Vùng “rốn lũ” Đại Hưng ứng phó với lũ lụt

HOÀNG LIÊN 10/10/2020 17:29

(QNO) - Người dân vùng “rốn lũ” Đại Hưng (Đại Lộc) chủ động công tác ứng phó với lũ lụt nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

 
      Nước lụt tại thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng. Ảnh: H.L

Từ chiều và tối 9.10, nước trên sông Côn - nhánh nhỏ sông Vu Gia đổ về cuồn cuộn khiến người dân xã Đại Hưng, đặc biệt là các thôn Thạnh Đại, Đại Mỹ và Thái - Chấn Sơn - vùng tâm lũ căng mình ứng phó. Nhiều gia đình mua sắm thực phẩm, lương thực, thuốc men thiết yếu để chống lũ dài ngày; đồng thời chằng chống nhà cửa, đưa gia cầm, gia súc lên cao. Nhiều hộ còn chủ động lùa trâu bò lên núi, dựng lều tạm cho vật nuôi trú.

Ông Nguyễn Đức Hảo (thôn Thạnh Đại) nói: “Ở đây ai nấy đều xác định sống chung với lũ. Lũ về bùn non đóng dày cộm, nhiều diện tích cây cối, hoa màu ven sông bị hư hại. Nhờ thường xuyên theo dõi thời tiết nên ai nấy có sự chủ động ứng phó”.

Cũng theo ông Hảo, do sống ở vùng “rốn lũ”, thường xuyên gánh chịu hậu quả của thiên tai, lũ lụt nên người dân luôn tìm cách thích ứng như xây gác tránh lũ, kiên cố hóa nhà ở từ các chương trình hỗ trợ vay vốn chính sách của Nhà nước. “Lũ lụt gần đây bất thường nên không chủ quan, lơ là. Chỉ cần nghe báo áp thấp, mưa dài ngày là ai nấy lo dọn đồ đạc đưa lên cao” - ông Hảo nói.

Chiều 9.10, cầu Thái Sơn bắc qua sông Côn nước lũ đã xấp xỉ thành cầu. Ông Hồ Hoa (thôn Thái - Chấn Sơn) neo hết ghe thuyền vào thân cây to để chủ động ứng phó khẩn cấp. Ông Hoa và một số chủ ghe còn trang bị áo phao, phao cứu sinh.

“Ở đây nước lũ về ghê lắm khiến người dân ăn ngủ không yên, nơm nớp lo sợ, thức trắng đêm canh nước và trực lũ. Khẩu độ của sông ở đây rất nhỏ, hẹp, vì vậy nếu có lũ lụt, thiên tai thì nơi đây sẽ gánh chịu hậu quả trước tiên. Không chỉ lũ cát, mà nước chảy xiết cũng tàn phá cây cối, hoa màu. Đợt lụt này 3 sào đất màu gồm bắp, đậu đũa của gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nặng” - ông Hoa nói. 

Ông Trần Đắc Tường (thôn Thái - Chấn Sơn) có nhà cửa, vườn tược gần sông Côn. Ông Tường cũng như nhiều hộ dân đã nỗ lực xây tường rào cổng ngõ kiên cố, nâng cấp sân nền, xây gác tránh lũ. Ông cho biết: “Trước mặt nhà tôi là sông Côn, sau lưng làng là cánh đồng trống, lũ về thì cả làng bị cô lập tứ phía. Tốc độ nước về sông, về đồng rất lớn và chảy xiết nên không có phương tiện gì ứng cứu được cả”.

Theo ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, nhờ chủ động công tác ứng phó nên toàn xã chỉ có một số kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, một ít diện tích rau màu bị hư hại, cơ bản mùa màng đã thu hoạch xong. Có khoảng 40% nhà cửa bị ngập trong nước. Tuy nhiên, lo lắng nhất là nguy cơ “lũ chồng lũ” bởi mực nước trên sông lên rất nhanh và thủy điện đồng loạt xả lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng “rốn lũ” Đại Hưng ứng phó với lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO