Câu chuyện khó khăn của Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hà My hay Doanh nghiệp tư nhân Quang Minh được nhắc tới trong cuộc tiếp xúc doanh nghiệp thường kỳ tháng 10 chỉ là lát cắt nhỏ trong muôn vàn khó khăn doanh nghiệp phải đương đầu trong cuộc đầu tư, kinh doanh ngày càng khốc liệt. Danh sách doanh nghiệp gặp khó giải phóng mặt bằng, khấu trừ tiền ứng trước hay hoàn thuế ngày càng nhiều mà “lỗi” không phải thuộc về chính họ!
Quảng Nam đã từng cam kết sẽ tiếp tục đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhưng thực tế từ các cơ quan quản lý các cấp và địa phương cấp dưới vẫn còn không ít rào cản. Họ đã phải thừa nhận đang gặp khó khăn khi không thể giải phóng mặt bằng ổn thỏa nên mọi nỗ lực mời gọi nhà đầu tư đến cũng bằng không. Lịch sử thu hút đầu tư của Quảng Nam đã chứng minh rằng vấn đề nhà đầu tư quan tâm đầu tiên là cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, một quỹ đất sạch để họ có quyết định đầu tư hay không. Nhưng vấn đề này dường như Quảng Nam chưa thể đáp ứng trước ngổn ngang, ách tắc của bồi thường giải tỏa, tái định cư… Đó chính là lý do và không khó để trả lời rằng tại sao việc xúc tiến và thu hút đầu tư của Quảng Nam nhiều năm qua vẫn không thực sự hiệu quả như mong muốn.
Không ít doanh nghiệp đã nói thẳng trong các cuộc đối thoại với chính quyền rằng, tất cả chỉ thị, chính sách của chính quyền cho đến nay vẫn rất đúng đắn, nhưng những khó khăn, thách thức đến từ những chính sách chưa công bằng và sự thiếu thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp không biết lần tìm đâu ra kết quả cuối cùng trước một rừng văn bản và các quy định (đôi khi trái nhau) giữa các cơ quan công quyền. Doanh nghiệp tìm đến chính quyền cấp tỉnh với hy vọng những tiếng “kêu” của doanh nghiệp đã có người phản hồi nhanh chóng và doanh nghiệp đạt được sở nguyện cho việc hoạch định làm ăn cho tương lai. Doanh nghiệp gõ cửa chính quyền với hy vọng nỗi lo của họ sẽ được giải quyết dứt điểm, hoặc chí ít cũng phải được giải thích thấu đáo.
Nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ duy trì được sản xuất, bảo đảm đời sống cho công nhân đã là quá sức, và cũng đã có không ít doanh nghiệp phải đóng cửa. Bởi, ngoài gánh nặng lãi suất, hầu hết doanh nghiệp đang phải gồng mình để chịu hàng loạt chi phí đầu vào tăng vọt. Nhà nước đã tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng nếu tình trạng lâm vào khó khăn, mà khó khăn này không phải tự họ tạo ra mà trực tiếp hay gián tiếp từ phía khác, lại thêm bị phạt nữa sẽ đẩy doanh nghiệp ngừng trệ sản xuất, để cuối cùng đi đến đường cùng là phá sản - nguy cơ có thật xảy ra bất cứ lúc nào. Có thể thấy, trong vòng 9 tháng đầu năm 2015 đã có thêm 70 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 81 doanh nghiệp giải thể và hơn 370 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị thu hồi. Một khi cộng đồng doanh nghiệp (chân chính) thiếu vắng tiếng nói và tinh thần lập nghiệp hoặc động lực làm giàu đã bị bào mòn thì liệu nguồn ngân sách nhà nước có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển? Vấn đề này mới đây, Báo Quảng Nam cũng đã đặt câu hỏi “Ai góp tiền cho Quảng Nam?”. Thực tế đã chứng minh về nguồn lực đóng góp vào ngân sách nhà nước và với số doanh nghiệp hiện có và tăng thêm mỗi ngày, chỉ cần tuyển dụng 15 - 20 lao động/doanh nghiệp thôi cũng đủ tạo ra việc làm mới cho cả trăm ngàn lao động… đủ để thấy tầm quan trọng lớn lao của doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì đẩy khó cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý hãy góp phần vực dậy và xác lập niềm tin cho doanh nghiệp.
TÙY PHONG