Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai

MỸ LINH 16/12/2020 17:12

(QNO) - Ngày 15.12, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.

.
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở tại Nam Trà My. Ảnh: N.Đ.Q

Chỉ thị nêu rõ, từ giữa tháng 9 đến tháng 11.2020, Quảng Nam liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão lũ gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các huyện miền núi.

Ngay sau bão lũ, các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn; kịp thời chia sẻ khó khăn, thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, thiên tai khốc liệt, dồn dập nên thiệt hại rất nặng nề, ước tính thiệt hại về kinh tế trên địa bàn tỉnh gần 11.000 tỷ đồng, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức mới khắc phục được.

Tuyệt đối không để người dân đói, rét

Để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, duy trì phát triển kinh tế sau thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão lũ vừa qua tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân tương ái, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Chủ động sử dụng ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi, chưa có mặt bằng ổn định; sửa chữa, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi... đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. Tổ chức tốt công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau thiên tai. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, không có chỗ ở trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021 đảm bảo đạt hiệu quả, năng suất cao, gắn với khắc phục thiệt hại về giao thông nội đồng, thủy lợi, bồi lấp diện tích canh tác; cải tạo đồng ruộng, có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp.

Rà soát, thống kê mức độ thiệt hại về nhà ở, nông nghiệp, chăn nuôi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại nặng. Việc rà soát, báo cáo, đánh giá tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra đảm bảo khách quan, chính xác, công khai đến từng hộ gia đình, từng địa phương, các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh... làm cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực, thực hiện chính sách hỗ trợ.

Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị khắc phục các vị trí hư hỏng, sạt lở, bảo đảm giao thông bước 1 tại các tuyến đường xung yếu; đồng thời đánh giá các thiệt hại của khu vực kết cấu hạ tầng giao thông bị hư hỏng, phương án khôi phục các thiệt hại.

Tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện; đặc biệt chỉ huy phải kịp thời, quyết đoán, linh hoạt, lực lượng phải đảm bảo chất lượng, có tính cơ động cao; hậu cần, trang thiết bị, phương tiện phải phù hợp nhằm ứng phó linh hoạt, hiệu quả trong mọi tình huống.

Khẩn trương làm nhà ở cho người dân vùng thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn cần tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, động viên các lực lượng tiếp tục tham gia tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích do sạt lở đất trên địa bàn; đồng thời động viên, làm tốt công tác tư tưởng đối với các gia đình có thân nhân bị mất tích. Đảm bảo các điều kiện về sức khỏe, vệ sinh môi trường, lương thực thực thẩm, thuốc men, nước sinh hoạt cho các hộ dân đã được bố trí chỗ ở tạm.

Khẩn trương khảo sát, xác định vị trí, lập hồ sơ, thủ tục xây dựng khu tái định cư cho người dân có nhà ở bị trôi, sập hoặc có nguy cơ sạt lở; lấy ý kiến của người dân, cơ quan khoa học chuyên môn đánh giá địa chất, mức độ an toàn, ổn định, quy mô đầu tư, dự kiến nguy cơ tác động để có giải pháp an toàn tại khu vực xây dựng khu tái định cư.

Các huyện chủ động phê duyệt tổng mặt bằng để bố trí đất cho người dân; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tập trung huy động các lực lượng và nguồn lực để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, làm nhà mới cho các hộ dân. Trong đó, tổ chức cắm mốc phân lô ngoài thực địa để triển khai xây dựng công trình nhà ở và nhà sinh hoạt cộng đồng, tính toán quy mô nhà phù hợp với phong tục, tập quán địa phương và mức kinh phí đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất (tối đa 150 triệu đồng/nhà). Các thủ tục liên quan đến việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư, xây dựng nhà ở cho các hộ dân cần triển khai thực hiện song song, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đưa người dân về sinh sống ổn định.

Các sở, ban ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hành động, nhiệm vụ cụ thể, xây dựng kế hoạch, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Công ty CP Thủy điện Đak Mi chủ trì, phối hợp với UBND huyện Nam Giang thực hiện hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng do việc vận hành điều tiết lũ của hồ thủy điện Đak Mi 4.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO