có những quyết sách quyết liệt, tập trung phù hợp với khu vực miền núi của tỉnh”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định chính sách cho vay khuyến khích đối với người có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững rất hiệu quả, nên đề nghị Tỉnh ủy thời gian tới tiếp tục thực hiện mạnh hơn. Các địa phương giảm nghèo phải theo địa chỉ, theo nguyên nhân, theo nguyện vọng và đúng thực chất, không chạy theo thành tích. Nguồn lực đầu tư giảm nghèo phải giảm dần đầu tư trực tiếp, ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng, nhóm hộ có liên kết, theo chuỗi giá trị, các dự án giảm nghèo hiệu quả; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho miền núi, huyện nghèo, xã nghèo và thôn nghèo. (DIỄM LỆ)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng giảm nghèo cho miền núi - Bài cuối: Xây dựng chính sách từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO