Ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng

N.ĐOAN 21/05/2022 10:37

(QNO) - Ngày 20.5, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề để nghe các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo tình hình thực hiện công tác xây dựng Đảng từ đầu năm đến nay và ghi nhận vướng mắc, đề xuất từ thực tiễn cơ sở. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì hội nghị.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị công tác xây dựng Đảng sáng nay 20.5. Ảnh: N.Đ
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: N.Đ

Nhiều kiến nghị liên quan chính sách cán bộ

Từ thực tế cơ sở, nhiều địa phương cho biết, cán bộ, công chức cấp huyện luân chuyển về giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp xã và biên chế thuộc biên chế cấp xã; trong khi đó tỉnh, huyện chưa có cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các đối tượng này, kể cả thi nâng ngạch chuyên viên chính vẫn không được dự thi nên việc xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ gặp khó khăn, vướng mắc.

Các địa phương đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ban hành chính sách ưu đãi đối với cán bộ trong diện được luân chuyển, được tham dự kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính. Sau thời gian luân chuyển, khi trở về công chức cấp huyện chỉ báo cáo với tỉnh, không nhất thiết làm hồ sơ như tuyển dụng công chức. Đồng thời, bổ sung chức danh công chức xã đối với cán bộ tổ chức - kiểm tra, tuyên giáo - dân vận đảng ủy xã để đảm bảo công tác tham mưu cho cấp ủy xã.

Quang cảnh hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng Đảng diễn ra sáng nay 20.5. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.Đ

Nhiều ý kiến đề xuất Trung ương, tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác ở các huyện đặc biệt khó khăn; tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển đối với sinh viên người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, đề xuất cho phép các huyện miền núi cao được ký hợp đồng lao động đối với sinh viên có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với đề án vị trí việc làm và không vượt so với số lượng biên chế tỉnh giao. Ban hành quy định cụ thể thời gian công tác tại các huyện miền núi cao bao lâu thì được thuyên chuyển công tác. Cho phép tiếp tục đào tạo hệ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

Đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các huyện miền núi cao được cử đi đào tạo chuyên môn sau đại học, cao cấp, cử nhân chính trị; hỗ trợ khuyến khích học sinh, sinh viên con em đồng bào dân tộc thiểu số đang học tại các trường trong và ngoài tỉnh…

Công tác cán bộ phải tuân thủ quy định của Trung ương

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường lưu ý các địa phương miền núi không được nể nang trong việc cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác về đồng bằng. Nếu có trường hợp xin chuyển thì phải tìm được người thay thế ở vị trí công tác đó, tránh để xảy ra tình trạng không có người làm việc như vừa qua.

Trao đổi tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng lưu ý các địa phương cần phân biệt rõ giữa luân chuyển và điều động cán bộ. Theo quy định luân chuyển cán bộ để đào tạo trong thực tiễn phải đủ thời gian 3 năm. Điều động cán bộ là theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, trong khi chờ Trung ương ban hành quy định cụ thể về vấn đề này, cán bộ được điều động phải công tác đủ thời gian ít nhất 2 năm.

Đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh, công tác cán bộ của tỉnh phải tuân thủ đúng quy định của Trung ương, nhất là tổ chức và đội ngũ. Vấn đề gì Trung ương chưa quy định thì tỉnh không nên “chạy” trước. Nội dung gì tỉnh đã quy định vượt trội trong thời gian trước đây cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Trung ương, không gây khó khăn và “tự trói” mình lại trong công tác cán bộ.

Chia sẻ với trăn trở của các địa phương về chế độ, chính sách cho cán bộ công tác ở miền núi, theo đồng chí Lê Văn Dũng, trước đây có nhiều chế độ ưu đãi cho người công tác ở miền núi nhưng nay không còn. Ví như, trước đây giáo viên hợp đồng giảng dạy ở miền núi đủ 5 năm được xét biên chế thì nay phải thi; hay phụ cấp 116 (Nghị định 116 của Chính phủ) cũng cắt khi các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới…

Đồng chí Lê Văn Dũng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn, giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh có thể xây dựng cơ chế hỗ trợ cho cán bộ miền núi. Về lâu dài, tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ đào tạo người tại chỗ cho miền núi ở một số lĩnh vực như sư phạm, y khoa; cho thi tuyển riêng biên chế công chức, viên chức cho miền núi.

Tiếp thu ý kiến thảo luận, kiến nghị của các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những tháng đầu năm 2022 đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy và cần có giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Liên quan đến tinh giản biên chế, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chấp hành đúng Kết luận số 28 ngày 21.2.2022 của Bộ Chính trị, giảm 10% biên chế công chức, viên chức theo chủ trương chung. Về tuyển dụng công chức, Sở Nội vụ tập trung chuẩn bị hoàn chỉnh kế hoạch thi tuyển, sau khi được HĐND tỉnh thông qua thì tổ chức thi ngay để bổ sung nguồn công chức cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đang thiếu.

Đồng chí Phan Việt Cường giao các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy tổng hợp ý kiến thảo luận, kiến nghị tại hội nghị và trả lời bằng văn bản cụ thể từng nội dung. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát lại chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để bổ sung hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO