Xây dựng điểm nhấn du lịch cũng chính là góp phần tạo sự lan tỏa cho những vùng phụ cận. Tuy vậy, trong chiến lược phát triển du lịch của các địa phương không phải nơi nào cũng để ý đến điều này.
Bộ đèn cổ tại bảo tàng Điện Bàn được đánh giá có thể tạo điểm nhấn cho điểm đến nơi đây. Ảnh: G.KHÀNG |
Điểm lan tỏa
Từ khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (1999) đã giúp ngành du lịch nơi đây có những bước phát triển vượt trội. Đặc biệt, không gian du lịch không chỉ bó hẹp trong khu vực phố cổ mà đã mở rộng ra các vùng ven như Thanh Hà, Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm An… góp phần mang đến những sản phẩm, trải nghiệm mới lạ cho du khách. Cùng với đó, nhiều làng quê dù cách xa trung tâm phố cổ như Cẩm Kim, Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn), Duy Nghĩa, Duy Vinh (Duy Xuyên)… cũng bắt đầu được hưởng lợi từ sự lan tỏa này. Có thể khẳng định, phố cổ Hội An đã đóng vai trò trung tâm cho sự phát triển du lịch của cả vùng, nhất là trong việc phân phối khách cho các điểm bên ngoài di sản. Bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho rằng, vai trò của phố cổ rất quan trọng vì là điểm thu hút khách, giúp mở rộng phạm vi không gian du lịch ra bên ngoài phố. “Điều khiến du khách đến Hội An đầu tiên chính là khu phố cổ chứ không phải là làng gốm Thanh Hà hay rừng dừa nước Cẩm Thanh. Nên có thể nói nhờ phố cổ mà du khách mới biết đến những vùng phụ cận này” - bà Thủy nhìn nhận.
Tương tự, tại khu đền tháp Mỹ Sơn, từ khi du lịch phát triển đã góp phần làm hồi sinh một số điểm di tích, danh thắng bên ngoài di sản, giúp du khách hiểu hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái làng quê nơi đây. Đặc biệt, để đón đầu sự lan tỏa này, năm 2013 Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã phối hợp với UBND huyện Duy Xuyên triển khai mô hình làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Phú) nhằm khai thác các giá trị liền kề di sản để phục vụ du lịch cũng như kéo dài thời gian khách tham quan, lưu trú. Có thể nhận thấy, những điểm du lịch gần 2 khu di sản thế giới luôn có nhiều lợi thế hơn so với các điểm còn lại trên địa bàn tỉnh. Và đây cũng chính là yếu tố đầu tiên để các địa phương và ngành du lịch tính toán trước khi triển khai các dự án hoặc mô hình du lịch. Theo ông Trần Quý Tấn – Trưởng phòng quản lý lữ hành (Sở VH-TT&DL), trong chiến lược quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh yếu tố điểm chính phải luôn được chú trọng nhằm thu hút khách đến. Chỉ khi nào xác định được điều này mới có thể xây dựng được chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả. “Ở quy mô của tỉnh vấn đề này được thấy rất rõ ở Hội An và Mỹ Sơn với các điểm đến phụ cận là các di tích danh thắng, làng nghề… Nói một cách dễ hiểu là bất kỳ nơi nào cũng cần phải lựa chọn một điểm nổi trội để “quyến rũ” khách đến khi đó mới có cơ hội mở rộng ra những điểm tham quan khác” - ông Tấn nói.
Lựa chọn điểm nhấn
Dù đóng vai trò quan trọng nhưng thực tế cho thấy phần lớn đề án phát triển du lịch của các địa phương thường ít xây dựng điểm nhấn, chủ yếu chỉ là liệt kê những tiềm năng, trên cơ sở đó hình thành các tour tuyến đón khách. Điều này vô tình tạo nên sự dàn trải trong đầu tư và quảng bá xúc tiến du lịch. Tại thị xã Điện Bàn, những năm qua dù du lịch đã có những khởi sắc nhất định nhưng nhìn chung việc xây dựng điểm nhấn vẫn chưa được rõ nét. Không ít ý kiến du khách đánh giá rất cao giá trị và tính độc đáo của bộ đèn cổ tại bảo tàng Điện Bàn, nhưng dường như lợi thế này rất ít được doanh nghiệp lữ hành biết đến để đưa vào tour chào bán khách. “Nếu bảo tàng Điện Bàn có bộ đèn cổ này thì quả là một điểm đến ấn tượng. Theo tôi, chỉ cần chi tiết này thôi cũng đủ để hấp dẫn khách đến tham quan, nhưng thật lòng bây giờ tôi mới nghe được thông tin này” - đại diện công ty Vietnam TravelMart (Đà Nẵng) chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, chiến lược phát triển du lịch của thị xã bên cạnh các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển thì chỉ tập trung vào các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng, cụ thể là làng du lịch cộng đồng Triêm Tây và các nghề truyền thống trong cụm làng nghề Đông Khương (Điện Phương). Hiện tại, tỉnh đã có chủ trương thống nhất mở đường vào làng nghề, mở bến thuyền kết nối với du lịch đường sông cũng như quy hoạch lại làng nghề để tạo sự lan tỏa ra xung quanh. “Rất khó tập trung xây dựng điểm nhấn cho du lịch Điện Bàn vì hầu hết điểm đều có những đặc thù như bảo tàng Điện Bàn chỉ phục vụ cho các hoạt động tham quan lịch sử, về nguồn còn Vinahouse là điểm du lịch tư nhân nên chúng tôi chỉ hướng đến xây dựng những tour tuyến cụ thể với các điểm kết nối là Vinahouse, bảo tàng, nhà lưu niệm mẹ Thứ và xuống biển thôi” - ông Hà thừa nhận.
Không chỉ Điện Bàn, tại TP.Tam Kỳ, dù được xác định là trung tâm du lịch của phía nam với các điểm đến văn hóa, lịch sử nổi bật như bãi Sậy sông Đầm, địa đạo Kỳ Anh, Văn thánh Khổng miếu, công trình tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, bãi biển Tam Thanh… nhưng dường như ngành du lịch nơi đây vẫn chưa có chiến lược cụ thể xây dựng điểm nhấn du lịch cho thành phố. “trước đây thành phố cũng đã có ý định xây dựng tuyến du lịch đường sông từ Tam Kỳ lên Phú Ninh để làm điểm nhấn thu hút khách, nhưng sau đó do nhiều lý do khách quan nên dự định này đã bị bỏ dở. Trong kế hoạch phát triển du lịch Tam Kỳ giai đoạn 2020 – 2025 thành phố xác định xây dựng Tam Kỳ làm vai trò trung tâm du lịch của phía nam để thúc đẩy du lịch các huyện lân cận. Điều này cũng đã được Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh thống nhất chỉ đạo với tinh thần là cho phép Tam Kỳ xây dựng một Trung tâm xúc tiến du lịch nhằm quảng bá xúc tiến, tạo sự lan tỏa ra các vùng xung quanh, nhưng hiện tại cũng mới chỉ là kế hoạch thôi” - một lãnh đạo Phòng VHTT thành phố Tam Kỳ cho biết.
GIA KHANG