Khả năng ngân sách năm 2020 chỉ đạt 70% dự toán. Xây dựng lại kịch bản phát triển, phục hồi kinh tế và cắt giảm chi tiêu,... là những vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại phiên họp thường kỳ tháng 4 do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì vào chiều qua 4.5. Dự họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường.
Kinh tế sụt giảm
Độ “sát thương” của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Quảng Nam khá nặng nề trong vòng 4 tháng qua. Từ sản xuất, kinh doanh đến thương mại, dịch vụ, tiêu dùng đều sụt giảm. Nguồn cung ứng nguyên liệu lẫn thị trường bị gián đoạn khiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm đến 25,4% so cùng kỳ. Tất cả nhóm ngành chủ lực đều chịu chung “số phận”.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 25,3%; sản xuất, phân phối điện giảm 32,7% và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 18,5%. Trừ nhóm dịch vụ y tế tăng 10,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 17,5% (chủ yếu xe đạp và phụ tùng xe đạp), doanh thu dịch vụ đã giảm 16,4% ở hầu hết các nhóm dịch vụ. Lượng khách du lịch giảm 60,8%. Doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 45%, ăn uống giảm 39,8% và dịch vụ lữ hành giảm 48,7% so cùng kỳ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngân sách hụt thu sẽ chi phối lớn đến sự phát triển địa phương. Sẽ phải cắt giảm chi tiêu một cách kịp thời, phù hợp với thực tế thu ngân sách từ nay đến cuối năm. Nếu không sẽ rất khó để điều hành ngân sách. Cần tiết kiệm, hạn chế tối đa các khoản chi ngoài dự toán. Tất cả kịch bản tăng trưởng đều phải được điều chỉnh. Cần một kịch bản kinh tế có tầm nhìn dài hạn hơn để đón đầu sự phục hồi kinh tế sau dịch. Có thể tính đến phương án đề xuất không điều tiết ngân sách về trung ương và quay về xin trợ cấp trung ương vì 55% nguồn thu ngân sách địa phương từ Trường Hải, khi doanh nghiệp này hụt sẽ kéo cả nền kinh tế hụt thu theo.
Doanh nghiệp Quảng Nam hiện đang đứng bên bờ vực thẳm. Tất cả đều “thấm đòn” Covid-19, khi phải tìm mọi cách để tồn tại, giữ chân người lao động bằng các phương thức “bất khả kháng” như giãn giờ, giãn ca, giảm số ngày làm, cho nhân viên nghỉ luân phiên hoặc cho nghỉ việc. Một tác động đáng kể khác khiến sản xuất đình trệ khi doanh nghiệp không thể kết nối được chuyên gia, lao động nước ngoài, nhà đầu tư nhập cảnh vào Việt Nam để hướng dẫn lắp ráp, điều hành hệ thống máy móc, chuyển giao công nghệ, thực hiện các thủ tục để triển khai dự án sau cấp phép.
Nền kinh tế suy giảm dẫn đến nguồn vốn huy động giảm 1,5% so đầu năm, nhất là tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp giảm đến 10,4% so với đầu tháng. Ngành ngân hàng dự báo nợ xấu có chiều hướng gia tăng nếu dịch bệnh không thể khống chế.
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm chỉ thu được 6.016 tỷ đồng, giảm 34% so cùng kỳ. Thu nội địa khoảng 4.799 tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán, giảm 31% (tiến độ thu trung bình 4 tháng phải đạt 33,2% dự toán), hụt 2.100 tỷ đồng…
Các nguồn thu tỷ trọng lớn như Trường Hải mới đạt 21,3% kế hoạch, casino Nam Hội An chưa hoạt động nên 700 tỷ đồng dự kiến không thể có. Ngay cả thủy điện không bị tác động bởi dịch bệnh nhưng vì hạn hán, không đủ nước phát điện nên chỉ có thể nộp 14% thuế theo kế hoạch. Số thu từng tháng giảm dần.
Kế hoạch đầu tư cũng liên đới bị tác động khi chỉ giải ngân 17% kế hoạch vốn năm 2020 (936 tỷ đồng). Tỷ lệ này thấp hơn tiến độ giải ngân trung bình và chậm ở hầu hết nguồn vốn.
Tìm kịch bản phát triển
Những cuộc khảo sát cho thấy có khoảng 61,2% doanh nghiệp đánh giá bị ảnh hưởng dịch bệnh từ 10% trở lên. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, dự kiến có đến 77,5% số doanh nghiệp bị giảm doanh thu ít nhất từ 10% trở lên so với năm 2019, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
“Doanh thu của các doanh nghiệp giảm sút, ảnh hưởng đến gánh nặng chi trả tiền lương, các khoản nghĩa vụ khác cho người lao động và nộp ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp gặp khó khi mua trang thiết bị phòng hộ phục vụ người lao động như khẩu trang, nước sát khuẩn nên người lao động bất an, ảnh hưởng đến năng suất làm việc” - ông Phong nói
Ông Phan Văn Chín dự kiến thu nội địa năm 2020 chỉ đạt khoảng 70% so với dự toán (hụt thu từ 6.100 tỷ đồng). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, các ngành, địa phương phải chủ động thay đổi, xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với thực tế; chủ động tiết kiệm kinh phí; tập trung phòng chống dịch bệnh. Kích thích tăng trưởng kinh tế không ngoài việc phải gia tăng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiến độ thi công và hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Việc xây dựng, triển khai chương trình thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng có sản phẩm cụ thể, đặc trưng, các sản phẩm mới… để thu hút khách nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch tại địa phương được đặt ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối năm nay thì phải đến 2022 ngành du lịch mới có thể phục hồi. Mọi kích cầu hay phương án cũng phải theo dõi các động thái từ thị trường khách và du lịch thế giới!
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo từng lĩnh vực ngành mình phụ trách, nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế, kịp thời chăm lo, bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, lao động mất việc làm, người khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh.
Một vấn đề được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh đầy khó khăn này là nhanh chóng tìm nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, nhất là thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ, đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo hướng vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn.