Xác lập vị thế Quảng Nam

NAM KHA 31/08/2014 10:22

Một khung chiến lược định hình trên nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư…, được đánh giá như một bản cam kết của chính quyền  hướng tới phát triển nhanh, bền vững đã kích thích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…, tạo nên diện mạo kinh tế và chất lượng cuộc sống người dân Quảng Nam.

Chuyển động…

Quảng Nam đã làm một cuộc thay đổi diện mạo, khó có thể hình dung hết tầm vóc trong vòng 10 năm qua. Sự thay đổi đã diễn ra từ đô thị đến nông thôn. Cả triệu người dân Quảng Nam đã bước vào cuộc “trường chinh kinh tế”, thay đổi chỗ ở, việc làm trên mảnh đất giờ vẫn đang ngổn ngang công trình xây dựng với mơ ước san lấp khoảng cách giàu nghèo đô thị, nông thôn. Cuộc dịch chuyển “vô tiền khoáng hậu” này đã mang lại rất nhiều lợi ích, tạo thêm nhiều của cải, vật chất cho xã hội với sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai, nhiều khu, cụm công nghiệp khác. Vùng đất “hoang vu” dọc 125km bờ biển với những làng chài nghèo khó đã trở thành “con đường du lịch”, đầy những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Một thị xã Tam Kỳ nhỏ bé, chỉ toàn ngã ba, những cánh đồng bùn lầy, nước đọng trên dọc đường thiên lý Bắc – Nam chỉ còn là ký ức. Những căn nhà cổ Hội An bị thời gian và mối mọt gặm nhấm từng ngày, có thể đổ sập bất cứ lúc nào dưới mưa nắng thất thường miền Trung… giờ đã được đánh giá là một thành phố có tiềm lực kinh tế, môi trường du lịch vào loại nhất Việt Nam. Hãy hình dung một Quảng Nam chỉ với thị xã Hội An lèo tèo dăm ba quán, những con đường buồn vắng người qua và không có các khu công nghiệp và Khu kinh tế mở Chu Lai hình thành thì nhà đầu tư đến Quảng Nam làm gì. Vấn đề là Quảng Nam đã tạo được một cơ sở hạ tầng tốt để phục vụ ngành công nghiệp du lịch, tái thiết giao thông kết nối liên vùng thu hút đầu tư và các khu, cụm công nghiệp “xâm nhập” vào nông thôn ngày càng nhiều. Nông, lâm, ngư nghiệp từ chỗ chiếm vị trí trọng yếu đã nhường chỗ cho các ngành có giá trị gia tăng cao

Sự gia tăng sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng đã xác lập vị thế Quảng Nam. Trong ảnh: Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sự gia tăng sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng đã xác lập vị thế Quảng Nam. Trong ảnh: Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - đầu tư, kể từ năm 2011, Quảng Nam đã gia nhập câu lạc bộ 5.000 tỷ đồng, lọt vào nhóm 20/63 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất nước. Tổng sản phẩm năm 2013 tăng gấp 1,4 lần so năm 2010 với mức độ tăng trưởng chung khá đồng đều giữa các khu vực và ngành kinh tế. Mỗi năm chuyển dịch 1,4% lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tổng thu nội địa kể từ năm 2010 đã tăng bình quân khoảng 16%/năm (từ 2.770 tỷ đồng năm 2010 lên khoảng 4.325 tỷ đồng năm 2013). Tăng trưởng ấy do đâu? Có thể nói điều đó nhờ vào nghị quyết đột phá phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư năm 2010…, tiếp nối cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư dựa vào đất đai năm 2003 (dù bị xem là “xé rào”) cùng với năng lực điều hành của chính quyền khi đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp… đã phát huy hiệu quả, hiện thực hóa các cơ hội phát triển.

Sự lựa chọn dứt khoát

Công bố của Sở Kế hoạch - đầu tư cho thấy bất chấp khủng hoảng kinh tế, chỉ số công nghiệp, dịch vụ Quảng Nam vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Khả năng thu nội địa sẽ tăng 11,6%, tạo việc làm mới cho 41.000 lao động năm 2014 và dự kiến 2015, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm dưới 12% trong cơ cấu GRDP, thu nhập bình quân đầu người trên 35 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2010… thể hiện phần nào sự bền vững của nền kinh tế địa phương.  TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UN-HABITAT Việt Nam) cho rằng Quảng Nam đã biết khai thác đúng hướng, hợp lý nguồn tài nguyên, tránh được những “sai lầm” của các địa phương đi trước. Tuy nhiên, công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam nhiều năm qua chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và tiểu thủ công nghiệp ở nấc thang thấp. Thiếu công nghiệp hỗ trợ nên chưa thể tận dụng cơ hội của hội nhập, chưa hấp dẫn FDI và xuất khẩu còn yếu… Chính quyền Quảng Nam cũng đã thừa nhận lịch sử kêu gọi đầu tư đã để lại khá nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là sự tổn hại môi trường, bất ổn về kinh tế, quá nhiều dự án đầu tư công dàn trải, manh mún và nợ đọng xây dựng cơ bản còn ở mức cao. Kết quả thu hút công nghệ, quản trị, vốn từ FDI… chưa như mong đợi.

Trước áp lực cạnh tranh từ các tỉnh liên vùng, hạn chế những hệ lụy môi trường trong tương lai, chính quyền Quảng Nam đã đi đến một quyết định dứt khoát: nguồn vốn ngân sách sẽ chỉ dành để trả nợ, “rót” cho những dự án hiệu quả để kiến tạo phát triển, từ chối những dự án tổn hại đến môi trường khi chỉ đưa ra những dự án tạo giá trị gia tăng mời gọi các nhà đầu tư. Nghĩa là Quảng Nam có thể sẽ vẫn làm gia công nhưng ở mức cao hơn với những ngành có giá trị thay cho những “mối hàn” mà mang danh nghĩa công nghệ như trước đây. Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cam kết giảm thời gian, chi phí, minh bạch các kế hoạch kiểm soát đất đai, quy hoạch… cho doanh nghiệp chính là sự thay đổi lớn. Đó là hướng về việc phát triển kinh tế bền vững, thực chất hơn là số lượng dự án đầu tư. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, chiến lược hoạch định cho tương lai Quảng Nam đang được đặt ra theo một lộ trình nghiêm ngặt là hình thành các cơ hội đầu tư cụ thể và huy động nguồn lực hiệu quả nhằm bảo đảm phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sống người dân. Chất lượng tăng trưởng là tiêu chí hàng đầu. Năng lực điều hành chính sách của chính quyền sẽ không phải chỉ dựa vào các biện pháp tình thế mà bằng những cải tổ sâu rộng…

NAM KHA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xác lập vị thế Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO