Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba (khóa XXI) diễn ra hôm qua 29.3, các đại biểu đã dành thời gian đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy khóa XX về nông nghiệp - nông dân - nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, ngay sau khi Tỉnh ủy khóa XX ban hành Nghị quyết số 05, các ngành chức năng và chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và thực hiện quy hoạch ngành nông - lâm - thủy sản. Theo tìm hiểu, hiện nay có 100% số xã trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình NTM đã được phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án phát triển sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi để lĩnh vực nông - lâm - thủy sản phát triển một cách phù hợp và bền vững.
Đột phá từ cơ chế
Xác định nước tưới là tiền đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi. Theo ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2011 - 2015 bằng việc lồng ghép nhiều kênh vốn khác nhau Quảng Nam đã đầu tư hơn 742 tỷ đồng cho chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương. Với số tiền vừa nêu, 5 năm qua những đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương đã tiến hành xây mới, nâng cấp, sửa chữa 176 công trình thủy lợi nhỏ, thi công 89 công trình thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa 600 tuyến kênh mương loại 3 với tổng chiều dài 370km và kiên cố hóa xấp xỉ 69km kênh mương loại 2. Nhờ vậy, hàng năm toàn tỉnh có 76.600ha đất lúa chủ động được nguồn nước tưới, chiếm tỷ lệ 87,6% trong tổng diện tích canh tác lúa. Ngoài ra, từ đầu năm 2011 đến nay nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng đã có thêm gần 7.000ha đất màu đảm bảo nước tưới thường xuyên.
Cần phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VĂN SỰ |
Nhằm giải quyết tình trạng đất đai manh mún và sớm hình thành những cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật, 5 năm qua tỉnh đặc biệt chú trọng công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Theo số liệu thống kê, thực hiện Quyết định số 23 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh tiếp tục chi gần 30 tỷ đồng để triển khai DĐĐT hơn 6.585ha đất sản xuất nông nghiệp, nâng tổng diện tích đã hoàn thành khâu này lên 18.425ha, chủ yếu trên đất lúa. Qua khảo sát tại những địa phương đã DĐĐT, việc thực hiện công tác này góp phần rất lớn để giải quyết tình trạng ruộng đất phân tán nhỏ lẻ. Nếu trước đây bình quân một hộ có 6 - 7 thửa ruộng thì bây giờ giảm xuống còn 2 - 3 thửa, trong khi đó diện tích tăng từ dưới 500m2/thửa lên hơn 1.000m2/thửa. Đặc biệt, đồng ruộng được chỉnh trang, hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng được đầu tư xây mới, sửa chữa tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, DĐĐT là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, kích thích nông dân tham gia canh tác theo hướng hàng hóa. Sau khi DĐĐT, các địa phương như Đại Lộc, Phú Ninh, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên… đã xây dựng hàng chục cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng thu nhập cao, bình quân hàng năm mỗi héc ta cho thu nhập 75 - 150 triệu đồng.
Để giúp nông dân và những tổ hợp tác, hợp tác xã có điều kiện mua sắm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, ngày 17.11.2011 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33 về cơ chế hỗ trợ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện cơ chế này, 5 năm trở lại đây ngân sách tỉnh đã chi gần 39 tỷ đồng hỗ trợ một phần kinh phí cho các tổ chức, cá nhân mua 1.576 máy móc các loại. Đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 490 máy gặt đập liên hợp, 630 máy cày 4 bánh, 442 máy cày nhỏ, 7 máy sấy. Nhờ nỗ lực đưa máy móc vào sản xuất đã nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất bình quân toàn tỉnh hiện nay lên hơn 90% và khâu thu hoạch lúa bằng cơ giới đạt hơn 80%; ở các địa phương như Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Phú Ninh đạt 100%. Cơ giới hóa sản xuất đã giúp nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã giảm chi phí khâu làm đất 0,4 triệu đồng/ha, khâu thu hoạch 1,6 triệu đồng/ha so với làm thủ công…, ước tính hàng năm làm lợi hơn 100 tỷ đồng.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Phát huy vai trò chủ thể nhân dân Từ nay đến năm 2020 Quảng Nam phấn đấu có thêm 58 xã đạt chuẩn NTM, riêng năm 2016 có 10 - 11 xã đạt chuẩn. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, để mục tiêu đó trở thành hiện thực, ngay từ bây giờ ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để chương trình này thật sự đến với người dân ở mọi vùng miền. Đặc biệt, phải phát huy tối đa vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện triệt để phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân trực tiếp hưởng lợi… Trao đổi bên lề hội nghị, ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, qua 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Nam đã huy động gần 16.919 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong tổng số 204 xã triển khai xây dựng mô hình NTM trên toàn tỉnh, đến thời điểm này đã có 54 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn, vượt 6,47% so với mục tiêu Nghị quyết số 05 đề ra. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã hiện nay là 11,43, tăng 8,82 tiêu chí/xã so với năm 2010… Theo thống kê, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 4,9%/năm (gấp 1,4 lần so với thời kỳ 2006 - 2010); trong đó nông nghiệp tăng 4,2%, lâm nghiệp tăng 7,7%, thủy sản tăng 5,6%. |
Để tạo đột phá hơn nữa cho lĩnh vực “tam nông”, nhiều ý kiến cho rằng còn rất nhiều việc phải làm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thời gian tới ngành liên quan, chính quyền các địa phương và cả nông dân phải thay đổi tư duy, định hướng lại sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường. Trước hết là chuyển mạnh sang nông nghiệp hàng hóa nhằm đáp ứng xu hướng cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực và đầu tư có trọng điểm để từng loại nông sản nâng cao giá trị gia tăng. Ông Lê Trí Thanh nói: “Trong chủ trương tái cơ cấu để tạo động lực cho xây dựng NTM bền vững, phải thực hiện triệt để phương châm “3 hóa” là: doanh nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của người dân, liên kết hóa trong phát triển sản xuất kinh doanh cũng như các hoạt động chỉ đạo, điều hành của bộ máy các cấp và xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn”.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang hội nghị, ông Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho rằng, muốn lĩnh vực “tam nông” phát triển mạnh mẽ và bài bản, nhất thiết phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xã NTM và quy hoạch ngành. Theo ông Nghĩa, để sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung, ngay từ bây giờ chính quyền các địa phương, nhất là ở khu vực đồng bằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác DĐĐT, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng để hình thành những cánh đồng mẫu. Cạnh đó, phải tranh thủ huy động nhiều kênh vốn để đầu tư thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi, nhất là hệ thống hồ chứa và kênh mương nhằm chủ động phục vụ nước tưới cho cây trồng. Ông Nghĩa nói: “Theo tôi, mấu chốt còn nằm ở việc đơn vị liên quan cần chú trọng việc tập huấn chuyển giao những gói kỹ thuật sản xuất mới cho đại bộ phận nông dân. Đồng thời làm khâu trung gian trong việc tạo mối liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp để họ hợp tác tổ chức sản xuất theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Những cơ quan có trách nhiệm cũng cần làm tốt khâu thông tin định hướng thị trường để hạn chế xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu sản phẩm như lâu nay”.
Theo một số đại biểu, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, những năm tới cần chú trọng việc chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công tác giống, chế biến, bảo quản. Đồng thời đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp - công nghiệp hóa nông thôn. Ông Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam đề nghị tỉnh cần nghiên cứu triển khai xây dựng các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất dưới hình thức nông dân cho doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất để đầu tư hình thành những cánh đồng mẫu lớn và vùng chuyên canh tập trung gắn với hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp - nông thôn và xây dựng NTM phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khu vực nông thôn và liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Muốn làm được việc đó, phải tăng cường xúc tiến đầu tư, giải quyết nhanh gọn các thủ tục về cấp phép đầu tư, đất đai, cho thuê đất phục vụ những dự án nông - lâm - thủy sản...
NGUYỄN SỰ