Xâm phạm ngay tại khu vực "bất khả xâm phạm"

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 18/07/2016 08:55

Khu vực lâm tặc xâm nhập, phá diện tích lớn rừng pơ mu nằm ngay trên vành đai biên giới, khu vực được xem là “bất khả xâm phạm”. Cơ quan chức năng khẳng định, sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có dấu hiệu thông đồng, bao che cho lâm tặc.

  • Tiếp tục phát hiện lượng lớn gỗ pơ mu tại Hải quan cửa khẩu Nam Giang
  • Phát hiện thêm 2,4m3 gỗ pơ mu tại khu vực biên giới
  • Khởi tố vụ án phá rừng pơ mu ở Nam Giang
  • Rừng pơ mu Nam Giang bị tàn phá nghiêm trọng
Cơ quan chức năng kiểm đếm số gỗ pơ mu được thu giữ trong vụ phá rừng nghiêm trọng ở vùng giáp biên. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Cơ quan chức năng kiểm đếm số gỗ pơ mu được thu giữ trong vụ phá rừng nghiêm trọng ở vùng giáp biên. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Hàng chục cán bộ vẫn đang được huy động cho công tác điều tra, làm rõ vụ phá rừng pơ mu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại địa bàn xã La Dêê, huyện Nam Giang (Báo Quảng Nam điện tử đã thông tin). Hàng trăm phách gỗ pơ mu xẻ theo quy cách bị phát hiện đã được vận chuyển về Trạm Kiểm lâm khu vực Chà Vàl.

Gỗ nằm gần trạm kiểm soát biên phòng

Tiếp tục phát hiện hàng trăm phách gỗ pơ mu quanh khu vực cửa khẩu Nam Giang

Mở rộng điều tra vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng xảy ra tại khu vực biên giới Nam Giang, ngày 16.7, cơ quan Công an huyện Nam Giang phát hiện 115 phách gỗ pơ mu trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang có tổng khối lượng được đo đếm ban đầu là 8,2m3, nằm phía sau dãy nhà làm việc. Tối cùng ngày, đoàn kiểm tra phát hiện thêm 25 phách gỗ có khối lượng khoảng 1,2m3 giấu tại một nhà dân cũng gần khu vực cửa khẩu này. Đến trưa 17.7, cán bộ liên ngành phát hiện thêm 2 bãi tập kết gồm 85 phách gỗ pơ mu giấu trong bụi rậm cách trụ sở hải quan khoảng 50m và cách Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m. Như vậy, đã có hơn 500 phách gỗ pơ mu (thuộc nhóm IIA) bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ liên quan tới vụ phá rừng pơ mu quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Nam. Điều đáng nói, vụ việc xảy ra ngay tại vành đai biên giới, khu vực được xem là “bất khả xâm phạm” về an ninh quốc phòng. (THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC)

Từ chiều 12.7, tại Trạm Kiểm lâm khu vực Chà Vàl, 28m3 gỗ pơmu xẻ theo quy cách có chiều dài 2,1 - 2,2m đã được cơ quan chức năng tạm giữ. Số gỗ này đều là loại gỗ pơ mu quý hiếm thuộc nhóm IIA, vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã phát hiện tổng cộng 35,4m3 gỗ cùng quy cách như trên ở bãi tập kết, hiện trường khai thác và gần Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang. Khu vực rừng pơ mu bị triệt hạ nằm ở khoảnh 10, tiểu khu 351, gần cột mốc biên giới 717. Số gỗ này sau khi bị triệt hạ đã được xẻ thành phách theo quy cách và được vận chuyển tập kết về khoảnh 5, tiểu khu 351. Có 280 phách gỗ xẻ theo quy cách được vận chuyển ra khu vực tập kết để cất giấu thì bị người dân địa phương phát hiện báo cho cơ quan chức năng thu giữ.

Trung tá Hà Thế Xuyên - Phó Trưởng công an huyện Nam Giang nói: “Hiện trường phá rừng rất khủng khiếp. Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi nhận thấy vụ việc khá nghiêm trọng, cần thiết phải khẩn trương điều tra, xác minh. Hiện nay, công an và kiểm lâm đang tập trung lực lượng làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất”. Hiện trường vụ khai thác cho thấy các đối tượng đã chặt phá hai khoảnh rừng lớn để khai thác gỗ, với số gốc kiểm đếm được khoảng 60 cây gỗ pơ mu. Vẫn còn nhiều cành, ngọn pơ mu bị bỏ lại nằm ngổn ngang trong rừng. Ngoài ra, khoảng 5m3 gỗ phách được xẻ theo quy cách vẫn còn nằm ở hiện trường. Trong số nhiều gốc pơ mu bị chặt phá, các đối tượng chỉ lấy đi vài phách gỗ ở phần lõi, trong khi trữ lượng gỗ của mỗi gốc này được cơ quan chức năng ước định xấp xỉ 10m3/cây. Toàn bộ các gốc pơ mu bị hạ đều còn mới. Với lượng gỗ trên, ban đầu cơ quan chức năng nhận định nhóm đối tượng phải có ít nhất khoảng mười người, căn cứ theo dấu cưa, khả năng các gốc cây này mới bị chặt phá trong vòng một tháng trở lại đây. Các gốc pơ mu có đường kính từ 40cm trở lên, gốc lớn nhất đường kính lên đến 80cm.

Theo một cán bộ địa phương, đây là vụ phá rừng pơ mu có số lượng lớn nhất được phát hiện tại đây từ trước đến nay. Điều đáng nói, khi cơ quan chức năng vẫn đang huy động lực lượng đưa 5m3 gỗ còn nằm lại trong rừng về Trạm Kiểm lâm khu vực Chà Vàl, thì chiều 15.7, cơ quan Công an huyện Nam Giang phát hiện thêm gần 30 phách gỗ pơ mu được tập kết ngay sát vách Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang chỉ chưa đầy vài chục mét.

Sẽ xử lý nghiêm nếu có cán bộ tiếp tay cho lâm tặc

Sau khi có thông tin về vụ việc phá rừng nghiêm trọng trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cho Chi cục Kiểm lâm vào cuộc điều tra làm rõ. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, đã có văn bản chỉ đạo các lực lượng tham gia điều tra vụ việc. Ngay sau chỉ đạo của chi cục, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung, đơn vị quản lý diện tích rừng trên, đã ký quyết định khởi tố vụ án đối với vụ phá rừng nghiêm trọng này, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý.

Hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang nói đây là “vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn”, đồng thời nhận định khả năng vụ việc này do “các đối tượng bên Lào về” lợi dụng khai thác trộm gỗ cất giấu, chờ thời cơ vận chuyển tiêu thụ. Ông Lạc cho rằng khu vực tập kết nằm cách xa trạm kiểm soát, lực lượng biên phòng vẫn tổ chức tuần tra theo định kỳ nhưng do các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp để hoạt động nên lực lượng biên phòng “không phát hiện kịp”. Các cán bộ điều tra hiện trường vụ tàn phá rừng pơ mu cho biết lâm tặc sử dụng nhiều cưa máy để cắt, xẻ gỗ, vẫn còn để lại nhiều dụng cụ đựng xăng, dầu máy gần các gốc pơ mu đã bị triệt hạ. “Đối chiếu với tọa độ trên bản đồ, khoảng cách từ khu vực rừng pơ mu bị chặt phá đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang hơn 1.500m, còn vị trí tập kết cách chừng 550m đường chim bay” - Trung tá Hà Thế Xuyên nói.

Trả lời với phóng viên, Đại tá Dương Hoài Nam - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ có mặt tại hiện trường, phối hợp lập biên bản với các đoàn kiểm tra liên ngành. BĐBP tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị tại đây thường xuyên báo cáo tình hình, tích cực vào cuộc xác minh tìm ra đối tượng và các thành phần có liên quan để có hướng xử lý. Ngoài ra, đối với toàn tuyến, lực lượng biên phòng cũng được quán triệt tăng cường tuần tra, nắm địa bàn. “Vị trí tập kết theo đơn vị báo về, ở cách đường biên giới khoảng 100m, nằm trong vùng đặc biệt, vùng song phương tuần tra kiểm soát, là khu vực bất khả xâm phạm, cách trạm mình (Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang - PV) ít nhất khoảng 2 đến 3km, không thể chỉ cách vài trăm mét” - Đại tá Dương Hoài Nam nói. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cam kết sẽ xử lý kiên quyết nếu cán bộ biên phòng thông đồng, bảo kê cho lâm tặc, với mức kỷ luật cao nhất là tước quân tịch. “Vụ việc xảy ra ở khu vực biên giới có một phần trách nhiệm liên đới của lực lượng biên phòng. Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết đấu tranh tìm ra đối tượng. Nếu lực lượng biên phòng có sự can dự, thông đồng hay bất cứ hành vi nào tạo điều kiện cho lâm tặc thì kiên quyết xử lý tận gốc, tước quân tịch” - Đại tá Dương Hoài Nam nhấn mạnh.

Điều đáng nói, vụ việc nghiêm trọng này xảy ra trong bối cảnh lệnh “đóng cửa rừng” đang được thực thi, tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là ở địa bàn cực kỳ “nhạy cảm” là vành đai biên giới.

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xâm phạm ngay tại khu vực "bất khả xâm phạm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO