Quyết tâm làm trong sạch Đảng, nâng tầm cán bộ

NGUYÊN ĐOAN 22/06/2022 07:08

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Nam tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt công tác chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quyết tâm này được thể hiện rõ qua việc ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy ban hành 2 nghị quyết cụ thể hóa các nội dung trên.

Cán bộ chủ chốt của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh bỏ phiếu giới thiệu nhân sự bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025 và quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tiếp theo. Ảnh: N.Đ
Cán bộ chủ chốt của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh bỏ phiếu giới thiệu nhân sự bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025 và quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tiếp theo. Ảnh: N.Đ

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín: Đột phá trong công tác cán bộ và từ cán bộ

Thưa đồng chí, với việc ban hành nghị quyết mới về công tác cán bộ, Tỉnh ủy (khóa XXII) tiếp tục khẳng định quyết tâm tạo ra sự đột phá về công tác cán bộ của Quảng Nam?

Đồng chí Nguyễn Chín: Từ việc tổng kết thực tiễn công tác cán bộ của tỉnh nhiều năm qua, đặc biệt, gắn với cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 20 về tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết 20 xác định tập trung nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ để xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, đủ năng lực quản lý, xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở mỗi vị trí công tác, đủ sức lãnh đạo, tổ chức thực hiện mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Về công tác cán bộ, quan điểm là triển khai đồng bộ, toàn diện, thực chất từ tuyển dụng, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử… Và đồng bộ với chính sách cán bộ. Lần này cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ tự thân phấn đấu, tự rèn luyện, phát triển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quảng Nam định hướng, công tác đào tạo cán bộ chiến lược lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh về tầm nhìn, tư duy. Đào tạo cán bộ làm chuyên môn, quản lý nhà nước các cấp về năng lực quản lý, quản trị xã hội, chuyên ngành chuyên sâu. Đối với cán bộ cấp xã, đặc biệt ở miền núi thì có chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn công tác cơ sở.

Đến nay, việc cụ thể hóa đưa Nghị quyết 20 đi vào cuộc sống đã được triển khai ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Chín: Tỉnh ủy đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp; mà trọng tâm nhất là tập trung xây dựng và triển khai các đề án, nghị quyết chuyên đề đã được xác định trong Nghị quyết 20.

Theo kế hoạch, tỉnh đã ban hành triển khai thực hiện các đề án tuyển dụng; quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy định chuyển đổi vị trí việc làm và nghị quyết chuyên đề về phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Ba đề án về luân chuyển cán bộ; bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương; cán bộ nữ, cán bộ trẻ đang được xây dựng hoàn thiện để thực hiện trong năm nay.

Một trong những cách làm rất mới, cụ thể hóa Nghị quyết 20, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ). Việc đánh giá nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực thi công vụ của cán bộ; đồng thời làm căn cứ để xem xét đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm.

Thực hiện quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ trong hệ thống chính trị, đến nay, các cơ quan, đơn vị đều đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ. Dự kiến tháng 7.2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy có đánh giá sơ kết về quá trình chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ. Song đánh giá bước đầu cho thấy, các cơ quan đều làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ và hiểu được vị trí phải chuyển đổi.

Yêu cầu về quá trình chuyển đổi vị trí công tác phải chặt chẽ, đảm bảo quy định và không làm xáo trộn nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Thực tế, một số đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác rồi, và nay, cụ thể thành quy định cho tất cả cán bộ thuộc danh mục phải chuyển đổi, thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống và đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng chí có thể chia sẻ, Quảng Nam kỳ vọng gì khi đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương vào năm 2025?

Đồng chí Nguyễn Chín: Chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương xuất phát từ yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới, được khẳng định tại các nghị quyết của Đảng, cụ thể nhất là Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII).

Với Nghị quyết 20, Tỉnh ủy đặt ra quyết tâm đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chủ trương này. Đề án đang được Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu, xác định nội dung cốt lõi là phải lựa chọn được cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, giàu năng lực, uy tín để bố trí làm bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương.

Với kỳ vọng việc thực hiện chủ trương này sẽ tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ trong quá trình lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, ngăn ngừa tình trạng hình thành các “ê kíp” tiêu cực, lợi ích nhóm có thể xảy ra, hay tính cục bộ địa phương trong quá trình thực thi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, công tác cán bộ…

Tôi tin rằng, quá trình rèn luyện, “thử lửa” ở một địa phương mới, môi trường mới sẽ giúp người cán bộ trưởng thành, vững vàng đảm đương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao ở mỗi vị trí công tác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức ba hội thảo lấy ý kiến góp ý của khối các địa phương đồng bằng, miền núi và sở, ngành trước khi ban hành Nghị quyết 20 về công tác cán bộ. Ảnh: N.Đ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức ba hội thảo lấy ý kiến góp ý của khối các địa phương đồng bằng, miền núi và sở, ngành trước khi ban hành Nghị quyết 20 về công tác cán bộ. Ảnh: N.Đ

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phan Thái Bình: Chủ động phòng chống tham nhũng

Lần đầu tiên sau 25 tái lập tỉnh, với việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, Tỉnh ủy khẳng định quyết tâm kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Thái Bình: Cụ thể hóa Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt hàng đầu; đồng thời đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Đặc biệt, nâng cao phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở đổi mới công tác tổ chức và cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát (KT-GS), kiểm soát quyền lực, đảm bảo nguyên tắc “nơi nào, ở đâu có quyền lực thì nơi đó, ở đó quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ”.

Từ quan điểm trên, lần đầu tiên sau 25 năm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác KT-GS và kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết xác định tập trung KT-GS tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Đồng thời nhấn mạnh giải pháp tăng cường KT-GS công tác cán bộ gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và người đứng đầu cấp ủy.

Nhiệm vụ này phải được tiến hành công khai, dân chủ khách quan, thận trọng và chặt chẽ, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Đối tượng KT-GS cần tập trung vào cơ quan có thẩm quyền quyết định công tác cán bộ, cơ quan tham mưu công tác cán bộ và người làm công tác cán bộ.

Tỉnh ủy nhấn mạnh đến việc tăng cường nhiệm vụ KT-GS về công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh? 

Đồng chí Phan Thái Bình: Thường xuyên KT-GS việc thực hiện các khâu trong công tác cán bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện theo hướng “sai phạm đến đâu, xử lý đến đó” và “không có vùng cấm, vùng trống, ngoại lệ”.

Qua đó, kịp thời đề nghị điều chỉnh các cơ chế, chính sách còn bất hợp lý; kiên quyết thu hồi, hủy bỏ các quyết định không đúng trong công tác cán bộ; phát huy, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển.

Những yêu cầu đặt ra tại nghị quyết đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quảng Nam ở nhiệm kỳ này - chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ và sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Cụ thể hóa Nghị quyết 20 về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: N.Đ
Cụ thể hóa Nghị quyết 20 về công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: N.Đ

Theo chức năng được giao, ngoài việc tham mưu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch KT-GS có trọng tâm, trọng điểm và chú trọng về nội dung KT-GS công tác cán bộ, ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động nắm tình hình, phát hiện và tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kể cả cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu trong thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.

Giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng liên quan đến công tác cán bộ. Xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong công tác cán bộ. Theo dõi, đôn đốc và tham mưu cấp ủy chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xử lý kiên quyết các trường hợp không xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận KT-GS.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng: Đáp ứng sự kỳ vọng và mong đợi của nhân dân

Để việc triển khai thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) sớm đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch, quy trình, quy định về công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng Đảng đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương để nắm bắt tình hình và trực tiếp chỉ đạo các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng.

Triển khai bằng những biện pháp, giải pháp thiết thực là minh chứng sinh động, khẳng định quyết tâm của Quảng Nam trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, đáp ứng sự kỳ vọng và mong đợi của nhân dân trong tỉnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết tâm làm trong sạch Đảng, nâng tầm cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO