Vẽ tranh trên vỏ quế

THANH THẮNG 21/07/2020 13:58

(QNO) - Từ vỏ quế Trà My, thầy giáo Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng (xã Trà Leng, Nam Trà My) cùng một số người bạn tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp.

Họa sĩ vẽ tranh trên chất liệu vỏ quế. Ảnh: THANH THẮNG
Họa sĩ vẽ tranh trên chất liệu vỏ quế. Ảnh: THANH THẮNG

Những ngày này, một nhóm thợ tất bật hoàn thành các bức tranh làm từ vỏ quế để trưng bày dịp Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV - 2020, dự kiến diễn ra đầu tháng 8 tới tại Nam Trà My. Mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật thơm lừng hương vị quế Trà My.

Sản phẩm độc đáo này được khởi nguồn từ sáng tạo của thầy giáo Bùi Quang Ngọc - người thầy gần nửa đời người gắn bó với vùng cao Nam Trà My. Thầy Ngọc kể, năm 2019, thầy mua 4 miếng vỏ quế của người dân rồi nghiên cứu cách uốn, đóng khung để vẽ tranh.

Qua hơn 4 tháng thực hiện từ việc uốn vỏ quế cho đến thuê người vẽ, 4 bức tranh xuân - hạ - thu - đông được hoàn thành. “Bốn bức tranh này tuy không được hoàn hảo nhưng cũng rất đẹp. Đặc biệt tranh treo trong nhà thoang thoảng mùi hương của quế” - thầy Ngọc nói.

Những bức tranh được vẽ trên vỏ quế Trà My. Ảnh: THANH THẮNG
Thầy giáo Bùi Quang Ngọc (giữa) giới thiệu các bức tranh. Ảnh: THANH THẮNG

Từ thành công ban đầu, tháng 3.2020, thầy Ngọc trao đổi ý tưởng vẽ tranh này với người bạn là ông Trương Công Hùng (41 tuổi, xã Tam Lộc, Phú Ninh). Nhận thấy đây là ý tưởng hay để nâng cao giá trị cho sản phẩm quế Trà My nên ông Hùng đồng ý cùng thầy Ngọc tạo ra sản phẩm. Sau đó, hai người đi khắp xã Trà Leng tìm mua vỏ quế về làm tranh.

Để làm một bức tranh vỏ quế phải mất ít nhất 4 tháng. Khâu uốn vỏ quan trọng và khó khăn nhất. “Cây quế chọn lấy vỏ để làm tranh phải ít nhất hơn 30 năm tuổi. Một năm có 2 mùa lột quế vào tháng 3 và tháng 10, nhưng tháng 3 là thời điểm thích hợp nhất để lột quế làm tranh vì có đủ nắng để phơi” - ông Hùng nói.

Một chiếc đồng hồ làm từ vỏ quế. Ảnh: THANH THẮNG
Chiếc đồng hồ làm từ vỏ quế. Ảnh: THANH THẮNG

Sau khi vỏ quế được uốn thẳng, ép lại sẽ qua công đoạn ngâm nước rồi cho vào khung hình. Hoàn tất việc đóng khung là chuyển qua công đoạn vẽ. Tham gia vẽ tranh, họa sĩ Nguyễn Ngọc Hiệp (35 tuổi, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) cho biết, trước đây anh vẽ trên nhiều chất liệu như vỏ sò, đá, gỗ… nhưng chưa vẽ trên vỏ quế bao giờ nên gặp không ít khó khăn, thời gian vẽ lâu hơn so với chất liệu khác.

“Tôi rất tâm đắc với việc vẽ tranh trên vỏ quế. Chất liệu vỏ quế tránh được mối mọt nên tranh giữ được rất lâu. Loại tranh này rất giá trị, đặc biệt là tỏa mùi hương” - anh Hiệp nói.

Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: “Làm tranh từ chất liệu vỏ quế góp phần tạo ra sản phẩm mới cho quế Trà My. Hiện tại thầy Ngọc đang làm thử nghiệm hơn 100 bức tranh để trưng bày trong dịp Lễ hội sâm Ngọc Linh sắp tới. Nếu sản phẩm được thị trường đón nhận thì sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hàng hóa”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẽ tranh trên vỏ quế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO