Đó là ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh tại cuộc họp nghe báo cáo thông qua Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hồi cuối tháng 2. Theo đó, để đồ án quy hoạch đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển trong tương lai trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, Tam Kỳ cần nghiên cứu, bổ sung phần đánh giá hiện trạng; chú trọng xác định đặc trưng, bản sắc của đô thị; hình thái của các khu vực đô thị hiện hữu, các khu vực cửa ngõ đô thị; các lợi thế về cảnh quan sông, biển, hồ, núi; các liên kết của đô thị Tam Kỳ với các đô thị của tỉnh và khu vực, vùng. Trong định hướng không gian đô thị, quy hoach chung Tam Kỳ cũng phải phù hợp với quy hoạch vùng đông, vùng tây của tỉnh và quy hoạch Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai. Trong đó, nghiên cứu kỹ điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và các liên kết phía biển, đặc biệt là trục Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai để quy hoạch hướng phát triển đô thị Tam Kỳ về phía đông đảm bảo tính thống nhất, hài hòa, hợp lý trong quy hoạch và đầu tư phát triển. Ngoài ra, cần có giải pháp khớp nối hợp lý với các dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn Tam Kỳ (đường Điện Biên Phủ, trạm xử lý nước thải thuộc dự án thu gom, xử lý nước thải và thoát nước TP.Tam Kỳ; khu di tích địa đạo Kỳ Anh…). Chính quyền thành phố cũng nghiên cứu, đề xuất cụ thể động lực phát triển, có tính đến khả năng cung cấp dịch vụ mang tầm cỡ khu vực để có thể định hướng phát triển tại khu vực phía đông; nghiên cứu khả năng động lực phát triển do liên kết của đô thị Tam Kỳ đối với các vùng Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Trà My và Bắc Trà My mang lại.
Trung tâm hành chính, văn hóa... là mục tiêu quy hoạch của TP. Tam Kỳ. Ảnh: H.X.H |
Tại cuộc họp nghe UBND TP.Tam Kỳ báo cáo Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi hiệu chỉnh lần 1 (tổ chức chiều 1.4), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh tiếp tục yêu cầu hoàn chỉnh quy hoạch TP.Tam Kỳ cần lưu ý vấn đề phát triển dịch vụ du lịch trong mối quan hệ kết nối tuyến ven biển giữa Đà Nẵng và Chu Lai. Mục tiêu đặt ra là phát huy lợi thế về vị trí chiến lược của Tam Kỳ trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, Tam Kỳ được kỳ vọng sẽ đảm nhiệm các chức năng: trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của tỉnh; trung tâm hỗ trợ cho các trọng điểm kinh tế và đô thị của tỉnh (Hội An, Điện Nam – Điện Ngọc, KKTM Chu Lai…).
Được biết, hiện tại phương án bố trí trung tâm hành chính TP.Tam Kỳ ở phía trước Sông Đầm đã được lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất chọn lựa, kết hợp với các công trình quản lý của KKTM Chu Lai thành một quần thể công trình hành chính tập trung có vị trí tốt về phong thủy, tạo không gian phát huy cảnh quan Sông Đầm.
P.V