Đó là một trong những mục tiêu phát triển trong điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Điện Bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo quy hoạch, Điện Bàn sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái và công nghệ cao; là đô thị sinh thái hiện đại gắn kết với TP.Đà Nẵng và Hội An. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 15,1%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15,6%/năm. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 63 - 64%; khu vực dịch vụ chiếm 30 - 31%, khu vực nông nghiệp chiếm 5 - 6%; đến năm 2025, cơ cấu này ở các khu vực tương ứng là 62 - 63%, 34 - 35%; 3 - 4%. Dân số trung bình toàn thị xã khoảng 221.700 người vào năm 2020; 280 nghìn người vào năm 2025 và hơn 358 nghìn người vào năm 2030. Đến năm 2020, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp; đến năm 2030 đạt 90% cháu trong độ tuổi đến nhà trẻ và 100% đến trường mẫu giáo, 98% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Từ năm 2020, 100% hộ dân cư dùng nước sạch; 72% chất thải rắn được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường… Các trọng điểm đột phá trong quy hoạch gồm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo bước phát triển đột phá về dịch vụ, nhất là du lịch; hình thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của thị xã Điện Bàn.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, quy hoạch nêu cụ thể định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch, gồm: giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; giải pháp về cơ chế, chính sách; tăng cường hợp tác, phối hợp với các địa phương lân cận. Ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn quy hoạch 2016 - 2025 khoảng 57 nghìn tỷ đồng, tương ứng 15,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Quảng Nam trong cùng giai đoạn quy hoạch.
CHÂU NỮ