Giai đoạn 2016 - 2017, xây dựng cơ bản (XDCB) ở Đại Lộc chuyển biến tích cực, các hạ tầng thiết yếu kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đúng lộ trình. Đại Lộc tập trung những công trình mang tính bức thiết theo thứ tự ưu tiên và hạn chế thấp nhất nợ đọng…
Diện mạo nông thôn vùng B ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hoàng Liên |
Năm 2016, tổng vốn được phân bổ trong XDCB của Đại Lộc đạt 146,5 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gần 70 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 55 tỷ đồng, ngân sách xã 14,7 tỷ đồng, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia hơn 20 tỷ đồng, từ nguồn khai thác quỹ đất và các nguồn khác hơn 34 tỷ đồng… Tính đến ngày 30.11.2016, tỷ lệ giải ngân vốn XDCB trên địa bàn huyện đạt 112,5 tỷ đồng; tổng số nợ XDCB thuộc ngân sách huyện còn khoảng hơn 12,7 tỷ đồng. Trong năm 2016, nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước được tập trung xây dựng các công trình trọng điểm như khu thể dục thể thao huyện, nâng cấp đường chống lũ ĐH13.ĐL từ Đại Cường đi Đại Phong, đường giao thông từ Đại Phong - Đại Chánh - Đại Thạnh (ĐH 8.ĐL, đoạn từ nhà máy cồn đi Đại Tân), đường tránh lũ từ kè sông Vu Gia đi Trang Điền…
Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, năm 2017, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, hai công trình bức thiết trên địa bàn huyện được đầu tư. Đầu tiên là công trình kè Quảng Đại 1 (xã Đại Cường) với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng (Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư) đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, thi công theo kế hoạch, trước mắt tỉnh ứng trước 5 tỷ đồng để triển khai một số hạng mục. Công trình thứ hai là kè và nâng cấp Đền tưởng niệm Trường An với tổng kinh phí 15 tỷ đồng, mới được tỉnh phân bổ kinh phí 4,9 tỷ đồng. Ngoài nguồn phân bổ của tỉnh, huyện tiếp tục đẩy mạnh thi công nhiều công trình do huyện làm chủ đầu tư.
Cũng theo ông Trần Văn Mai, bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực XDCB của Đại Lộc còn tồn tại những khó khăn nhất định. Đó là nguồn lực địa phương còn hạn chế, ngân sách các cấp hỗ trợ theo mục tiêu nhất định, nguồn thu chính cho đầu tư hạ tầng là khai thác quỹ đất nhưng quỹ đất của huyện có hạn và sức mua của thị trường kém, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của huyện như: giao thông, trường học, nông nghiệp, nông thôn rất lớn. Giai đoạn 2011 - 2015, Đại Lộc đứng thứ nhì tỉnh về nợ đọng phát sinh trong xây dựng nông thôn mới do cơ chế, văn bản chỉ đạo chưa có sự rõ ràng, hơn nữa khối lượng công việc rất lớn. Từ năm 2016 trở đi, chủ trương của huyện là hạn chế nợ đọng, chỉ đạo địa phương nào để phát sinh nợ thì địa phương đó phải tự cân đối, giải quyết. “Nợ đọng XDCB của huyện còn hơn 24 tỷ đồng, mỗi năm huyện dành 5 tỷ đồng từ ngân sách để trả nợ cũ, theo định hướng của tỉnh là đến năm 2018 phải trả nợ xong. Đáng lo là nợ của các xã/thị trấn. Ngân sách huyện có hạn, không kham nổi phần nợ của các xã/thị trấn, vậy nên các địa phương phải khai thác quỹ đất để trả nợ và hạn chế thấp nhất phát sinh nợ, song không nhiều những địa phương còn quỹ đất, đó là thực tế khó khăn” - ông Mai cho biết thêm.
Tồn tại rất lớn trong XDCB ở Đại Lộc là hạ tầng giao thông ở một số địa phương xuống cấp nghiêm trọng, cần thiết đầu tư nâng cấp, mở rộng trước sức ép về quá tải. Cụ thể như, tuyến ĐH1 từ Trường THCS Nguyễn Trãi nối quốc lộ 14B cần nâng cấp đảm bảo tránh lũ; tuyến ĐT609B từ ngã ba khu vực trường Nguyễn Trãi đi Đại Hiệp mặt đường quá nhỏ hẹp (5,5m), không đủ hai xe tải tránh nhau, không có hệ thống thoát nước, trong khi đây là tuyến lưu thông chính, gần đây quá tải khi công trình cầu Giao Thủy hoàn thành. Hay như tuyến ĐT609, đoạn đi qua xã Đại Nghĩa có vài cây số chưa được đầu tư, nâng cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Tuyến ĐT609 kéo dài từ Ba Khe (Đại Lãnh) đi An Điềm (Đại Hưng) đã có chủ trương song vẫn chưa khai thông. Chưa kể, một số cây cầu quá nhỏ hẹp (cầu Ba Khe - xã Đại Lãnh, cầu Khe Gai - xã Đại Thắng) không đồng bộ với tải trọng của đường khiến việc lưu thông của phương tiện chuyên chở vật liệu, nông sản, ô tô đi lại hết sức khó khăn… “Trước những áp lực lớn trong đầu tư XDCB, chủ trương của huyện là huy động, tranh thủ tối đa nguồn lực của trung ương, tỉnh, huyện, địa phương, nguồn lực xã hội hóa. Cùng với đó, huyện quán triệt đầu tư những công trình mang tính bức thiết theo thứ tự ưu tiên và tính hiệu quả của các dự án” - ông Trần Văn Mai nói.
HOÀNG LIÊN