Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại III, với nhiều chính sách đầu tư hạ tầng, an sinh xã hội đạt hiệu quả, TP.Tam Kỳ đang trên đường phát triển thành đô thị loại II vào năm 2016.
Tăng tốc 10 năm
Năm 2015 kỷ niệm tròn 10 năm thị xã Tam Kỳ lên thành phố. Thời điểm tái lập tỉnh và được chọn làm tỉnh lỵ, Tam Kỳ là một thị xã nông nghiệp. Gọi là thị xã nhưng chỉ có vài tuyến phố đáng chú ý là Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân và Huỳnh Thúc Kháng. Khi trở thành đô thị tỉnh lỵ, thị xã mới bắt đầu được quy hoạch, đầu tư xây dựng, chỉnh trang hạ tầng. Để tạo điều kiện cho địa phương phát triển, đầu năm 2005, Tam Kỳ được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Cuối năm 2005 đánh dấu một bước phát triển mới của Tam Kỳ khi được công nhận là đô thị loại III, trở thành thành phố chỉ chưa đầy 8 năm sau ngày tái lập tỉnh.
Một góc đô thị Tam Kỳ. |
Với vai trò là trung tâm tỉnh lỵ, đồng thời có vị thế chiến lược trong chuỗi đô thị vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, TP.Tam Kỳ tiếp tục được đặt mục tiêu xây dựng và nâng cấp để trở thành đô thị loại II. Theo đó, hàng loạt chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông được đầu tư theo hướng tạo ra sự phát triển đột phá. Nếu giai đoạn 1997 - 2005 được xem là bước “khởi động” trong quá trình phát triển đô thị Tam Kỳ thì quãng thời gian từ 2005 đến nay là giai đoạn “tăng tốc”. Theo báo cáo của UBND TP.Tam Kỳ, đến cuối năm 2014 thành phố đã đạt 36 trong tổng số 49 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 34 (ngày 30.9.2009) của Bộ Xây dựng về phân loại đô thị. Trong đó, đạt 4/7 chỉ tiêu về chức năng đô thị, đạt 1/3 chỉ tiêu về quy mô dân số toàn đô thị, đạt 1/1 chỉ tiêu về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, đạt 27/30 chỉ tiêu về hệ thống công trình đô thị, đạt 3/6 chỉ tiêu về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đáng chú ý, có nhiều chỉ tiêu đòi hỏi khá cao nhưng chỉ trong thời gian ngắn địa phương cũng đã hoàn thành một cách xuất sắc như tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2014 là 870 tỷ đồng (so với chỉ tiêu tối đa theo quy định là 600 tỷ đồng), mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt trung bình 11,75% (chỉ tiêu tối đa là 7%). Một số chỉ tiêu về công trình công cộng cấp đô thị, hệ thống cấp điện hay chiếu sáng công cộng… cũng đều vượt xa quy định tối thiểu của đô thị loại II.
Đích đến năm 2016
Có một số tiêu chí tỏ ra “quá sức” đối với đô thị Tam Kỳ, chẳng hạn tiêu chí dân số toàn đô thị tối thiểu là 300 nghìn người (hiện Tam Kỳ chỉ có 135 nghìn người), dân số nội thị 120 nghìn người (hiện 108 nghìn)… Dù vậy, phát biểu tại hội thảo quy hoạch đô thị Tam Kỳ, KTS. Nguyễn Tấn Vạn - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, có một số đô thị loại II nhưng dân số không đạt đến 300 nghìn người như quy định bởi quan trọng hơn hết là sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, chất lượng đời sống của người dân. |
Cuối năm 2014, một sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người đối với chặng đường phát triển của TP.Tam Kỳ là lễ công bố Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2013, tầm nhìn đến năm 2050. Điểm nhấn của đồ án này là định hướng phát triển Tam Kỳ thành đô thị xanh, cộng sinh với thiên nhiên và môi trường, kết hợp hài hòa giữa đô thị với nông thôn theo xu hướng “làng trong phố, phố trong làng” dựa trên ưu thế về không gian tự nhiên của vùng đất 3 núi, 3 sông và bản sắc văn hóa truyền thống. Như vậy, có thể nói, song hành với xây dựng đô thị loại II, Tam Kỳ còn có mục tiêu phát triển trở thành đô thị thân thiện với môi trường. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ – ông Phạm Công Thắng khi phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đã nhắn gửi rằng, “tương lai dù giàu có, hiện đại nhưng sẽ vô hồn nếu chúng ta không giữ được những cảnh sắc tự nhiên đã bao đời gắn bó với người Tam Kỳ; không giữ được hồn quê, hồn phố Tam Kỳ”.
Nhìn nhận về quá trình xây dựng, phát triển thành phố thời gian qua, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - ông Nguyễn Văn Lúa cho rằng, với một thành phố trẻ và xuất phát điểm về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế xã hội khá thấp thì những kết quả đạt được cho đến nay được xem là một thành công lớn. Dù công tác xây dựng đô thị loại II đang bị vướng một số tiêu chí, nhưng “không đáng lo” bởi phần lớn các tiêu chí đã xấp xỉ đạt chuẩn quy định. Hơn nữa, thành phố đang tích cực đẩy mạnh triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị. Chẳng hạn, tuy chưa thể hiện tính tổng hợp cấp vùng nhưng Tam Kỳ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, GD-ĐT, dịch vụ và khoa học - kỹ thuật của tỉnh, lại có vị thế chiến lược trong chuỗi đô thị vùng duyên hải miền Trung, nằm trên trục đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1, đường Nam Quảng Nam nối với các tỉnh Tây Nguyên. Vì thế, các tuyến đường này hoàn thành thì Tam Kỳ hoàn toàn đủ điều kiện để phát huy vai trò và tính chất đô thị loại II…
Mười năm sau khi lên thành phố - một chặng đường không dài nhưng với sự quyết liệt trong đầu tư nhằm tạo đột phá trong phát triển, đến nay đô thị Tam Kỳ đã ra “phố” hơn và ước mơ trở thành đô thị loại II của người dân Tam Kỳ không còn xa nữa.
TƯƠNG VY