Xây dựng môi trường pháp lý để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

HÀ ANH - ĐÔNG YÊN 26/12/2022 21:46

(QNO) - Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề pháp lý. Chỉ khi chính sách tốt mới có thể tạo động lực, khuyến khích được tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ.

Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2022.
Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2022.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc

Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2022 ngày 20/12, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, năm 2022, thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều đến từ căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc, cũng như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Ông Bùi Trung Nghĩa dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11/2022, Việt Nam có 137.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, hoạt động khởi nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đại học, cao đẳng được quan tâm với việc chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này đã thúc đẩy kết nối giữa các Quỹ đầu tư, tổ chức với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tạo tiền đề cho các thương vụ đầu tư tại Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, những con số ấn tượng này là một minh chứng cho tiềm năng của các công ty khởi nghiệp Việt Nam, song đó còn thể hiện sự quan tâm to lớn mà các nhà đầu tư dành cho thị trường Việt Nam.

Theo bà Ramla Khalidi, năm 2022 hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đạt được những bước tiến đáng kể khi tăng được 5 bậc để vươn lên vị trí thứ 54 trên chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu mới.

Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhận được gần 500 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Số lượng các thương vụ đầu tư ở các vòng gọi vốn giai đoạn sau cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

“Chúng ta có thể nhận thấy được sự nhiệt tình, đam mê và sức sáng tạo của các công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam”, đại diện của UNDP nhấn mạnh.

Tạo môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, vấn đề pháp lý được xem là một trong những yếu tố quan trọng, đóng vai trò then chốt. Bởi chỉ khi chính sách tốt thì mới thu hút, khởi động được tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Thảo luận tại diễn đàn, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang dần hoàn thiện cả về môi trường pháp lý. Trong đó, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là luật đầu tiên chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thiếu nhiều khung chính sách. Chẳng hạn như Nghị định số 38/2018/NĐ-CP dù đã khuyến khích nhưng còn điểm nghẽn khi giới hạn số nhà đầu tư góp vốn thành lập và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là 30 người, và không được đầu tư quá 50% số vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này vô hình chung tạo ra sự hạn chế tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi, nhiều quốc gia khác cho phép mức này lên tới 80% đến 90%.

Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp
Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp
Bên cạnh đó, Phó Viện trưởng Lê Thị Thu Thuỷ cũng chỉ ra rằng, Việt Nam cần có định nghĩa rõ ràng hơn về “doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” để hoàn thiện với Nghị định 94/2020/NĐ-CP. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, bởi khi tính định danh về doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rõ nét hơn, các chính sách hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này sẽ dễ dàng tiếp cận, và phát triển hơn.

Nhằm tối ưu hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách đào tạo, hỗ trợ sự phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng tại Việt Nam.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Là cơ quan đầu mối, Bộ KH&CN sẽ xây dựng tổng thể hệ sinh thái và các vấn đề có liên quan, tổ chức hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam theo cách thức của thế giới để đồng hành, chia sẻ và đem ý tưởng của người Việt tham gia vào các cuộc thi trên thế giới. Cách thức thực hiện này chúng ta đã làm và có kết quả như năm 2019, một ý tưởng khởi nghiệp của người Việt Nam về phát triển logistic tại Việt Nam đã được Quỹ Khởi nghiệp toàn cầu trao giải nhất và hỗ trợ 1 triệu USD.

Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các bộ, ban, ngành, các địa phương trong cả nước chỉ đạo, thực hiện từ năm 2002. 

Sự kiện thu hút sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nhân, các trường đại học - cao đẳng, các tổ chức thúc đẩy - hỗ trợ khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các địa phương và đặc biệt là sự tham gia của khoảng 300 startup, thanh niên, sinh viên trên toàn quốc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng môi trường pháp lý để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO