Việc Trung ương bổ sung nội dung tiêu chí 13 trong bộ tiêu chí xã đạt nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 là phải có hợp tác xã hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã đang tạo những áp lực mới cho các địa phương ở Hội An, gây nguy cơ tụt hạng NTM.
Giao thông nông thôn ở Cẩm Thanh được đầu tư khi địa phương xây dựng NTM. Ảnh: L.H |
Tụt hạng nông thôn mới
Chỉ có 4/13 xã thuộc diện xây dựng NTM nên thời gian qua, Hội An đã tập trung cho công tác này và đã đạt được những kết quả khả quan. Đến cuối năm 2016, xã Cẩm Hà đã đạt 19/19 tiêu chí, cùng với xã Cẩm Thanh trở thành 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM ở Hội An. Nhờ có chương trình này, Cẩm Hà được đầu tư xây dựng thêm các công trình cơ sở hạ tầng, thiết chế công cộng như chợ, đường giao thông, nhà văn hóa thôn, trường học... nên diện mạo địa phương có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, khi Trung ương bổ sung và nâng tỷ lệ một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, UBND tỉnh ban hành Quyết định 756 về Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020 thì đến cuối tháng 9.2017, Cẩm Hà “bổng dưng” tụt hạng 5 tiêu chí. Ngoài các tiêu chí mềm, mang tính chất định tính thì riêng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất (với 2 nội dung: xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững) đang tạo ra những áp lực nhất định đối với Cẩm Hà và cả 3 xã còn lại đang xây dựng NTM ở Hội An.
Trên thực tế, thời gian qua, khi các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại một số địa phương tự thấy hoạt động dần kém hiệu quả, bà con xã viên không còn mặn mà với mô hình hợp tác xã..., bản thân các hợp tác xã cũng mong muốn được giải thể. Bước đầu TP.Hội An đã thống nhất giải thể Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp phường Cẩm Châu, tiếp sau đó sẽ xem xét nhu cầu giải thể của các hợp tác xã còn lại. Đến khi UBND tỉnh ban hành Quyết định Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, giờ đây, các xã lại phải giữ lại các hợp tác xã này. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Hà cũng trong tình thế đó. Gần 40 năm ra đời và hoạt động với nhiều bước thăng trầm, có thời điểm, Hợp tác xã Cẩm Hà đã phát huy tốt vai trò là điểm tựa của bà con xã viên, song hiện nay, hoạt động của hợp tác xã này chỉ còn ở mức cầm chừng. Các dịch vụ thủy nông thủy lợi gần như ngưng hẳn do nhiều diện tích đất lúa bị sình lầy, nông dân bỏ ruộng. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các hồ tôm của hợp tác xã trước đây cũng sắp đến hồi kết, khi mà 35.000m2 hồ nuôi tới đây sẽ nằm trong vùng giải tỏa trắng để các doanh nghiệp làm du lịch và nạo vét sông Cổ Cò... Đến thời điểm hiện tại, khoảng 1.000 xã viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Hà có hộ khẩu ở 3 xã phường Tân An, Cẩm Hà và Thanh Hà đều mong muốn giải thể hợp tác xã. Từ thực trạng này và trước áp lực về tiêu chí NTM, xã Cẩm Hà cũng đang tính toán các phương án để chia tách, thành lập hợp tác xã riêng của Cẩm Hà, không còn liên kết địa bàn như trước đây.
Áp lực...
Có thể xây dựng mô hình hợp tác xã ở Tân Hiệp Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Hội An) cho biết, tuy thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động có việc làm của địa phương đạt rất cao, không còn hộ nghèo, nhưng tiêu chí số 13 đến cuối năm 2017 vẫn chưa đạt vì không có hợp tác xã. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Hiệp đã tăng gần 4 lần so với năm 2010, đạt hơn 37 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 97% và xã không còn hộ nghèo. Đến cuối năm 2017, Tân Hiệp đã đạt 14/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí còn lại chủ yếu là tiêu chí về cơ sở hạ tầng như trường học, cơ sở vật chất văn hóa… đang được đầu tư xây dựng và sẽ đạt chuẩn trong năm 2018. Tuy nhiên, hiện xã vướng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất do không có hợp tác xã hoạt động. Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, năm 2014, địa phương đã thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng tại Bãi Hương, tuy nhiên do khó khăn về nhân sự, nghiệp vụ chuyên môn nên hợp tác xã này đã giải thể. Hiện nay trên địa bàn xã không còn hợp tác xã mà chỉ có 4 mô hình hợp tác sản xuất kinh doanh. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thanh Diệp - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, mặc dầu rất khó khăn để thực hiện đạt chuẩn tiêu chí 13 nhưng Trung ương không thể thay đổi nội dung các chỉ tiêu của tiêu chí này, do đó cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm của địa phương. Một trong những điểm sáng của hình thức hợp tác sản xuất hiện nay ở xã Tân Hiệp là mô hình Tổ khai thác cua đá. Tổ được thành lập từ năm 2013 đến nay với 34 thành viên cùng ban quản lý tổ gồm 5 thành viên với giá trị thu được bình quân hàng năm 10 - 12 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn xã. Theo ông Diệp, có thể vận động Tổ khai thác cua đá chuyển sang mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã này có thể đứng ra mua sản phẩm cua đá của xã viên và bán lại cho các nhà hàng, du khách. Bên cạnh đó, hợp tác xã có thể mở rộng các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác để nâng cao thu nhập cho xã viên.(QUẢNG LÂM) |
Đối với xã Cẩm Kim, địa phương mới phát động xây dựng NTM sau Cẩm Hà và Cẩm Thanh, việc thực hiện các tiêu chí mới bổ sung, sửa đổi cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tiêu chí số 13 về mô hình hợp tác xã cũng đã tạo ra những băn khoăn và áp lực đối với địa phương. Dù rằng, lâu nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Cẩm Kim được cho là hoạt động hiệu quả hơn so với các hợp tác xã ở các địa phương khác. Song với những quy định hiện nay, địa phương cho rằng sẽ gặp những khó khăn khi duy trì và nâng tầm mô hình này. Ông Phan Trọng Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim phân tích, thời gian qua, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn. Vì nhiều lý do, hoạt động của hợp tác xã so với yêu cầu của tiêu chí 13 về NTM thì chưa đạt. Cụ thể, hiện nay hoạt động của hợp tác xã chủ yếu hỗ trợ và giúp đỡ bà con triển khai kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, còn các dịch vụ đem lại nguồn thu chủ yếu là dịch vụ thủy lợi. Những năm gần đây, lợi nhuận thu từ dịch vụ thủy lợi rất thấp, không đủ để trang trải...
Ngoài tiêu chí số 13, đối với xã Cẩm Kim, địa phương cũng gặp một số khó khăn khi thực hiện các tiêu chí mềm, như phải có điểm phục vụ dịch vụ viễn thông công cộng, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy cập intenet; có điểm phục vụ bưu chính, có thùng thư công cộng… Thực tế hiện nay, các cơ sở dịch vụ intenet và điện thoại công cộng tại địa phương không còn hoạt động do khách không còn nhu cầu sử dụng, nhất là khi các dịch vụ internet tiện dụng như 3G, 4G, wifi và điện thoại di động ra đời. Thêm vào đó, bưu điện xã tuy có trụ sở, mặt bằng nhưng ngành bưu điện không còn tổ chức hoạt động bưu chính tại bưu điện xã, chỉ sử dụng làm điểm cấp phát lương hưu hằng tháng. Còn về thùng thư công cộng thì có thể sẽ chọn được điểm đặt nhưng tần suất sử dụng ít, lại không có cán bộ bưu điện phụ trách nên không thiết thực, chỉ mang tính đối phó. Đây cũng là thực trạng chung của hệ thống bưu điện cấp xã hiện nay. Vì vậy trong tiêu chí xây dựng NTM, một số nội dung đã trở nên không phù hợp với xu hướng phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM TP.Hội An, trong quá trình thực hiện, đơn vị sẽ xem xét nội dung các tiêu chí trên cơ sở thực tiễn áp dụng để kiến nghị với Ban chỉ đạo cấp trên điều chỉnh cho phù hợp. Song trước mắt, các địa phương cũng phải tập trung các giải pháp để thực hiện các tiêu chí NTM, theo lộ trình đến năm 2020, hoàn thành xây dựng NTM ở Hội An. “Một chỉ tiêu rất khó thực hiện trong NTM hiện nay là tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, yêu cầu phải thành lập hợp tác xã. Tuy nhiên khi làm việc với xã Tân Hiệp và Cẩm Kim thì nảy sinh mấy vấn đề, do đó chúng tôi mạnh dạn đề xuất với thành phố có chủ trương cho tăng cường cán bộ hợp đồng của phòng xuống 4 địa phương này cùng các địa phương phát triển hợp tác xã. Lương thì vẫn hưởng tại Phòng Kinh tế, 4 hợp tác xã hiện nay làm ăn thua lỗ, anh em không thể trông chờ nguồn thu nhập từ hợp tác xã được” - bà Vân nói.
LÊ HIỀN