Hôm qua 17.5, Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của Văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh và chính quyền nhiều huyện, thị xã, thành phố.
Việc giải ngân vốn chậm khiến tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu bị ảnh hưởng. Ảnh: VĂN SỰ |
Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở nhiều địa phương của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Tính đến giữa tháng 5.2018 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của 204 xã trên địa bàn tỉnh là 13,17 tiêu chí/xã, tăng 0,06 tiêu chí/xã so với thời điểm cuối năm 2017 và tăng 10,56 tiêu chí/xã so với năm 2010. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có 71 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 34,80% trong tổng số xã tham gia thực hiện mô hình. Tuy nhiên, đối với 62 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2016, hiện có đến 41 xã bị rớt một số tiêu chí đạt chuẩn NTM. Về xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong tổng số 135 thôn đăng ký thực hiện, đến nay có 20 thôn được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để chương trình NTM tiếp tục mang lại hiệu quả cao, thời gian tới các ngành, các cấp cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân và huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội. Cạnh đó, tập trung rà soát, đánh giá cụ thể tình hình thực tế ở mỗi địa phương để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện tốt các tiêu chí chưa đạt và nâng tầm những tiêu chí đã đạt chuẩn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm sớm giải quyết những tồn tại, vướng mắc phát sinh như thủ tục hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất và khai thác quỹ đất còn rườm rà, việc giải ngân vốn và khâu phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của các địa phương quá chậm làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn…
* Ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh thông tin, tính đến thời điểm này, các xã thực hiện chương trình NTM của huyện còn nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 5,9 tỷ đồng. Trong đó, nợ giai đoạn 2011 - 2015 gần 2,9 tỷ đồng và nợ giai đoạn 2016 - 2017 hơn 3 tỷ đồng. Các địa phương của Phú Ninh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết số nợ đọng xây dựng cơ bản, phấn đấu đến cuối tháng 6.2018 toàn bộ 10/10 xã của huyện không còn nợ đọng trong giai đoạn 2011 - 2015 và cuối năm nay hoàn thành việc thanh toán nợ đọng giai đoạn 2016 - 2017 (đối với 2 xã Tam Lộc, Tam Lãnh). Ông Đạo cho biết thêm, nếu xã nào không có khả năng trả nợ theo đúng kế hoạch đã đề ra, UBND huyện sẽ đề nghị HĐND huyện cho phép tạm ứng tiền để giải quyết dứt điểm khoản nợ nêu trên vào cuối năm 2018.
VĂN SỰ