Đôi khi tôi nhắm mắt lại để thấy hiện lên những khung cửa xưa cũ sáng ánh đèn, dưới những hàng cây thẫm lá. Đôi khi, một nhánh phố uốn cong đi, những mái nhà dưới lớp phong rêu của gần nửa thiên niên kỷ xếp cánh dưới bầu trời đầy sao, dịu dàng hiện lên trong bóng tối của hồi ức. Và hồi ức biến thành liên tưởng, như con mắt bay ngược thời gian, trở về lại những năm tháng xa xưa, khi những cánh buồm của những toán thương nhân Y Pha Nho, Bồ Đào Nha, những giáo sĩ người Ý… căng gió đi đến cửa biển Đại Chiêm rồi ngược dòng sông Cái để cập bến Hội An (hay Hải Phố, Faifoo, Phố Hoài), nằm nghỉ bên chùa Cầu có tượng “con khỉ sầu không nói” (hay còn được gọi bằng cái tên văn vẻ khác: Lai Viễn kiều mà chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển Tông) đã ban tặng vào năm Kỷ Hợi - 1719).
Một góc Hội An sáng mùng 4 Tết. Ảnh: ĐINH LÊ VŨ |
Nhưng đấy là Hội An của lịch sử, của những nhà nghiên cứu kiến trúc cổ. Còn tôi, tôi chỉ là một đứa con của Hội An với những trò tinh nghịch thời thơ trẻ, chạy rông trên những vỉa hè lát gạch tàu mòn nhẵn; của tháng ngày tuổi mới lớn với những buổi chiều mùa phượng đỏ thơ thẩn bên bờ sông, nhớ mong đôi mắt ai mơ màng cùng những đốm nắng xuyến xao trên mặt sóng… Những năm đi xa, tôi thường kể với nhiều người bạn chưa từng đến Hội An về những bầy chim làm tổ nơi đầu hồi những mái nhà thấp; về “ngã tư quốc tế”, nơi đêm đêm có gánh cơm gà nổi tiếng ngày xưa của chú Xây; về món cao lầu ông Cảnh mà không nơi nào trên đất nước này có được hay tô hoành thánh tôm lừng danh của bà Hai Huế… Tôi còn kể về cù lao Chàm với ngọn núi Tiêm Bút và Hương Hải thiền sư, còn được ghi công đức trong Kiến văn tiểu lục của nhà danh Nho - học giả Lê Quý Đôn hay những tổ yến (nổi tiếng là món ăn của vua chúa) trên vách thạch động cheo leo… Và Hội An mùa lũ. Những thân cây bật gốc trôi phăng phăng ngoài sông lớn. Những túp lều tranh nhấp nhô trong lớp sóng hung dữ mà trên nóc là những con người ướt run tuyệt vọng. Hội An mùa lụt lớn. Nước từ sông dâng lên đến tận ba con phố chính. Thị xã bập bềnh các loại ghe thuyền. Cũng là Hội An thương yêu, trong cái nắng khắc nghiệt, trong ngọn gió Lào hun đốt khô giòn bao tán lá xanh. Giữa cảnh nẫu lòng của những ngày xưa ấy, câu hát nhân ngãi buồn buồn như xoáy sâu vào hồn người dân xứ Quảng: Gió nam thổi xuống lò vôi / Ai đồn với bạn, ta có đôi mà bạn buồn?...
Con sông cũ rào ven thị xã, nhiều năm cạn nước vào mùa khô, im lìm nằm nhớ những cánh buồm xa của một thời thịnh vượng. Phố cổ, sau dằng dặc những tháng năm chìm dưới lớp bụi quên lãng của thời gian, đã “sống lại”, từ mười mấy năm nay. Quần thể kiến trúc xưa cũ của khu vực Đông Nam Á này được nhìn nhận là tài sản quý của nhân loại đang từng bước được bảo tồn, phục chế. Và trong thắng thời của những tiếng động mới, Hội An đang dần dần “pha sắc” để bao nỗi eo sèo của những năm tháng cũ qua đi. Qua đi mà còn đọng lại bao nhiêu hoài niệm cho đời người, trong ý nghĩa của “sống không quên”. Cho một cá nhân vô nghĩa như tôi còn giữ được trong chỗ xa nhất của lòng mình cái buổi chiều của 30 năm trước, buổi chiều cuối cùng khi nói lời tạm biệt cùng Hội An, ngồi một mình ở một quán cà phê, chờ đợi một điều gì… không đến. Chỉ có những tà áo dài trắng nhẹ nhàng điểm màu tươi trên sắc phố. Đêm đậm dần. Những ngọn đèn hột vịt ấm áp thắp lên quanh chợ phố. Và trăng lên. Và những nóc phố phong rêu mờ ảo… Tôi đã thấy trước vào một ngày nào đó, sau chuyến ra đi dài ngày, buổi chiều này sẽ rơi xuống một dáng trăng xưa. Văng vẳng tiếng hát ru của mẹ như thuở còn nằm nôi: Ai xa phố Hội chùa Cầu / Để thương để nhớ để sầu cho ai / Để sầu cho khách vãng lai / Để thương để nhớ cho ai chịu sầu. . .
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT