Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường

BẢO LÂM 21/04/2016 09:30

Việc ra đời Ngày sách Việt Nam (21.4) ngày càng củng cố phong trào, xây dựng văn hóa đọc trong cán bộ, giáo viên và học sinh ở Tam Kỳ...

Khơi dậy thói quen đọc

Theo thầy Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, từ khi có Ngày sách Việt Nam (cách đây 3 năm), phong trào đọc sách được quan tâm nhiều hơn, văn hóa đọc trong nhà trường cũng được khơi dậy mạnh mẽ. Nhờ đó đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng thói quen đọc sách trong giới trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi học trò. Năm nay, Phòng GD-ĐT Tam Kỳ chọn Trường THCS Nguyễn Huệ và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi làm điểm để tổ chức Ngày sách Việt Nam. Với cách tổ chức sáng tạo bằng nhiều trò chơi, cuộc thi liên quan đến sách như tìm tên tác giả, tác phẩm, thi vẽ bìa sách, viết thư pháp, giới thiệu sách hay, xếp sách nghệ thuật..., ngày hội đọc sách ở trường Nguyễn Huệ và Nguyễn Văn Trỗi đã thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.  

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đọc sách trong sân trường. ảnh: C.N
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đọc sách trong sân trường. ảnh: C.N

Cô Bùi Thị Diễm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho rằng, khi văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc như hiện nay thì việc kích thích niềm đam mê đọc sách cho học sinh bằng nhiều hình thức hết sức cần thiết. Với chủ đề “Đọc sách là cách học tốt nhất”, nhà trường mong muốn việc đọc sách không chỉ đem lại kiến thức, trí tuệ cho học trò mà còn góp phần giúp các em trau dồi nhân cách, biết sẻ chia, quan tâm tới cộng đồng. Từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, trong ngày hội sách năm nay, Trường THCS Nguyễn Huệ còn tặng quà cho 16 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi dành tặng gần 1.000 bản sách cho học sinh vùng cao Nam Trà My và một trường tiểu học ở vùng ven Tam Kỳ, từ sự đóng góp của phụ huynh và học sinh. Những năm qua, Liên đội TNTP Hồ Chí Minh và Thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đã phát động phong trào “đọc và làm theo sách”, được học sinh hưởng ứng tích cực. Em Nguyễn Thị Mai Huyền là học sinh có thành tích tiêu biểu trong phong trào đọc và làm theo sách, được nhà trường khen thưởng đợt này tâm sự, em thường tranh thủ đọc sách vào giờ ra chơi hoặc khi rảnh rỗi. Ở nhà, em cũng được ba mẹ sắm cho một tủ sách khá đầy đặn với phần lớn là truyện cổ tích và sách khoa học - hai loại sách em thích đọc. Ngoài ra, Mai Huyền tích cực góp sách để san sẻ tri thức với những bạn không có điều kiện tiếp cận với sách.

Nhiều hoạt động thiết thực

Nhân Ngày sách Việt Nam 21.4 năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thông tin TP.Tam Kỳ tổ chức nhiều hoạt động nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh giá trị của sách và thu hút bạn đọc. Cụ thể, tặng quà và hỗ trợ đầu sách trưng bày tại trường học; từ ngày 20 đến 23.4 sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, xếp sách nghệ thuật theo chủ đề. Ngày 21.4, tổ chức giao lưu văn hóa và các trò chơi vui có quà tặng như thi đọc sách nhanh, nặn hình theo sách, xé dán theo sách, tô màu theo sách, đố vui về sách...

Để nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho học sinh, mỗi phòng học ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đều được trang bị một tủ sách mi ni, do phụ huynh, học sinh, giáo viên góp sách cũng như công sức để lập nên. Cô Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, nhà trường thường xuyên luân chuyển sách giữa các lớp để học sinh có cơ hội được tiếp cận với nhiều sách mới, sách hay. Mỗi năm học nhà trường đều tổ chức các cuộc thi liên quan đến sách. Ví như năm nay, thông qua cuộc thi “Chúng em kể chuyện lịch sử”, mục đích mà nhà trường hướng đến không chỉ là khuyến khích các em đọc sách mà qua đó, còn giáo dục truyền thống lịch sử, để học sinh thêm yêu Tổ quốc, quê hương.

Dù không được chọn làm điểm nhưng các trường học trên địa bàn TP.Tam Kỳ đều tích cực hưởng ứng Ngày sách Việt Nam bằng nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực với mục đích chính là tạo thói quen đọc sách cho học sinh. Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm tổ chức ngày hội “Đọc sách cho ngày mai”. Tương tự, Trường Tiểu học Ngô Quyền tổ chức hội thi kể chuyện theo sách và mỗi lớp bố trí một góc thư viện. “Dù số lượng sách ở góc thư viện không nhiều nhưng sẽ được luân chuyển thường xuyên, hy vọng học sinh sẽ được tiếp cận với sách nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhà trường còn khuyến khích giáo viên đọc sách báo để làm gương cho học sinh” - cô Trần Thị An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền nói.

Hiện nay, 100% thư viện trong trường học ở Tam Kỳ đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT; trong đó có 9/24 thư viện xuất sắc. Tuy nhiên, điều mà các thư viện trong trường học ở Tam Kỳ hướng đến là thư viện thân thiện để thu hút bạn đọc. Như ở Trường THCS Lý Tự Trọng, học sinh được đọc sách trong không gian thoáng mát, hiện đại, có nước mát, nghe nhạc nhẹ… Trần Ngọc Sơn cho biết, để việc đọc sách trong nhà trường thực sự đi vào chiều sâu, Phòng GD-ĐT Tam Kỳ đã chỉ đạo các trường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng số lượng sách bằng hình thức xã hội hóa, tạo không gian đọc thông thoáng, mát mẻ. Bởi, “một khi thư viện hoạt động tốt, thu hút được học sinh và giáo viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cũng như các hoạt động ngoại khóa của học sinh và các đoàn thể trong nhà trường” - thầy Trần Ngọc Sơn nói.

BẢO LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO