Việc tạo dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn, hình thành các vùng trồng cây ăn quả, rau sạch là chủ trương thiết thực huyện Đại Lộc hướng tới...
Sản phẩm dầu phụng, dầu mè của Công ty Noom trưng bày tại triển lãm hàng nông sản sạch. Ảnh: H.L |
Trồng rau, cây ăn quả sạch
Tại làng Phương Trung (xã Đại Quang), mô hình vườn cây ăn quả phát triển rộng trên tổng diện tích hơn 10ha chủ yếu phát triển các loại cây bản địa như: bưởi, chôm chôm, mít, dừa xiêm, xoài, chuối… theo hướng an toàn sạch bệnh. Nhiều mảnh vườn nhờ đầu tư thâm canh hợp lý, nông dân có thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm. Làng quê Thái Sơn (xã Đại Hưng) cũng được định hướng trở thành vùng cây ăn quả sạch bệnh. Năm 2017, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc tiếp tục hỗ trợ giống cây ăn quả với chủng loại: dừa xiêm dây, bưởi, cam… trên tổng diện tích 5ha với 25 hộ trồng, nâng tổng diện tích vùng trồng cây ăn quả Thái Sơn lên hơn 10ha. Đến nay, nhiều hộ dân thôn Thái Sơn đã trở nên khấm khá từ những vườn cây ăn quả, xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang. Nhiều hộ thu nhập mỗi năm từ 100 triệu lên tới vài trăm triệu đồng. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Hạt, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Năm, Trần Đắc Thanh… có vườn cây ăn quả lên tới cả héc ta mang lại thu nhập cao. UBND xã Đại Hưng đã xây dựng đề án phát triển Thái Sơn trở thành vùng trồng cây ăn quả sạch bệnh gắn với phát triển du lịch sinh thái và được huyện Đại Lộc hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng.
Tổ hợp tác rau an toàn thôn Quảng Yên (xã Đại An) vừa được hình thành từ sự vào cuộc của Hội LHPN huyện và Hội LHPN xã Đại An. Theo đó, tổ hợp tác sản xuất trên tổng diện tích 5 sào đất, chủ yếu trồng rau trong nhà lưới, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng chế phẩm vi sinh và bón phân hữu cơ. Rau sản xuất qua sơ chế được test kiểm định đầu ra, đóng bao bì, gắn nhãn mác trước khi đưa đi tiêu thụ. Sản phẩm hiện đã vào các bếp ăn tập thể ở Đại Lộc. Dù quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ song các thành viên tổ hợp tác đã duy trì được chất lượng rau sạch, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Nông dân tổ hợp tác còn được thực hành trồng theo quy trình canh tác VietGap. Bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc thông tin, từ sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ huyện và xã Đại An, Phòng NN&PTNT huyện, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, một số hội viên phụ nữ của thôn Quảng Yên đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn trong nhà lưới. “Sản phẩm làm ra chưa nhiều và đầu ra bước đầu gặp khó nên các cấp hội phụ nữ hỗ trợ tổ hợp tác tìm kiếm đầu ra bằng việc liên kết với các trường học, cơ quan có bếp ăn tập thể trên địa bàn. Phía hội và các phòng ban tiếp tục hướng tới hỗ trợ tổ hợp tác Quảng Yên về khâu quảng bá thương hiệu, gắn lô gô, nhãn mác lên bao bì sản phẩm, đăng ký chất lượng... để sản phẩm có sức tiêu thụ tốt hơn” - bà Mừng nói.
Truy xuất nguồn gốc
Hiện một số chuỗi thực phẩm an toàn được thiết lập tại Đại Lộc như thịt heo của Công ty Duy Đại Sơn, sản phẩm gạo an toàn và bánh tráng sạch của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, sản phẩm dầu phụng sạch của nông dân thôn Xuân Nam, xã Đại Thắng… Theo ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, HTX đang hướng tới việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có thể đưa sản phẩm bánh tráng, gạo an toàn vào các siêu thị sạch. “HTX rất cần sự hỗ trợ của Sở Công thương, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện cũng như nhiều đơn vị chức năng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các quy trình, thủ tục để truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm gạo Ái Nghĩa, riêng sản phẩm bánh tráng đã truy xuất nguồn gốc được” - ông Cảm nói.
Từ sự tích cực của chính quyền, hơn 10 hộ dân của thôn Xuân Nam (xã Đại Thắng) và Công ty TNHH Noom Bình Giang (gọi tắt là Công ty Noom) đã triển khai chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất vùng nguyên liệu, tạo sản phẩm dầu phụng sạch đủ chuẩn để xuất khẩu. Trên vùng sản xuất thí điểm 5ha, phía xã Đại Thắng, nông dân và Công ty Noom phải trải qua các công đoạn: xử lý hóa chất tồn dư trong đất, làm tăng độ phì nhiêu cho đất bằng việc bón phân hữu cơ, phân vi sinh, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học. Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng thôn Xuân Nam cho hay, cả thôn có hơn 10 hộ tham gia mô hình, sản phẩm được công ty bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường nên nông dân phấn khởi. Còn ông Trần Công Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thắng thông tin, toàn bộ quá trình canh tác đều có camera theo dõi, giám sát, truy xuất nguồn gốc khi cần thiết, hướng tới phát triển bền vững. Trong suốt quá trình canh tác, nhiều đối tác nước ngoài cũng đến vùng sản xuất tìm hiểu, kiểm tra. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của xã Đại Thắng, nông dân trở thành người canh tác trên chính mảnh đất của mình, được bao tiêu sản phẩm và sẽ tiếp tục hình thành những vệ tinh lân cận. Bà Bùi Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty Noom cho hay, toàn bộ quá trình sản xuất nguyên liệu đậu phụng, mè trên vùng sản xuất cho tới quá trình chế biến, đóng chai sản phẩm dầu ăn an toàn đều được hệ thống camera ghi lại, có thể giúp người tiêu dùng tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm, nhờ đó sản phẩm có thể đi vào những thị trường khó tính. “Việc tạo chuỗi sản phẩm sạch vốn không đơn giản, không thể làm ồ ạt mà phải từng bước theo quy trình, đi theo hướng bền vững. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng sản xuất để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường” - bà Thu chia sẻ.
HOÀNG LIÊN