Vượt lên nỗi đau da cam - Bài 3: Đồng cảm và sẻ chia

VÕ VĂN TRƯỜNG 12/08/2019 10:32

Bà Nguyễn Thị Xuân bảo, nỗi lo trước đây bà luôn mang là “đến ngày mình không thể chăm sóc con cái khi bệnh tật, già yếu rồi ra đi” cuối cùng cũng đã đến. May mà cuộc sống hôm nay còn đó biết bao tấm lòng san sẻ, đồng cảm.

Bà Xuân bảo, may mà cuộc sống hôm nay còn đó biết bao tấm lòng san sẻ, đồng cảm. Ảnh: V.V.T
Bà Xuân bảo, may mà cuộc sống hôm nay còn đó biết bao tấm lòng san sẻ, đồng cảm. Ảnh: V.V.T

Cộng đồng chia sẻ

Cũng đã 3 năm tôi mới có dịp quay lại khối phố 3, thị trấn Núi Thành để tìm gặp vợ chồng ông Phạm Ngọc Anh, bà Nguyễn Thị Xuân - một gia đình cựu chiến binh có đến 4 nạn nhân da cam tôi từng viết trong tập sách nhỏ mang tên “Kỷ vật của cha” xuất bản năm 2017.  Ông Phạm Ngọc Anh từng là Đại đội trưởng V14 mặt trận Chu Lai, rồi Đại đội phó V20 Đặc công Quảng Đà; bà Xuân là chiến sĩ trong binh chủng Thông tin Quân khu 5. Nay chúng tôi trở lại thì ông Anh đã mất, chỉ còn bà Xuân bệnh tật triền miên lại phải chăm sóc con gái tuổi ngoài 40 là Đinh Thị Thanh Bình bị phơi nhiễm chất độc da cam, chân tay khoèo khòng, có lớn mà không có khôn.

Với phong trào giúp các gia đình chính sách, chị em phụ nữ chi hội khối phố 3 thay nhau đến phụ giúp bà Xuân quét dọn nhà cửa, chăm lo ăn uống, vệ sinh, thay quần áo cho chị Bình…, bởi sức khỏe bà Xuân dạo này yếu quá. Bà Xuân từng qua những tháng ngày cơ cực khi hai vợ chồng đều nhiễm chất độc da cam. Năm 1992, bệnh bà trở nặng nên ông Phạm Ngọc Anh đành bán nhà, bán đất gom được hơn 1,5 cây vàng đưa vợ vào tận miền Nam chạy chữa, con gái phải gửi người thân chăm sóc. Hơn 2 năm sống cảnh “hành lang, cầu thang” nuôi vợ, đến lúc không còn đồng xu dính túi thì về. “Bệnh tình tôi không hỏi, nhưng ông thì đi trước rồi” - giọng bà Xuân nghẹn lại. Tôi nhận ra thẳm sâu trong lời kể của bà là câu chuyện nghĩa tình vợ chồng trọn vẹn thủy chung mà ông đã dành cho bà.

Ở địa phương hầu như ai cũng quý trọng bà Xuân bởi cuộc đời của gia đình và bản thân bà là hành trình của nghị lực, vượt lên nỗi đau, để sống trong lòng nhân ái bao dung… Bà Xuân là một trong số 3 người mà TS. Phan Thị Phi Phi năm 2005 đã mang hồ sơ (lý lịch một nạn nhân da cam) sang nước Mỹ để kiện các công ty hóa chất sản xuất và gieo rắc chất độc quái ác ấy xuống Việt Nam. Ba hồ sơ đó gồm, TS. Phan Thị Phi Phi, bà Nguyễn Thị Xuân và ông Nguyễn Văn Quý ở Hải Phòng).

Đồng cảm vượt nỗi đau

Bà Xuân tâm sự, nỗi lo trước đây bà luôn mang là “đến ngày mình không thể chăm sóc con cái khi bệnh tật, già yếu rồi ra đi” cuối cùng cũng đã đến. May mà cuộc sống hôm nay còn đó biết bao tấm lòng san sẻ, đồng cảm. Bà Xuân còn kể, năm 2006 bà là một trong 2 đại biểu nạn nhân da cam Quảng Nam và là một trong 10 đại biểu của cả nước tham dự hội nghị quốc tế về chất độc da cam tổ chức tại Hà Nội. Tại đây bà có thêm những người bạn mới đồng cảnh kết thân. Trong cùng nỗi đau họ đã động viên nhau nên nỗi đau phần nào cũng được san sẻ. Bà vẫn mãi nhớ về người bạn thân của bà là Nguyễn Thị Hồng (người đã mất không lâu sau khi từ Mỹ trở về trong chuyến đòi công lý vì những nạn nhân chất độc da cam). Trước hôm ra đi vĩnh viễn bà Hồng còn điện thoại hỏi han sức khỏe hai người bạn ở Quảng Nam. Cùng gánh chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần nhưng bà Hồng lại không nghĩ về mình mà luôn động viên bà Xuân cũng như những người khác. “Tôi cảm nhận được từ chị Hồng lòng bao dung, nhân ái… Tôi đã học tập được thật nhiều ở chị Hồng” - bà Xuân trầm giọng.

Bà Xuân bảo, 10 đại biểu Việt Nam dự hội nghị quốc tế năm đó mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung là cùng nỗi đau. Ngay như ông Mai Doãn Vũ (TP.Hồ Chí Minh), trước đây là lính Việt Nam cộng hòa, thừa nhận đã từng đi rải chất độc da cam đến tận vùng Tiên Phước, Quế Sơn của Quảng Nam thì nay sống trong cảnh tàn phế, có 3 con gái đều chết khi vừa mới sinh. Hay trường hợp Khánh Vân - con một cựu chiến binh ở Hà Nội bị mù mắt, Nguyễn Văn Quý ở Hải Phòng có hai con bị dị tật, TS. Phan Thị Phi Phi bị vô sinh… Qua từng mảnh đời, từng câu chuyện kể của những người cùng chung nỗi đau, bà Xuân cảm thấy được chia sẻ thật nhiều, nỗi đau cũng vơi bớt đi.

Cũng như lần trước gặp bà, lần này cũng vậy, với bà Xuân điều tôi cảm nhận, khâm phục bởi suy nghĩ, và tình cảm bà dành cho người thân, mảnh đất trận đầu đánh Mỹ đã gắn bó quá nhiều buồn vui, kỷ niệm, số phận trên đôi vai bé bỏng gầy guộc. “Hồi ổng còn sống ổng cũng tham gia làm công tác ở Hội Nạn nhân chất độc da cam. Mình vừa cán bộ, vừa hội viên, vừa nạn nhân… chuyện lạ chứ chẳng chơi”. Tôi biết bà nói vui để chia tay khách. Thôi hẹn có dịp qua đây tôi sẽ ghé thăm bà. Một phụ nữ cùng tuổi mẹ tôi, đi qua chiến tranh, đau thương, can trường mà tôi kính trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt lên nỗi đau da cam - Bài 3: Đồng cảm và sẻ chia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO