Qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Điện Bàn đã đạt được một số kết quả ban đầu, tạo nền tảng để các địa phương được chọn làm điểm hoàn thành mục tiêu đề ra.
TIN LIÊN QUAN:
|
Nhân dân xã Điện Trung ra quân làm đường giao thông nội đồng.Ảnh: CÔNG TÚ |
Điểm tựa sản xuất
“Xây dựng NTM là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là góp phần thực hiện mục tiêu Điện Bàn cơ bản trở thành thị xã vào năm 2015. Huyện xác định cần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị gắn với xây dựng NTM” - ông Đặng Hữu Lên, Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Điện Bàn nói.
Sau 2 năm triển khai, Điện Bàn đã tạo được chuyển biến về nhận thức, sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hệ thống tổ chức từ huyện xuống cơ sở từng bước được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả; các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách để thực hiện chương trình ngày càng đầy đủ. Từ đề án được phê duyệt, 6 xã cánh tây (Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang, Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước) được chọn làm điểm giai đoạn 1 đã lập phương án, tạo điều kiện phát triển sản xuất. Qua thực hiện, các địa phương đã hình thành một số mô hình sản xuất có hiệu quả và đang được nhân rộng.
Thời gian qua, nhiều địa phương ở Điện Bàn đã tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Tại xã Điện Quang, Công ty TNHH Tân Phú Quang - doanh nghiệp được góp vốn từ một số xã viên của hợp tác xã nông nghiệp và bà con đồng hương - đã đi vào hoạt động, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cung ứng 3.500 tấn ớt các loại cho các đối tác tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong vụ đông xuân tới này. Trên địa bàn xã còn có các Công ty TNHH Seo Nam (chế biến thủy sản), TNHH Mạnh Tiến Quảng Nam (gia công áo quần xuất khẩu) giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Công ty Mây tre xã Điện Thọ, cơ sở gia công chế biến cá bò ở Điện Hồng cũng đã giải quyết hàng trăm lao động địa phương. |
Điện Phước là điển hình về công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn 36ha tại thôn La Hòa, được Sở NN&PTNT chọn làm điểm tổ chức hội thảo để năm 2013 nhân rộng ra toàn tỉnh. Ông Đào Cúc - Chủ tịch UBND xã phấn khởi: “Từ thành công của cánh đồng mẫu lớn tại La Hòa ở vụ sản xuất hè thu vừa qua, chúng tôi tiếp tục mở rộng ra 4 thôn khác (Hạ Nông Tây, Hạ Nông Trung, Nhị Dinh 1, Hạ Nông Nam), nâng tổng số diện tích đã DĐĐT lên gần 100ha, kịp thời đưa vào sản xuất lúa vụ đông xuân này”. Xã Điện Quang liên kết với Công ty Phú Nông đầu tư mô hình trồng đậu cô-ve leo giống với diện tích hơn 10ha. Các xã Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Trung xây dựng vùng chuyên canh lúa giống, lúa chất lượng cao. Các xã Điện Phong, Điện Hồng, Điện Quang đầu tư phát triển mạnh trồng chuối cấy mô, rau an toàn, ớt xuất khẩu.
Đầu tư mạnh hạ tầng
Điện Bàn đang tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa... nhằm tạo điều kiện cho 6 xã cánh tây đến năm 2015 hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng NTM. Vì vậy, ngoài nguồn vốn trung ương, tỉnh và huyện đầu tư trực tiếp cho chương trình khoảng 17,6 tỷ đồng (huyện hơn 6,3 tỷ đồng), 2 năm qua Điện Bàn còn lồng ghép thêm nguồn vốn từ các dự án, xã và nhân dân đóng góp, vốn tín dụng, vốn các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các xã với tổng số tiền khoảng 220 tỷ đồng.
Sau khi tiếp tục bê tông hóa hơn 38km mặt đường, hệ thống đường giao thông nông thôn ở 6 xã đã tương đối hoàn chỉnh, hoàn thành cắm mốc quản lý hành lang để mở rộng thời gian tới. Ngoài ra, địa phương còn đẩy mạnh đầu tư kết cầu hạ tầng phục vụ sản xuất như: bê tông hóa 16km giao thông nội đồng, kiên cố hóa hơn 27,6km kênh mương, xây dựng 10km đường dây điện thủy lợi hóa đất màu. Ông Trần Công Quảng - Chủ tịch UBND xã Điện Quang chia sẻ, nhờ thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu, nông dân đã chủ động nước tưới cho khoảng 80% diện tích trồng xen canh, gối vụ các loại cây ớt, đậu xanh... Số diện tích cho doanh thu hàng năm đạt 100 triệu đồng/ha ngày càng tăng lên.
Bên cạnh đó, phong trào nhân dân hiến đất làm đường, đắp đường giao thông nội đồng, chỉnh trang khu dân cư, nhà cửa, vườn tược, thu gom rác thải được triển khai mạnh mẽ làm cho bộ mặt nông thôn ở Điện Bàn ngày càng khởi sắc. Môi trường sinh thái được bảo vệ, điều kiện sinh hoạt của cư dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ dân có đủ các công trình vệ sinh và chăn nuôi hợp vệ sinh tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay xã Điện Quang, đã đạt được 13 tiêu chí NTM; các xã Điện Phước, Điện Thọ đạt được 11 tiêu chí; Điện Trung, Điện Phong 10 tiêu chí; Điện Hồng đạt 9 tiêu chí.
Theo ông Đặng Hữu Lên, từ nay đến năm 2015, Điện Bàn tập trung cao hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn để thực hiện đồng bộ chương trình xây dựng NTM. Địa phương cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn; xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa - xã hội, môi trường. Đặc biệt, huyện cũng có kế hoạch thu hút cán bộ trẻ đủ tiêu chuẩn để bố trí cho mỗi xã một cán bộ chuyên trách NTM.
Trần Công Tú